Kỹ năng AI giúp người lao động "trụ vững" trong thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt
Theo báo cáo mới của PwC, năng suất lao động đang tăng đáng kể trong những lĩnh vực tiếp xúc nhiều với trí tuệ nhân tạo (AI). Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho công việc sử dụng AI cũng ngày càng cao và những người lao động có kỹ năng AI đang trở nên "có giá trị" hơn cùng mức lương tăng đáng kể.
Tác động tích cực của AI đối với thị trường việc làm và năng suất lao động
Báo cáo gần đây của công ty kiểm toán PwC cho thấy, các lĩnh vực tiếp xúc nhiều hơn với AI (dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin và dịch vụ chuyên nghiệp) đang có mức tăng trưởng năng suất lao động cao hơn gấp 4,8 lần. “Tiếp xúc với AI” có nghĩa là AI có thể dễ dàng được sử dụng cho một số nhiệm vụ.
PwC đã theo dõi và phân tích hơn 500 triệu tin tuyển dụng việc làm từ 15 quốc gia phát triển và sử dụng dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Theo đó, thống kê cho thấy, năng suất trong các dịch vụ chuyên môn, tài chính và công nghệ thông tin đã tăng 4,3% từ năm 2018 đến năm 2022 so với mức tăng 0,9% của các ngành xây dựng, sản xuất và bán lẻ, thực phẩm và vận tải.
Như vậy, những dữ liệu mới này đã chứng minh sự phát triển của AI có thể giúp các quốc gia thoát khỏi tình trạng tăng trưởng năng suất thấp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiền lương và cải thiện mức sống.
Những công việc đòi hỏi kỹ năng AI có mức lương tăng đáng kể
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho công việc sử dụng AI đang tăng nhanh hơn 3,5 lần so với tất cả các công việc khác.
Các lĩnh vực đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất về kỹ năng AI bao gồm: dịch vụ tài chính (tỷ lệ việc làm đòi hỏi kỹ năng AI cao hơn 2,8 lần so với các lĩnh vực khác), dịch vụ chuyên nghiệp (cao hơn gấp 3 lần) và thông tin và truyền thông (cao hơn 5 lần).
Trên 5 thị trường lao động lớn có dữ liệu về tiền lương (Mỹ, Anh, Canada, Australia và Singapore), các công việc đòi hỏi kỹ năng chuyên môn về AI có mức lương cao hơn đáng kể (trung bình lên tới 25% ở Mỹ).
Trong các ngành công nghiệp (ví dụ ở Mỹ), con số này có thể dao động từ 18% đối với kế toán, 33% đối với nhà phân tích tài chính, 43% đối với người quản lý bán hàng và marketing, đến 49% đối với luật sư.
Nhu cầu cấp thiết về xây dựng kỹ năng AI
Những phát hiện này cũng phản ánh một "tin tốt lành": những người lao động có kỹ năng AI đang trở nên "có giá trị" hơn và có mức lương tăng đáng kể.
Giống như các cuộc cách mạng công nghệ trước đây từ điện đến máy tính, AI đang thay đổi điều kiện cần để người lao động thành công hơn trong sự nghiệp của mình. Vì vậy, người lao động cần trang bị và sẵn sàng tiếp thu những kỹ năng mới để thành công trong thị trường việc làm đang thay đổi nhanh chóng.
Bà Carol Stubbings - Lãnh đạo Thị trường toàn cầu và Thuế và Dịch vụ pháp lý tại PwC Vương quốc Anh nhấn mạnh: AI đang thay đổi thị trường lao động trên toàn cầu, mang lại cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm và tạo ra các ngành công nghiệp mới hoàn toàn. Vì vậy, người lao động bắt buộc phải xây dựng những kỹ năng mới và các tổ chức cũng cần chú trọng đầu tư vào chiến lược AI và nguồn nhân lực để thúc đẩy sự phát triển.
Ông Pete Brown - Lãnh đạo lực lượng lao động toàn cầu của PwC Vương quốc Anh cho biết thêm, các doanh nghiệp và chính phủ trên khắp thế giới cần đảm bảo đang đầu tư đầy đủ vào các kỹ năng cần thiết cho cả người dân và tổ chức của mình nếu muốn phát triển mạnh trong nền kinh tế toàn cầu và thị trường lao động đang biến đổi bởi AI.
Theo ông Brown, những cơ hội lớn đang mở ra cho những cá nhân, tổ chức, nền kinh tế có hiểu biết và nhạy bén với các công nghệ mới và mới nổi như AI. Đảm bảo cách tiếp cận ưu tiên kỹ năng AI trong tuyển dụng cũng như tiếp tục đầu tư vào nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động là điều bắt buộc vì không ngành hay thị trường nào có thể tránh khỏi tác động của AI lên quá trình chuyển đổi kinh tế và công nghệ.
Mới đây, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng cho biết AI đang thâm nhập thị trường lao động toàn cầu "như một cơn sóng thần" và có khả năng tác động đến 60% việc làm ở các nền kinh tế tiên tiến trong 2 năm tới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google