Người học trò Trung Hoa có nghĩa

Hoàng Khôi
06:51 - 18/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sứ thần Lê Quang Bí được người học trò Trung Hoa xin vua cho về nước trong cả một niềm kính phục bao la của nhiều thế hệ.

Người học trò Trung Hoa có nghĩa- Ảnh 1.

Lư hương thời nhà Mạc.

Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, lại diễn ra ở nước ngoài nên không nhiều người biết. Năm ấy có một vị đại quan người Trung Hoa tên là Đặng Hồng Chấn tình cờ nhận ra ông Thân Khắc Tào râu dài, tóc bạc, áo quần lam lũ trong một quán ăn nhỏ ven đường.

Thân Khắc Tào là người Đại Việt trong đoàn sứ thần của nhà Mạc do Lê Quang Bí dẫn đầu sang Trung Hoa năm 1548. Còn Lê Quang Bí là người làng Mộ Trạch huyện Đường An nay thuộc tỉnh Hải Dương đỗ Hoàng giáp năm 1526. Nhà Mạc lật đổ nhà Lê, Lê Quang Bí ra làm quan với tân triều và được Mạc Phúc Nguyên cử sang sứ Yên Kinh nhà Minh. 

Người học trò Trung Hoa xin thụ giáo người tù nhân uyên bác

Khi sứ bộ tới Nam Ninh, các viên quan nhà Minh kiểm tra lễ vật thấy có sai sót, cho là vô lễ. Tổng đốc nhà Minh theo lệnh triều đình bắt giam vị Chánh sứ tức Lê Quang Bí và dùng vỏ trai úp lên hai mắt của ông Lê, dùng sơn trát kín bên ngoài tống giam vào ngục. Và còn giao hẹn rằng, khi ngựa mọc sừng thì mới cho về nước! Lê Quang Bí đã cam chịu cảnh tù đày như thế suốt mười tám năm ròng!

Mặc dầu bị đối xử bất công, hành hạ dã man, nhưng Lê Quang Bí không thèm van xin, ta thán. Ông bất chấp hiểm nghèo vẫn tìm cách sống tự tại, ung dung. Đoàn tùy tùng của ông bị giải tán, mỗi người tản mác một phương, chỉ duy có một người là Thân Khắc Tào ở lại chăm sóc và giúp đỡ Lê Quang Bí. Hai thầy trò nương tựa nhau. 

Hàng ngày, Lê Quang Bí vẫn nhờ Thân Khắc Tào đọc sách và ông thì giảng giải, phân tích. Ông còn có một tập thơ lấy tên là Tư hương vận lục (ghi chép những vần thơ nhớ quê), tình ý dồi dào, văn chương điêu luyện. Rất tiếc nay đã bị thất lạc!

Một lần, bọn ngục quan đi kiểm tra chứng kiến được cảnh lạ, Lê Quang Bí ngồi giữa đám tù nói chuyện triết lý văn chương, giảng giải cho họ nghe về những lẽ đắc thất (thua, được trong đời). Ông đọc thuộc hàng trang sách kinh điển để minh chứng khiến ngục quan vô cùng ngưỡng mộ, kính phục. Từ đấy, bọn cai ngục không dám xem ông như một tù phạm bình thường. Vì thế, tuy vẫn bị bó buộc, giam hãm, ông vẫn được ra vào và tiếp xúc với mọi người.

Trong số những người gặp gỡ Lê Quang Bí có một thư sinh, chính là Đặng Hồng Chấn. Ông này từng thi đỗ Cử nhân, đang chờ thi tiếp bậc cao hơn, thấy cảm phục Lê Quang Bí nên đã làm thân được với Thân Khắc Tào, nhờ ông Tào xin với Lê Quang Bí cho mình được đến học thêm. Lê Quang Bí nhận lời. 

Thế là suốt một thời gian dài, Đặng Hồng Chấn ngày ngày vào thụ giáo với Lê Quang Bí, một người thầy, một tù nhân uyên bác. Năm 1559, Đặng Hồng Chấn đỗ tiến sĩ phải tạm biệt thầy đi nhậm chức Tri huyện ở bên tỉnh Quảng Đông.

Lần này Đặng Hồng Chấn được triệu về Yên Kinh để thăng chuyển chức vụ. Ông cứ yên trí là thầy học thuở nào của mình đã được tha về Đại Việt lâu rồi thì bất ngờ gặp Thân Khắc Tào và biết cảnh thầy mình vẫn bị giam hãm ở đây!

Cuộc gặp gỡ giữa hai thầy trò Lê Quang Bí và Đặng Hồng Chấn diễn ra vô cùng xúc động. Ông Đặng hỏi han sức khỏe của thầy và thông báo về những điều ông thu lượm được. Lúc chia tay, ông ân cần tâm sự, trịnh trọng hứa với thầy sẽ xin kỳ được để vua nhà Minh chấp nhận cho thầy hồi hương.

Xin vua cho thầy được hồi hương

Đặng Hồng Chấn đã giữ đúng lời hứa. Về đến kinh đô, được thăng chức Yên Kinh chủ sự, ông đã vội vàng làm một bản tấu dâng lên vua Gia Tĩnh. Ông cũng tìm đến vị Đại học sĩ trong triều là Lý Xuân Phương, bày tỏ và viên quan này thông cảm với cái nghĩa thầy trò của Đặng Hồng Chấn. Ông cũng từng nghe danh Hoàng giáp Lê Quang Bí người Đại Việt đã lâu, nên sẵn có cảm tình đã hết sức tấu trình với nhà vua.

Vua Gia Tĩnh xuống chiếu cho quan quân Lưỡng Quảng lập tức đưa Lê Quang Bí về triều. Ông được nhà vua an ủi, cho bỏ sơn bịt mắt và cho thuốc chữa, được tạm nghỉ ở nhà công quán. Đặng Hồng Chấn hàng ngày đến thăm, chu cấp lương thực, thuốc thang, vật dụng cho thầy.

Tin được báo về Thăng Long, vua nhà Mạc bấy giờ là Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Sùng Khang thứ nhất (1566) đã cử hai vị Trạng nguyên đang làm quan trong triều là Giáp Hải và Phạm Tuấn lên đầu địa giới Lạng Sơn (Mục Nam quan) để đón Lê Quang Bí về nước.

Khi đi (1548) tóc còn xanh mướt, lúc về (1566) râu tóc bạc phơ, nhưng Lê Quang Bí vẫn quắc thước, dẻo dai. Đặng Hồng Chấn xin phép vua Minh được tiễn chân thầy đến tận biên giới Trung Việt. 

Lê Quang Bí về nước trong cả một niềm kính phục bao la của nhiều thế hệ. Sau này, có người đã làm hẳn một tập truyện thơ lấy tên là Tô công phụng sự, mượn chuyện Tô Vũ người Trung Quốc đi sứ Hung Nô phải chịu cảnh chăn dê nhiều năm trời vẫn vững vàng khí tiết để so sánh với Lê Quang Bí.

Người đời sau cảm phục Lê Quang Bí và cũng rất trân trọng cái nghĩa tình của một người học trò Trung Hoa với người thầy Việt Nam của mình.

Bình luận của bạn

Bình luận