Nhân viên y tế nghỉ việc: Nguyên nhân và giải pháp

Đinh Hằng
07:27 - 26/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt kéo theo những hệ lụy không nhỏ, cần xem xét và có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc

Trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 3.756 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các sở y tế các tỉnh, thành xin thôi việc, bỏ việc. Trong số đó có 1.190 bác sĩ, 1.177 điều dưỡng, 267 kỹ thuật y và 1.126 viên chức y tế khác. 

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như Thành phố Hồ Chí Minh (874), Hà Nội (360), Đồng Nai (360), Bình Dương (166), An Giang (146), Đà Nẵng (127), Cần Thơ (111).

Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, đến ngày 30/6, đã có 357 viên chức y tế xin thôi việc, hoặc bỏ việc. Trong số đó có 115 bác sĩ, 117 điều dưỡng, 33 kỹ thuật y và 91 viên chức y tế khác.

Tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022, 9.397 viên chức y tế đã xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các sở y tế các tỉnh, thành; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

"Làn sóng" nhân viên y tế nghỉ việc: Nguyên nhân và giải pháp - Ảnh 1.

9.397 viên chức y tế đã xin thôi việc, bỏ việc từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022. Ảnh: Bộ Y tế

Nhân viên y tế "dứt áo ra đi" vì...

Có nhiều nguyên nhân khiến hàng loạt các cán bộ nhân viên ngành y phải đưa ra quyết định trên. 

Nguyên nhân thứ nhất phải kể đến là thu nhập thấp. Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng, sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập, các bác sĩ hưởng lương là 3.486.000 đồng (2,34 x 1.490.000 đồng). Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40%, thu nhập của họ ở mức 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). 

Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập. Trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 - 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 - 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.

Nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế thấp là nguyên nhân thứ hai khiến các nhân viên y tế quyết định "dứt áo ra đi". 

Tại một số đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên (nguồn chi trả lương và phụ cấp cho viên chức y tế được trích từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị thông qua giá dịch vụ y tế), do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp. 

Mặt khác, trong các năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và giãn cách xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng giảm, thu nhập của nhân viên y tế giảm mạnh. Thậm chí, nhiều đơn vị chậm chi trả lương cho nhân viên y tế. 

Nguyên nhân thứ ba khiến nhân viên y tế nghỉ việc là chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ viên chức y tế trẻ, có trình độ và năng lực đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc tại địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế.

Với mức thu nhập thấp trong khi công việc lại quá tải, cường độ và thời gian lao động tăng; chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế, hoặc không có, tình trạng cán bộ viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng cao là không thể tránh được.

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương cũng tác động khiến nhân viên ngành y đồng loạt xin nghỉ việc. 

Tại các hệ thống tư nhân, môi trường làm việc thuân lợi, hiện đại, thân thiện, có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật, nhất là cán bộ nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu và những viên chức y tế đã có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. 

Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ chân nhân viên y tế.

"Làn sóng" nhân viên y tế nghỉ việc: nguyên nhân và giải pháp - Ảnh 2.

Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, nhân viên y tế làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, hầu như không có ngày nghỉ. Ảnh: Bộ Y tế

Nguyên nhân thứ năm là do áp lực công việc cao. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, cường độ làm việc của nhân viên y tế tăng cao trong thời gian kéo dài, hầu như không có ngày nghỉ, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. 

Mặt khác, nhân viên y tế phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, có nguy cơ cao mắc bệnh, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng và gia đình. Điều này cũng ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế.

Ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định về pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng như thiếu trang thiết bị y tế để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường, bao gồm cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết… đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế.

Do môi trường làm việc đặc thù của ngành y tế, cán bộ viên chức y tế phải thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn của người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân tử vong mà mình không thể cứu chữa được, đồng thời chịu áp lực rất lớn từ người nhà bệnh nhân. Thậm chí một số nhân viên y tế còn chịu những hành động đe dọa, bạo lực cả về thể chất và tinh thần của người nhà người bệnh, gây tâm lý hoang mang, lo sợ khi hành nghề, giảm sự nhiệt tình trong hoạt động nghề nghiệp.

Hệ lụy khôn lường

Tình trạng hàng loạt nhân viên y tế xin nghỉ việc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, điều trị người bệnh, cũng như sự vững chắc của hệ thống y tế cơ sở vốn đã tồn tại nhiều bất cập.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ nhân viên y tế nghỉ việc trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 5%. Dù chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình khám, chữa bệnh cho người dân nhưng cũng để lại "khoảng trống" nhất định. 

Đơn cử tại quận Bình Tân, theo bác sĩ Trương Đình Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận, đơn vị này đang thiếu nhân sự do một số người đã nghỉ việc trong thời gian vừa qua. Theo quyết định của Sở Y tế, Trung tâm Y tế quận Bình Tân được phân bổ 240 biên chế, nhưng hiện mới chỉ tuyển được 177 người. 

Đợt vừa qua, đơn vị này thông báo tuyển dụng 35 nhân sự, nhưng chỉ nhận được 10 hồ sơ. Dù địa bàn rộng và dân cư đông đúc nhưng hiện nay, lực lượng y tế của quận lại khá mỏng.

Nhân sự ít khiến khối lượng công việc mỗi người phải đảm trách là rất lớn. Trong khi thu nhập lại thấp, đây chính là nguyên nhân khiến người ở trong chán nản, mà người ở ngoài cũng không mặn mà.
Bác sĩ Trương Đình Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh

"Trước đây, nhân viên y tế cơ sở có thêm nguồn thu như khám sức khỏe, chích ngừa dịch vụ, nhưng giờ toàn bộ nhân lực phải tập trung tiêm phòng COVID-19 kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và làm công việc khác như làm sạch dữ liệu tiêm chủng, tăng cường tiêm phòng cho trẻ em sau thời gian gián đoạn do dịch, phối hợp xử phạt, phun thuốc phòng dịch... rất mất thời gian và sức lực", bác sĩ Trương Đình Nhẫn cho hay.

Mấy tháng nay, chị Nguyễn Quỳnh Phương, điều dưỡng đang công tác tại một bệnh viện công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng "không có động lực để làm việc". Chị kể, từ giữa năm 2021 đến nay, bệnh viện của chị có 35 người nghỉ việc, người về quê, người chuyển sang các đơn vị tư nhân. Thu nhập thấp, công việc nhiều, đồng nghiệp xung quanh lần lượt nghỉ việc khiến chị Nguyễn Quỳnh Phương cảm thấy chán nản.

"Nhiều lần tôi cũng nghĩ đến chuyện nghỉ việc nhà nước ra bệnh viện tư làm với mức lương cao hơn", chị Nguyễn Quỳnh Phương tâm sự.

"Làn sóng" nhân viên y tế nghỉ việc: nguyên nhân và giải pháp - Ảnh 3.

Thu nhập thấp là mội trong những nguyên nhân chính khiến nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt. Ảnh: Bộ Y tế

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt sẽ dẫn đến hệ lụy thiếu hụt nguồn nhân sự trong chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

"Khi có sự thiếu hụt cán bộ y tế, chất lượng chăm sóc y tế sẽ không tốt. Trong tình huống này, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng khẳng định.

Đặc biệt, việc nhiều bác sĩ có tay nghề cao đang rời bỏ bệnh viện công còn tác động tới thế hệ kế cận. Bởi lẽ, lâu nay, các bệnh viện công là nơi đào tạo, thực hành cho nhân lực ngành y nhưng khi các thầy giỏi chuyển sang bệnh viện tư thì sinh viên y khoa, bác sĩ nội trú sẽ thiếu thầy giỏi để theo học. Khi mất nhân sự tay nghề cao, các cơ sở y tế công lập phải mất nhiều năm nữa để đào tạo, huấn luyện được lứa cán bộ có tay nghề, chuyên môn.

Giải pháp "giữ chân" nhân viên y tế

Trước "làn sóng" nghỉ việc của nhân viên y tế trên cả nước, các chuyên gia cho rằng, ngành Y tế cần cải thiện ngay môi trường làm việc, thu nhập cho nhân viên y tế, về lâu dài rất cần nhiều chính sách mang tầm chiến lược.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trước mắt, các cơ sở y tế nên có sự hỗ trợ ngay cho nhân viên của mình bằng các hành động thiết thực để họ cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, cắt giảm một số gánh nặng không cần thiết cho nhân viên y tế như các giấy tờ, thủ tục hành chính… tạo điều kiện để họ được làm việc đúng với chuyên môn. Những người bị căng thẳng, tâm lý bất ổn nên có sự hỗ trợ tinh thần.

Còn về lâu dài, cần có những chính sách mang tầm chiến lược của Nhà nước như: Cải cách tiền lương, cải thiện thu nhập cho cán bộ y tế. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho nhân viên y tế bằng việc trang bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc, thuốc men, vật tư y tế; có định hướng phát triển rõ ràng cho những vị trí đặc thù như bác sĩ y tế dự phòng, điều dưỡng…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, cần 3 yếu tố để "giữ chân" nguồn nhân lực. Một là thu nhập, vị trí hợp lý. Hai là có chính sách đãi ngộ tốt và ba là tạo môi trường làm việc thật sự khoa học, thân thiện. "Chúng tôi vẫn hy vọng vào vai trò điều tiết của Nhà nước trong vấn đề này. Rất cần các nhà hoạch định chính sách để điều tiết đúng thị trường lao động ngành Y, trên cơ sở tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên."

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ngay từ khi có hiện tượng nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, Sở này đã tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên y tế, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho ngành Y tế thành phố. Sở Y tế đang tìm các phương án nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành. Bên cạnh đó, Sở xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở.

Mới đây, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định, trong trách nhiệm của mình, thành phố sẽ làm hết sức để có những chế độ tiêu chuẩn khác cho nhân viên y tế, kể cả trong công tác điều trị cũng như phòng, chống dịch. Thành phố đã ban hành chính sách đặc biệt như tăng cường thu hút bác sĩ mới ra trường và bổ sung chính sách hỗ trợ khác, gắn với khen thưởng, hỗ trợ nhiều mặt cho nhân viên y tế.

"Những việc làm này chắc chắn chưa thể nào bù đắp được so với nỗ lực của cán bộ, nhân viên y tế trong thời gian qua. Thế nhưng khi mức lương chưa được cải thiện, áp lực công việc không thể giảm bớt, các chính sách khác vẫn chưa thể điều chỉnh thì điều này cũng góp phần thể hiện tình cảm, trách nhiệm, chia sẻ, thấu cảm trước mắt đối với nhân viên y tế", Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Trước tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc kéo dài, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40 - 70% lên mức 100%; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị; chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế...

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để khắc phục tình trạng này, ngoài tiếp tục động viên tinh thần đối với lực lượng y bác sỹ, ngành y tế cũng tổ chức điều động nhân lực để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế.

Bộ Y tế cũng xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...

Nguồn: TTXVN
Bình luận của bạn

Bình luận