Học trò đôi co, hỗn hào với thầy: Vì đâu nên nỗi?

Ly Hương
05:06 - 17/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 15/10, một clip ghi lại việc một nữ sinh đôi co với thầy giáo, văng tục trong giờ học. Ngay sau đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh, Khánh Hòa xác nhận sự việc này xảy ra tại trường ngày 13/10 vừa qua.

"Ông là giáo viên, có nuôi tôi đâu mà dám la tôi"(?!)

Sự việc cho thấy nữ sinh hỗn hào, lời lẽ thiếu chuẩn mực rất đáng chê trách. Tuy nhiên, trong tình huống này, thầy giáo cũng thiếu kinh nghiệm sư phạm trong việc dạy học trò cá biệt. Qua đây có thể rút ra kinh nghiệm gì trong việc giữ gìn môi trường giảng dạy chuẩn mực? 

Diễn biến sự việc như sau: Ngày 15/10, mạng xã hội lan truyền clip có độ dài gần 5 phút với tốc độ chóng mặt ghi lại cảnh đôi co giữa nữ sinh và nam giáo viên vào đầu giờ học.

Theo nội dung clip, khi thầy giáo bước vào lớp thì xảy ra tranh cãi dữ dội với một nữ sinh ngồi bàn đầu. Thầy giáo nói một câu thì nữ sinh đốp chát lại cả chục câu. Nữ sinh to tiếng, nói như quát vào mặt thầy giáo hàng loạt câu lên mặt, bắt bẻ, thách thức: "Đừng có đụng đến tôi. Tôi làm gì ông. Ông có quyền gì cấm tôi. Ông làm như tôi sợ ông hả. Ông là giáo viên gì mà dám la tôi, giựt lỗ tai tôi. Ông nuôi tôi ngày nào…".

Thậm chí, có những lúc cao trào, nữ sinh này xưng "mày - tao" với thầy giáo kèm lời chửi tục khiến cả lớp ồ lên. Thầy giáo mỗi lúc càng không giữ được bình tĩnh là cũng lên tiếng đáp trả học trò. Sau một hồi lời qua tiếng lại, thầy giáo cho cả lớp ngồi xuống và bước lên bàn giáo viên.

Thầy giáo tiếp tục nói: "Năm ngoái tôi đã bỏ qua rồi. Tôi đã cảnh báo rồi. Bố láo bố toét vừa thôi. Tôi đã nhắc nhiều lần rồi…". Còn nữ sinh thì vẫn to tiếng, quyết ăn thua đủ với thầy. Trong lúc tranh cãi, nữ sinh này có gọi một giáo viên khác đến nhưng vì việc bận nên cô giáo không đến. Sau đó, nữ sinh này bỏ ra ngoài nhưng việc tranh cãi vẫn tiếp diễn.

Sau khi clip này được lan truyền trên mạng xã hội thì có hàng ngàn lượt bình luận và chia sẻ. Hầu hết cư dân mạng đều cho rằng, nữ sinh còn nhỏ nhưng ăn nói quá mức hỗn láo, chửi thầy giáo. Cuộc đôi co không khác gì ngoài đầu đường xó chợ. 

Tuy vậy, cũng không ít ý kiến đánh giá thấp về sự ứng xử sư phạm thiếu chuyên nghiệp của giáo viên.

Ngày 16/10, chia sẻ với báo chí, thầy Hà Văn Thọ, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh, Khánh Hòa xác nhận clip xảy ra tại trường vào ngày 13/10 vừa qua. Theo thầy Thọ: "Vụ việc xảy ra tại một lớp 12 của trường. Ban giám hiệu đã phối hợp cùng giáo viên và gia đình của học sinh để nhắc nhở, giáo dục. Nhà trường đang trong quá trình điều tra xử lý vụ việc và báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh".

Hiện nữ sinh không trở lại trường đi học bình thường, mặc dù cô giáo chủ nhiệm động viên nữ sinh tiếp tục đến lớp. Nữ sinh này cũng đã thừa nhận hành vi của mình là sai. Đây là xích mích giữa thầy và trò và em này có lời lẽ thiếu tôn trọng giáo viên.

Học trò đôi co, hỗn hào với thầy: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Duy trì môi trường nghiêm túc, chuẩn mực sư phạm trong nhà trường góp phần quan trọng

cho chất lượng giáo dục. Minh hoạ: Image

Đối diện với trò hỗn, thầy phải làm gì?

Có thể nhận thấy, trò nói hỗn với thầy xưa nay không phải là chuyện hiếm, nhất là những trường có nhiều học sinh yếu kém về học lực, thiếu sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ. Và cho dù có tức giận đến mấy thì giáo viên vẫn phải tỉnh táo, tìm phương án giải quyết hợp tình hợp lí, tránh để sự việc đi quá xa.

Trong trường hợp nữ sinh cãi tay đôi với thầy giáo, giáo viên cần nói gọn gàng, dứt khoát. Ví dụ: Em to tiếng với thầy như thế là sai, lớp mình có thấy như vậy không. Em tạm thời nghỉ học tiết này, xuống phòng giám thị (hoặc phòng hiệu trưởng, hiệu phó) và suy nghĩ xem mình nói năng có đúng không.

Tiếp đến, giáo viên cần rút kinh nghiệm chung với học sinh lớp và khuyên các em đừng bao giờ để xảy ra sự việc đáng tiếc như bạn nữ sinh kia. Giáo viên tiếp tục bài dạy của mình, đợi hết giờ thì xuống phòng giám thị, kết hợp với hiệu trưởng, hiệu phó và phân tích cho học sinh rõ.

Lúc này học sinh đã bình tĩnh, khả năng cao là em sẽ nhận lỗi, xin lỗi giáo viên và viết bản kiểm điểm, cam kết không để sự việc tái phạm. Nếu học sinh vẫn cứng đầu, không nhận lỗi thì thì giáo viên bộ môn cần kết hợp với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh để khuyên bảo, uốn nắn dần theo kiểu mưa dầm thấm lâu.

Nếu giáo viên xử lí nữ sinh theo hướng này thì không có chuyện thầy trò đôi co gần 5 phút (có thể dài hơn do clip cắt bớt). Và cũng không có chuyện nữ sinh lên mặt, rồi chửi tục với thầy giáo. Hơn nữa, thầy giáo đã quá hiểu nữ sinh này: "Năm ngoái tôi đã bỏ qua rồi. Tôi đã cảnh báo rồi" thì sao lại để cho học sinh ăn thua đủ lời lẽ xúc phạm mình?

Học sinh hư đã đành còn thầy giáo thì ứng xử sư phạm thiếu chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, trong những trường hợp này thì việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cho học sinh là nan giải. Giáo viên có thể nhờ bạn bè cùng trang lứa nói chuyện với học sinh đó cũng là một trong những cách xử lí hiệu quả.

Những tình huống bắt buộc giáo viên giữ được tính nghiêm túc, tự tôn của bản thân mà vẫn cho học sinh cơ hội đi học, cơ hội nhìn lại mình và rèn rũa tính cách luôn là tình huống khó trong sư phạm.