Thơ mắng giễu học trò lười của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Năng Lực
00:54 - 03/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bài thơ là lời trách mắng vừa nghiêm khắc, vừa thân mật, có giá trị vượt thời gian, khiến học trò mọi thời đại phải nghĩ.

Thơ mắng giễu học trò lười của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm- Ảnh 1.

Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đạt, tự Hanh Phủ, hiệu Bạch Vân cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam thế kỷ 16. 

Ông sinh ngày 6/4/1491 âm lịch ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) dưới thời vua Lê Thánh Tông - thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê sơ.

Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học. Cha ông là giám sinh Nguyễn Văn Định, đạo hiệu là Cù Xuyên, nổi tiếng hay chữ nhưng chưa hiển đạt trong đường khoa cử. Mẹ ông là Nhữ Thị Thục, con gái út của Tiến sĩ Nhữ Văn Lan, Thượng thư Bộ Hộ triều vua Lê Thánh Tông. Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm được giáo dục cẩn thận, rèn luyện cả về thể lực và trí lực nên "to khỏe, thông minh khác thường, chưa đến một tuổi đã nói sõi".

Lên 4 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm được mẹ dạy sách Kinh, thơ Nôm... Đến tuổi trưởng thành, nghe tiếng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa ngày nay) nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Bình Khiêm đến tận nơi tầm sư học đạo.

Vốn sáng dạ, lại chăm chỉ học hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhanh chóng trở thành học trò xuất sắc của thầy và được chính thầy giao con trai cho nuôi dạy.

Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước "Trình Tuyền hầu" rồi thăng tới "Trình Quốc công", dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.

Thơ mắng giễu học trò lười của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm- Ảnh 2.

Trạng Trình tiễn Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam.

Ngay từ khi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Bình Khiêm đã dạy học.  Trong thời gian dạy học, Nguyễn Bỉnh Khiêm có làm bài thơ mắng giễu học trò lười, được đời sau truyền tụng. Bài thơ như sau:

Có thân có của chẳng hay lo.

Không học ai hồ trút chữ cho

Ngày vắng dốc lòng ngồi lẳng lặng                                                                       

Đêm thanh ngửa thịt ngáy pho pho

Làm văn rỗng quạc như mông ngựa

Thấy gái đi qua nghếch cổ cò

Bẽ mặt kìa sao mày chẳng hổ

Ai có con mà hầu gả cho

(Theo Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập. Bùi Văn Nguyên, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm (tập 1), NXB Giáo dục, 1989).

Bài thơ là lời trách mắng vừa nghiêm khắc, vừa thân mật, có giá trị vượt thời gian, khiến học trò mọi thời đại phải nghĩ. Có lẽ một phần nhờ thế mà học trò được ông đào tạo thời kỳ này có rất nhiều người nổi tiếng về sau. Trong đó có Lương Hữu Khánh, con trai của thầy Lương Đắc Bằng, đỗ cử nhân, trở thành tướng giỏi, văn võ song toàn; Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan thi đỗ tiến sĩ, có tài năng toàn diện về võ bị, văn học và ngoại giao; Nguyễn Dữ - nhà văn nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam...