Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nghiêm trọng do ăn côn trùng

Dũng Minh
06:18 - 28/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ăn côn trùng là một thói quen phổ biến của nhiều người, món ăn từ côn trùng được cho là có nhiều lợi ích về dinh dưỡng, tuy nhiên, ăn côn trùng cũng có những nguy cơ tiềm ẩn de dọa sức khỏe và tính mạng, đặc biệt là những loại côn trùng lạ. Gần đây nhiều nơi liên tục xảy ra các vụ ngộ độc do ăn côn trùng.

Ngộ độc sâu ban miêu tại Lạng Sơn

Ngày 26/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 3 bệnh nhân trong tình trạng nôn ra máu, đau bụng, phồng rộp niêm mạc lưỡi và nước tiểu đỏ. Các bệnh nhân đều có biểu hiện kích thích vật vã và suy đa tạng.

Qua khám và xét nghiệm, bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây ra ngộ độc do 3 người này ăn sâu ban miêu, một loại côn trùng có chứa chất độc Cantharidin. Người nhà bệnh nhân cũng mang đến một số con sâu ban miêu làm mẫu xét nghiệm.

Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nghiêm trọng do ăn côn trùng - Ảnh 1.

Sâu ban miêu do người nhà bệnh nhân mang đến bệnh viện. Ảnh: IT

Bác sĩ đã xử trí các bệnh nhân khẩn cấp theo phác đồ ngộ độc của Bộ Y tế và hội chẩn với chuyên gia Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai. Hiện tại, tình trạng của 2 bệnh nhân rất nặng, phải lọc máu cấp cứu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

Sâu ban miêu là một loại bọ cánh cứng, có thân hình nhỏ, màu đen hoặc vàng với chấm hoặc dải ngang màu đen. Loại sâu này có thể gây ngộ độc nghiêm trọng cho người khi ăn phải, do chất độc Cantharidin có khả năng hủy hoại tổ chức và cơ quan trong cơ thể.

Các bác sĩ Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc khuyên: Người dân nên cẩn thận khi ăn các loại côn trùng, chỉ nên ăn những loài đã được kiểm tra và xác nhận là an toàn. Nếu có triệu chứng ngộ độc sau khi ăn côn trùng, nên đi khám và điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.

Ngộ độc nghiêm trọng do ăn nhầm xác nhộng ve sầu

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/5, bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp ngộ độc nghiêm trọng do ăn nhầm xác nhộng ve sầu tưởng là đông trùng hạ thảo.

Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nghiêm trọng do ăn côn trùng - Ảnh 2.

Về điều trị, ngộ độc nấm sau ăn xác ve sầu không có thuốc giải độc đặc hiệu mà chỉ điều trị hỗ trợ những triệu chứng bệnh nhân mắc phải. Ảnh: IT

Bệnh nhân là nam, 34 tuổi, quê ở Bình Thuận, cho biết, vào ngày 21/5, khi đi làm vườn anh đã đào được một số xác nhộng ve sầu có màu vàng nâu, có hình thù giống nấm. Nghĩ đó là đông trùng hạ thảo - một loại dược liệu quý hiếm và có tác dụng bồi bổ sức khỏe, anh đã mang về và ăn khoảng 12 - 14 con vào khuya cùng ngày.

Sau khi ăn, anh bắt đầu có các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn ói liên tục. Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận cấp cứu và sau đó được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân được chẩn đoán là bị ngộ độc do ăn xác nhộng ve sầu. Khi ve sầu đẻ trứng vào trong đất, sau đó phát triển thành ấu trùng. Nhộng ve sầu nằm trong đất, có thể gần các bào tử nấm. Có một số loài nấm ký sinh trên vật chủ là nhộng ve sầu, chúng sẽ thay thế các mô của vật chủ và mọc ra các thân cây dài. Không phải tất cả các loại nấm ký sinh đều có lợi cho sức khỏe con người. Một số loài nấm có thể tạo ra chất độc hoặc gây dị ứng.

Bác sĩ Ngân cũng cho biết, hiện chưa xác định được loại nấm nào gây ra ngộ độc. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào lịch sử tiếp xúc và các triệu chứng lâm sàng. 

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy giảm ý thức, bí tiểu, yếu mỏi cơ, tim đập chậm. Hiện bệnh nhân đã được điều trị tích cực và theo dõi tình trạng sức khỏe. 

Bác sĩ Ngân khuyến cáo người dân không nên tự ý ăn các loại nấm hoặc dược liệu không rõ nguồn gốc và không có kiến thức về chúng. Nếu có triệu chứng bất thường sau khi ăn, cần phải đi khám và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Sâu ban miêu có chất Cantharidin cực độc, làm hủy hoại protein, hoại tử ruột, suy đa phủ tạng, hầu hết bệnh nhân tử vong. Loại sâu này độc gấp nhiều lần thuốc diệt cỏ Paraquat (thuốc diệt cỏ cháy nhanh).

Độc tố của sâu ban miêu tiết ra gần giống dịch từ kiến ba khoang, nếu dính vào tay và bôi vào mắt, dụi mắt sẽ làm bỏng rát, tổn thương giác mạc. Cantharidin vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ngộ độc nặng, tổn thương dạ dày và ruột, đau bụng nôn mửa, chảy máu đường tiêu hóa, hoại tử ruột.

Chỉ tiếp xúc sâu qua da như dùng tay bắt trực tiếp, đường hô hấp (mở bao đựng sâu ra hít phải hơi) cũng đủ gây dị ứng trầm trọng, nhất là những người da mỏng, có vết thương hở. Hơi độc từ sâu, bay vào mắt sẽ có cảm giác cay, bỏng rát.