Lạm thu đầu năm học: Bài 2 - Trả lại đúng vai trò ban đại diện phụ huynh

Ngọc Ánh - Thụy Văn
20:38 - 12/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Dư luận nóng lên vì tiếp tục tại nhiều trường học, phụ huynh lên tiếng tố cáo việc lạm thu các khoản ngoài học phí mà họ phải đóng một cách vô lý mà mấu chốt là ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra dưới danh nghĩa "tự nguyện".

Phụ huynh bất bình vì các khoản thu chi trái quy định 

Phụ huynh có con học lớp 5 Trường tiểu học Tân Trung Phú, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh phản ứng việc nhà trường thu tiền học sinh để mua tivi phục vụ cho việc dạy và học. Ở một trường khác, phụ huynh xô ghế đứng dậy ra về sau khi nghe thông báo về các khoản thu trong cuộc họp phụ huynh. Các sự việc này diễn ra sau khi vào năm học mới, học sinh ổn định tổ chức lớp và các danh sách khoản thu bắt đầu "nở rộ". 

Lạm thu đầu năm học: Bài 2 - Trả lại đúng vai trò ban đại diện phụ huynh - Ảnh 2.

Danh mục khoản thu đầu năm học/học sinh của Trường THPT Tây Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh phụ huynh học sinh cung cấp

Phụ huynh có con học lớp 11A2, Trường Trung học phổ thông Đông Sơn 1 tại Thanh Hóa cũng vừa phản ánh, họ phải đóng tiền đầu năm tổng cộng 10 triệu đồng mỗi học sinh. 

Có tới 14 khoản thu gồm bảo hiểm y tế, học phí, nước uống, gửi xe trong danh mục được phép thu, có cả các khoản không rõ ràng như: quỹ lớp/hội phụ huynh: 500.000 đồng/em; xã hội hóa: 400.000 đồng/em; quỹ lớp: 100.000 đồng/em; khảo sát học thêm: 360.000 đồng/em; lao động: 30.000 đồng/em; khuyến học (huy động thêm): 212.000 đồng/em. 

Mới đây, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 9/12, Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra mức dự trù hoạt động hơn 270 triệu đồng. Tương tự, ở một lớp 9 khác của trường này, ban đại diện cha mẹ học sinh dự kiến mức thu chi lên đến 165,2 triệu đồng.

Bảng dự tính thu chi hỗ trợ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 9/12 và lớp 9/10, Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Thành phố Hồ Chí Minh).

Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đưa ra mức dự trù thu chi năm học 2022-2023 lên đến 130 triệu đồng. Điều đáng nói, số tiền này được chi cho học sinh rất ít ỏi, chủ yếu là chi để "chăm cô" và gửi phong bì các ngày lễ, tết.

Tại Hà Nội, nhiều ý kiến phản ánh ban đại diện cha mẹ học sinh của một số trường thu chi sai quy định. Trong đó, nổi lên việc Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Lương Thế Vinh thu đồng loạt mỗi phụ huynh 700.000 đồng cho quỹ phụ huynh trường chỉ riêng 1 học kỳ. Trường này dự kiến thu tổng quỹ phụ huynh lên tới hơn 2,5 tỉ đồng, trong đó chủ yếu chi cho việc lễ tết, hiếu hỉ.

Lạm thu đầu năm học: Bài 2 - Trả lại đúng vai trò ban đại diện phụ huynh - Ảnh 4.

Nhà trường được phép thu và thu theo thỏa thuận các khoản thu theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT.
Đồ họa: Việt Hoàng

Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động chưa đúng quyền và nghĩa vụ

Về vấn đề này, Phó Giáo sư Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa 13 thẳng thắn cho rằng: Từ cuối năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi văn bản tới các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2022-2023.

Lạm thu đầu năm học: Bài 2 - Trả lại đúng vai trò ban đại diện phụ huynh - Ảnh 5.

Phó Giáo sư Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Trong đó, nhấn mạnh: "Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học". Bộ cũng lưu ý về việc thực hiện vận động, sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định.

Thế nhưng, soi chiếu vào thực tế, tại một số trường, vẫn còn nhiều khoản thu đang làm khổ các gia đình, đặc biệt là những khoản thu được thông báo từ ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, thay vì kêu gọi xóa bỏ một tổ chức cần thiết, cần đưa ban đại diện cha mẹ học sinh trở về hoạt động đúng vai trò.

Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, việc các nhà trường có một ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc kết nối giữa nhà trường với các phụ huynh nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Tuy nhiên, ban đại diện cha mẹ học sinh cần hoạt động thực chất, phối hợp với trường triển khai các hoạt động giáo dục, phát huy tốt vai trò, chức năng của ban, không nên can thiệp quá sâu vào vấn đề tài chính của trường, lớp.

"Có rất nhiều khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu nhưng thực tế, ban đại diện ở một số trường không nắm rõ quy định, vai trò, quyền, nghĩa vụ của mình.

Ngoài những khoản thu theo quy định thì các khoản thu như tiền lắp điều hòa, mua tivi, tiền thuê lao công... đều được gắn mác "xã hội hoá", "tự nguyện" do ban đại diện cha mẹ học sinh chủ trì, kêu gọi, nhà trường chỉ đứng ra thu hộ. 

Cứ thế, ban đại diện cha mẹ học sinh dần trở thành ban "phụ thu", là "cánh tay nối dài" thu hộ nhà trường những khoản bị cấm", Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội nêu quan điểm.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lạm thu

Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, thay vì kêu gọi bỏ ban phụ huynh, cần đưa ban đại diện cha mẹ học sinh trở về hoạt động đúng vai trò.

Để làm được điều này, nhà trường phải phổ biến cách thức hoạt động, vai trò hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh đến các thành viên trong ban và hướng dẫn rõ những khoản ban được phép thu chi.

Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động không hiệu quả thì cần bầu lại ban đại diện mới. Thành viên trong ban phải là những người nhiệt tình, trách nhiệm. 

Ngoài ra, nhà trường phải giám sát và điều chỉnh hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường hợp cần thiết. Nếu ban đại diện làm sai, để xảy ra tình trạng lạm thu thì người đứng đầu, cụ thể là hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định.

"Các bậc phụ huynh cũng nên đồng lòng phản ánh nếu trường học của con mình xảy ra tình trạng lạm thu. Phụ huynh có quyền yêu cầu nhà trường công khai minh bạch các khoản thu chi, đừng vì lo ảnh hưởng đến việc học của con mà từ bỏ quyền chính đáng này", Phó Giáo sư Bùi Thị An chia sẻ.

Ban đại diện cha mẹ học sinh cần và đủ ở mức nào? 

Theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đóng góp của phụ huynh học sinh hay vận động tài trợ, tất cả phải đều thực hiện đúng, nghiêm túc theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. 

Lạm thu đầu năm học: Bài 2 - Trả lại đúng vai trò ban đại diện phụ huynh - Ảnh 7.

Học phẩm cho học sinh mầm non nằm trong danh mục được thu, tuy nhiên phần lớn giáo viên các trường có thể tự làm và hướng dẫn trẻ học và làm. Ảnh: TTH

Ban Đại diện cha mẹ không được thu 7 khoản theo quy định ở Thông tư 55//2011/TT-BGDĐT, tuy nhiên việc làm trái thông tư vẫn rất phổ biến. 

Một thầy giáo trong chính ngôi trường đang bị phản ánh việc lạm thu nêu ý kiến: Vào thời điểm đầu năm học mới việc đóng các khoản tiền luôn rất nhạy cảm. Nếu trong năm học các lớp có việc cần chi thì Ban Đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp thu và chi luôn như: đóng góp bồi dưỡng cho các em dự thi Hội khỏe Phù Đổng, Hội thao Thể dục - Thể thao, hội thi Văn nghệ… 

Đối với nội dung xã hội hóa giáo dục, muốn phụ huynh tình nguyện tài trợ cho trường thì Hiệu trưởng cần có kế hoạch vận động rõ ràng, được Phòng Giáo dục - Đào tạo địa phương phê duyệt. Điều này sẽ giúp hạn chế việc lạm thu, ngăn ngừa những tiêu cực trong sử dụng các loại quỹ. Hiệu trưởng phải đại diện pháp nhân bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong sử dụng các nguồn tiền vận động, xã hội hóa.

Nhiều phụ huynh cho rằng, chỉ cần thực hiện nghiêm Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định thì việc thu chi sẽ đi vào trật tự hợp lý. Trên thực tế, các khoản thu xã hội hóa đúng nghĩa còn giúp cho giáo dục chất lượng ở khía cạnh bảo trợ cho các hoạt động lành mạnh kích thích sáng tạo trong dạy và học như: kinh phí tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, năng khiếu, khuyến tài, ngoại khóa, nội dung giáo dục địa phương... 

Bình luận của bạn

Bình luận