Khuyến cáo của Bộ Công an để tránh mắc bẫy lừa đảo "khóa thuê bao điện thoại"

H.Ngọc
06:20 - 18/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Công an cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác trước tình trạng các đối tượng xấu gia tăng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức thông báo "khóa thuê bao điện thoại".

Cách kiểm tra và cập nhật thông tin thuê bao điện thoại

Từ ngày 31/3/2023, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tạm dừng hoạt động của thuê bao nếu không chuẩn hóa thông tin cá nhân sau khi đối soát thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và có thông báo đến khách hàng. Lợi dụng việc này, các đối tượng xấu gia tăng các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của các đối tượng là thực hiện các cuộc gọi lừa đảo dưới hình thức thông báo thuê bao của người được gọi sắp bị khóa thuê bao, yêu cầu nâng cấp, bổ sung thông tin cá nhân, từ đó lừa chiếm đoạt SIM điện thoại, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của người được gọi để chiếm đoạt tài sản.

Khuyến cáo của Bộ Công an để tránh mắc bẫy lừa đảo "khóa thuê bao điện thoại" - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Công an

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác đề phòng nếu nhận được các tin nhắn giả danh thương hiệu của các nhà mạng (Brandname). Bởi các đối tượng thường gửi tin nhắn giả danh các nhà mạng để lừa đảo người dân thiếu cảnh giác, kèm theo đường link yêu cầu họ cập nhật thông tin chủ thuê bao điện thoại. 

Người dân có thể kiểm tra và cập nhật thông tin thuê bao điện thoại theo quy định bằng những cách như: 

Kiểm tra thông tin chủ thuê bao theo cú pháp tin nhắn "TTTB gửi 1414"; 

Tra cứu thông tin, cập nhật thông tin thuê bao trên các ứng dụng của nhà mạng (MyViettel, MyVNPT, My Mobifone...); 

Gọi điện trực tiếp tới nhà mạng hoặc đến điểm giao dịch của nhà mạng để cập nhật thông tin thuê bao.

Khuyến cáo của Bộ Công an để tránh mắc bẫy lừa đảo "khóa thuê bao điện thoại" - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Công an

Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh trực tiếp qua tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, kiểm tra lại thông tin.

Bên cạnh đó, người dân cần cung cấp bằng chứng tới cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời theo pháp luật.

Nhà mạng sử dụng số điện thoại chính thức để thông báo chuẩn hóa thông tin thuê bao 

Nhằm hạn chế tối đa các hành vi mạo danh lừa đảo, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, ngày 17/3/2023, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 997/CVT-PTHT về việc tổ chức truyền thông về các số điện thoại được sử dụng để thông báo đề nghị người sử dụng chuẩn hoá thông tin thuê bao.

Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện triển khai các biện pháp truyền thông (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua nhắn tin tuyên truyền tới tất cả các thuê bao đang hoạt động và các hình thức phù hợp khác) thông báo các số điện thoại (cùng với Tên định danh - nếu có) chính thức của các doanh nghiệp được sử dụng cho mục đích chăm sóc khách hàng, nhắn tin, gọi điện thông báo đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao, tiếp nhận nhận phản hồi.

Tổng hợp các thông tin (bao gồm hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện) về các kênh chính thức thông báo, hỗ trợ người sử dụng dịch vụ viễn thông di động chuẩn hóa thông tin thuê bao, chủ động trao đổi, cung cấp tới các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở,… để hỗ trợ truyền thông đến người sử dụng dịch vụ viễn thông.