Liệu con người có thể kiểm soát tâm trí và tránh những suy nghĩ không mong muốn?
Đè nén, kiểm soát suy nghĩ không mong muốn là điều chúng ta có thể thực hành được. Tuy nhiên, để có một sức khỏe tinh thần tốt, đừng làm vậy.
Mỗi người có khoảng 4.000 suy nghĩ đơn lẻ mỗi ngày
Sau một mối tình tan vỡ, bạn luôn nghĩ rằng mình vẫn ổn, cho đến khi vô tình đi ngang qua góc phố quen, đụng mặt một người bạn chung, hoặc nghe một bản tình ca cũ trên sóng phát thanh. Cho dù thâm tâm bạn không muốn nghĩ về người cũ, mọi thứ đều gợi nhớ về mối quan hệ đã qua.
Bạn không thể xóa bỏ toàn bộ ký ức của mình về một mối quan hệ tình cảm đã không còn tiếp tục nữa. Vậy liệu bạn có thể xua đuổi một phần những ý nghĩ mà bản thân không mong muốn? Câu trả lời ngắn gọn là có thể. Nhưng việc liệu có nên làm như vậy về lâu dài hay không thì phức tạp hơn.
Joshua Magee, một nhà tâm lý học lâm sàng và là người sáng lập liệu pháp Wellness Path Therapy, đã có thời gian dài nghiên cứu về những suy nghĩ, hình ảnh không mong muốn hay những sự thúc giục mà ai đó không chờ đợi trong các trường hợp rối loạn tâm thần. Theo ông, suy nghĩ của con người có độ tập trung khá thấp và khả năng kiểm soát chúng cũng thấp hơn so với tưởng tượng.
Trong một nghiên cứu nổi tiếng xuất bản năm 1996 trên tạp chí Giao thoa nhận thức: Lý thuyết, phương pháp và phát hiện của tác giả Eric Klinger, giáo sư tâm lý học danh dự tại Đại học Minnesota, những người tham gia ghi lại tất cả suy nghĩ của họ trong một ngày. Trung bình, mỗi người có khoảng 4.000 suy nghĩ đơn lẻ mỗi ngày. Và những suy nghĩ này chỉ thoáng qua, trung bình kéo dài không quá 5 giây mỗi lần. "Những suy nghĩ liên tục xuất hiện lên xuống, tuôn trào và nhiều người trong chúng ta không nhận thấy điều này", Magee chia sẻ với Live Science.
Con người có thể thực hành để tránh những suy nghĩ cụ thể
Trong nghiên cứu thực hiện năm 1996, 1/3 các suy nghĩ dường như xuất hiện hoàn toàn từ hư không, chẳng bắt nguồn từ đâu. Magee cho biết thêm rằng việc trải qua những suy nghĩ gây lo lắng là điều bình thường.
Trong một nghiên cứu khác được Klinger và các đồng nghiệp thực hiện vào năm 1987, 22% người tham gia cho rằng suy nghĩ của họ là kỳ lạ, không thể chấp nhận được hoặc sai trái. Ví dụ bạn có thể tưởng tượng mình đang chặt vào ngón tay khi đang nấu ăn, hoặc làm rơi con khi bế chúng đặt vào cũi.
Ở một số tình huống, sẽ hợp lý khi trấn áp những suy nghĩ không mong muốn đó. Ví dụ như khi đi phỏng vấn xin việc, bạn sẽ không muốn bị phân tâm bởi suy nghĩ rằng mình sẽ bị loại. Hoặc như khi đi máy bay, bạn sẽ không muốn nghĩ tới kịch bản máy bay rơi. Và theo Magee, có bằng chứng cho thấy chúng ta đủ khả năng để trấn áp những suy nghĩ không mong muốn này.
Năm 2022, trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS Computational Biology, các nhà khoa học Israel đã cho 80 tình nguyện viên xem một loạt các ảnh trình chiếu những danh từ khác nhau. Mỗi danh từ sẽ được lặp lại trên 5 ảnh.
Khi xem các bức ảnh, những người tham gia sẽ ghi nhanh một từ mà họ kết hợp với mỗi danh từ hiển thị, ví dụ từ "đường" để đáp lại từ "xe hơi". Các nhà nghiên cứu nói với một nhóm tình nguyện viên rằng họ sẽ không được trả tiền thù lao tham gia nghiên cứu, nếu viết lặp từ. Một nhóm khác lại được tự do viết lặp bao nhiêu từ cũng không sao. Với phương pháp này, các nhà khoa học thử mô phỏng điều gì sẽ xảy ra khi ai đó nghe thấy bản tình ca quen thuộc trên đài phát thanh và cố tìm cách lảng tránh những suy nghĩ về người yêu cũ.
Kết quả cho thấy rằng ở nhóm một, khi các tình nguyện viên nhìn thấy danh từng quen thuộc trong lần thứ hai, họ mất nhiều thời gian hơn so với nhóm còn lại để nghĩ ra một từ mới. Ví dụ họ phải suy nghĩ để chọn từ "lốp xe" thay cho từ "đường".
"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng cho thấy người ta hoàn toàn có thể tránh được những suy nghĩ không mong muốn", tác giả chính của nghiên cứu là Isaac Fradkin, nhà tâm lý học tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, nói với Live Science. Nhưng kết quả cho thấy rằng việc thực hành có thể giúp mọi người tránh những suy nghĩ cụ thể tốt hơn.
Ức chế suy nghĩ chỉ tác dụng trong ngắn hạn
Tuy nhiên việc đè nén cảm xúc chưa chắc đã là tốt. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng việc tránh suy nghĩ không mong muốn có thể mang tới những tác dụng tiêu cực. Nhà tâm lý học Magee nói: "Khi chúng ta ngăn chặn một suy nghĩ, về cơ bản chúng ta đang gửi đến bộ não của mình một thông điệp: hãy dán nhãn. "Nỗ lực này sẽ dán nhãn suy nghĩ như một thứ gì đó đáng sợ. Và về bản chất, chúng ta chỉ đang làm cho những suy nghĩ không mong muốn trở nên mạnh mẽ hơn, thông qua việc cách cố gắng kiểm soát chúng".
Một phân tích hồi năm 2020 đăng trên tạp chí Perspectives on Psychological Science, dựa vào 31 nghiên cứu khác nhau về ức chế suy nghĩ, cho thấy việc ức chế suy nghĩ có tác dụng trong ngắn hạn. Nhưng dù người ta sẽ thành công ban đầu trong việc ngăn chặn suy nghĩ không mong muốn, chúng sẽ sớm trở lại rất nhanh.
Việc tiếp cận có ý thức với những suy nghĩ không mong muốn được các nhà khoa học đánh giá là giải pháp tốt hơn: chúng ta sẽ đợi các suy nghĩ này trôi qua và phai nhạt dần, thay vì tìm cách lảng tránh và sợ hãi. Dần dần các suy nghĩ không mong muốn sẽ giống như hàng ngàn suy nghĩ khác vẫn lướt qua đầu bạn mỗi ngày, theo lời Fradkin. "Chúng ta có thể cho phép những suy nghĩ này chỉ ở trong tâm trí của mình. Đừng nên giữ chúng quá chặt và đừng cố gắng chống lại chúng", ông nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google