Giáo viên mong ước có môi trường làm việc tốt
Ngoài lý do thu nhập thấp khiến nhiều nhà giáo nghỉ việc thì môi trường giáo dục cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để có thể giữ được chân giáo viên với nghề.
Những lý do khiến giáo viên bỏ việc được nhắc đến nhiều nhất vẫn là thu nhập của nhà giáo quá thấp không thể đủ trang trải cho cuộc sống ở mức bình thường.
Đó mới chỉ là những nguyên nhân dễ nhìn thấy nhất. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên trong nghề có thâm niên công tác lâu năm đều cho rằng môi trường làm việc là quan trọng nhất để giữ chân giáo viên với ngành giáo dục.
Ngoài lý do thu nhập thấp khiến nhiều nhà giáo nghỉ việc thì môi trường giáo dục cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để có thể giữ được chân giáo viên với nghề.
Không ít đồng nghiệp bỏ nghề không phải do thu nhập thấp mà do môi trường giáo dục quá ngột ngạt, căng thẳng và nhiều áp lực bủa vây.
Hiệu trưởng là linh hồn của trường học
Một thực tế cho thấy, vai trò của hiệu trưởng quyết định tuyệt đối đến môi trường giáo dục. Có được một môi trường giáo dục tốt chính là trường học ấy đã may mắn có được một hiệu trưởng tốt và ngược lại.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người vẫn nói "hiệu trưởng là linh hồn của trường học".
Bởi, khi giáo viên đến trường giảng dạy trong một tâm thế thoải mái, vui tươi thì chất lượng từng bài giảng cũng hiệu quả hơn, sự chăm sóc học sinh cũng tận tình hơn.
Khi hiệu trưởng là "vua"
Khi giáo viên bị ức chế từ hiệu trưởng sẽ luôn có tâm trạng dạy nhanh để ra khỏi trường và đôi khi còn trút những bực dọc ấy lên cả đầu học sinh.
Tôi đã từng ngồi nghe một số đồng nghiệp ở nhiều trường học kể về hiệu trưởng của mình như một bà "la sát" hay ông "chằn tinh". Nào là "bước chân vào trường mà đụng mặt hiệu trưởng là muốn né đi đường khác"; "nhìn thấy cái mặt đã mất hết hứng thú dạy học" hay "chỉ muốn dạy nhanh nhanh để về nhà"…
Một số hiệu trưởng có cách quản lý giáo viên chẳng khác gì thầy cô quản lý học trò. Họ luôn đặt ra những quy định một cách cứng nhắc. Ví như, quy định họp tổ chuyên môn phải 3 tiếng trở lên mà không cần quan tâm chất lượng cuộc họp đó thế nào. Hay như yêu cầu giáo viên phải có sổ hội họp để ghi chép tất cả những điều hiệu trưởng nói trong cuộc họp…
Luôn chỉ biết dùng mệnh lệnh để ra lệnh phải làm thế này mà không được làm thế kia, bỏ ngoài tai tất cả những góp ý, đề xuất của giáo viên vì luôn cho mình đúng.
Đã thế, họ còn cài cắm những đệ tử ruột, thân tín luôn thu lượm thông tin để báo về mà nhiều giáo viên gọi đó là "camera chạy bằng cơm". Những cuộc họp hội đồng, họp chuyên môn luôn độc chiếm "diễn đàn" vài tiếng đồng hồ chỉ để nói, để lên án, chỉ trích những công việc, cá nhân mà hiệu trưởng chưa vừa ý.
Tước bỏ gần hết quyền của giáo viên trong việc dạy và xếp loại học sinh. Ví như bắt buộc các thầy cô phải kê bàn cho học sinh ngồi học theo nhóm mà không cần quan tâm nội dung bài dạy nào, môn học nào mới cần sinh hoạt nhóm.
Vì chỉ tiêu thành tích của cá nhân, của nhà trường giáo viên bị tước cả quyền cho học sinh ở lại lớp…
Thầy cô nào chỉ cần có ý kiến trái chiều là lập tức bị đưa vào "vòng ngắm", và cũng kể từ đó dễ dàng bị hành đến "lên bờ xuống ruộng". Nghề dạy học khó nói mình cứ giảng dạy tốt, cứ nhiệt tình trong công việc thì không ai làm được gì mình.
Khi thầy cô giáo nào bị cấp trên trù dập thì dù có dạy tốt (theo đánh giá của học sinh, của phụ huynh), có hết lòng vì học sinh thì việc xếp loại thi đua của bản thân cũng khó đảm bảo tính chính xác và công bằng.
Khi hiệu trưởng là người chính nghĩa
Giáo viên nào may mắn sẽ được làm việc trong một môi trường giáo dục mà nơi đó có một hiệu trưởng đúng nghĩa.
Chân dung một hiệu trưởng được nhiều giáo viên mong muốn được làm việc cùng luôn là người dễ chịu, làm việc thoải mái (trong khuôn khổ nghĩa là làm ra làm mà chơi cũng hết mình), biết nghe lời nói thẳng, luôn lắng nghe và làm một cách dân chủ, công tâm. Ngoài ra, khen hay chê hiệu trưởng vẫn luôn thẳng thắn.
Tôi đã từng được làm việc với một số hiệu trưởng hội tụ những đức tính như thế. Bởi vậy, mỗi ngày đến trường luôn có được tâm trạng thoải mái, vui vẻ.
Có lần, tôi chứng kiến một đồng nghiệp ở trường vì đòi hỏi quyền lợi cho mình đã lớn tiếng chỉ trích khá nặng nề hiệu trưởng.
Nếu gặp một số hiệu trưởng khác có lẽ đồng nghiệp kia của tôi đã bị đưa vào "sổ đen" theo dõi chờ cơ hội sẽ "nốc ao" như cách mà một số hiệu trưởng vẫn đang làm.
Thế nhưng, hiệu trưởng của tôi đã xem xét và điều chỉnh theo hướng có lợi cho nguyện vọng của đồng nghiệp ấy trong tâm thế khá bình tĩnh (mặc dù về lý thì hiệu trưởng không sai). Và, những tháng ngày sau đó tuyệt nhiên không thấy sự thành kiến xảy ra với đồng nghiệp ấy.
Mỗi khi quyết định một việc gì, vị hiệu trưởng này luôn đưa ra hội đồng hoặc ban liên tịch lấy ý kiến. Trường hợp sau khi đã quyết định nhưng nhận được ý kiến phản hồi của giáo viên, hiệu trưởng cũng nhìn lại, xem xét và điều chỉnh.
Mỗi khi giáo viên làm sai điều gì hay thực hiện chưa đúng kế hoạch đề ra cũng chỉ góp ý riêng một cách nhẹ nhàng. Người được góp ý không bị mất thể diện với đồng nghiệp khác nên luôn vui vẻ ghi nhận và sửa chữa.
Tôi và đồng nghiệp của mình luôn thấy vui vì được sống trong một môi trường dạy học tốt. Gần như tất thảy giáo viên của trường luôn có tâm trạng vui vẻ đến trường mỗi ngày.
Để có hiệu trưởng tốt
Mới đây, cô Nguyễn Thị Nha Trang – Hiệu trưởng THPT Vĩnh Lộc Thành phố Hồ Chí Minh không được bổ nhiệm lại (nhiệm kỳ 2), xuống làm giáo viên.
Qua đó để thấy được, giáo viên được bổ nhiệm lên làm công tác quản lý và khi không hoàn thành trách nhiệm vẫn phải xuống làm giáo viên giảng như bình thường.
Ngay tại địa phương tôi, vài năm về trước sau khi bỏ phiếu tín nhiệm bổ nhiệm lại thì cả phó hiệu trưởng và hiệu trưởng đều không đủ số phiếu tín nhiệm. Thế là, cả Ban giám hiệu đã phải xuống làm giáo viên giảng dạy bình thường.
Theo quy định, tại Khoản 4, Điều 44 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý quy định:
4. Điều kiện về tuổi bổ nhiệm: Đủ 05 năm công tác hoặc đủ một nhiệm kỳ khi bổ nhiệm mới.
Cứ sau một nhiệm kỳ 5 năm làm lãnh đạo quản lý, nhà trường lại tiến hành bỏ phiếu bổ nhiệm lại. Đã có một số hiệu phó, hiệu trưởng rời ghế vì không đạt số phiếu theo quy định.
Vì quy định như thế này cũng đã góp phần cản bớt những hiệu trưởng trở thành "ông trời con".
Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm túc quy định trong Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐTvề nhiệm kỳ của hiệu trưởng "… Hiệu trưởng công tác tại một trường trung học công lập không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp".
Ngoài ra, cần mở rộng cơ chế bổ nhiệm, tuyển chọn đội ngũ quản lý đủ đức đủ tài. Khuyến khích việc thi tuyển lãnh đạo quản lý trường học như một số địa phương đang làm để những ai có tâm huyết, năng lực đều có điều kiện ứng cử, bầu cử.
Có được những hiệu trưởng tốt sẽ có môi trường giáo dục tốt, không chỉ sẽ giúp giáo viên giảng dạy tốt mà chính học sinh cũng được học tập tốt.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google