Để tránh trở thành "con mồi" của lừa đảo trực tuyến

Đắc Quang
17:57 - 13/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tiếp tục có thêm hình thức lừa đảo trực tuyến mới là giả giáo viên gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn ở trường, cần chuyển tiền gấp để phẫu thuật.

Bản chất của hình thức lừa đảo trực tuyến này không mới. Các đối tượng đã đánh trúng tâm lý lo sợ của các phụ huynh, đặt họ trong tình thế khẩn cấp, sau đó yêu cầu chuyển tiền.

Số tiền lừa đảo thường là vài chục triệu đồng. Cá biệt, có phụ huynh bị lừa tới hàng trăm triệu đồng.

Lừa đảo trực tuyến là vấn đề được báo chí phản ánh liên tục. Tuy nhiên, với hình thức lừa đảo tinh vi và biến đổi không ngừng, nhiều người dân vẫn bị mắc bẫy. Chúng có thể ghi âm cuộc gọi, thu thập thông tin nạn nhân qua mạng xã hội trước khi "ra tay" làm nạn nhân mất tiền, thiệt hại về mặt tinh thần. 

Dấu hiệu nào để xác định thông tin mình nhận được là lừa đảo? Làm sao để không trở thành "con mồi" của các đối tượng lừa đảo? 

Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội để làm rõ những câu hỏi trên.

Đưa ra câu chuyện khiến nạn nhân lo lắng

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thưa Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, có thể nhận biết các kiểu lừa đảo trực tuyến đang phổ biến hiện nay như thế nào?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Hiện có nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến, có thể chia ra một số loại như sau:

Để không trở thành “con mồi” của lừa đảo trực tuyến - Ảnh 2.

"Một số trường hợp đối tượng lừa đảo sao y các giấy tờ giả để gửi cho nạn nhân biết, nhưng không làm việc theo đúng quy chuẩn của Nhà nước", Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng. Ảnh: NVCC.

Thứ nhất, giả danh các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện đưa ra các hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi tiền từ thiện.

Trong đó, khá nghiêm trọng là xuất hiện việc giả danh thầy cô giáo thông báo con bị tai nạn cho phụ huynh, cần chuyển tiền gấp để làm phẫu thuật. 

Đây cũng là trường hợp giả danh qua điện thoại, tương tự với việc giả danh bác sĩ, nhà mạng viễn thông, công an, tư pháp.

Thậm chí, văn phòng luật sư của chúng tôi cũng nhận rất nhiều cuộc gọi nói rằng trong vòng 2 tiếng nữa sẽ bị khóa tài khoản làm việc, phải chuyển tiền gấp.

Thứ hai, nhắm đến các đối tượng bị hại trong các vụ án để giả danh tổ chức đứng lên giúp đỡ.

Thứ ba, xâm nhập các tài khoản mạng xã hội để giả danh vay tiền.

Vừa qua, cũng có nhiều đối tượng giả danh văn phòng luật sư của tôi, hứa hẹn với người bị hại trong các vụ lừa đảo là có thể lấy lại tiền, cần chuyển một khoản khác để xử lý.

Thậm chí các đối tượng lừa đảo còn lấy ảnh, lấy số điện thoại, lập các tài khoản mạng xã hội giống chúng tôi để giả danh, yêu cầu người bị hại là chuyển trước một khoản khoảng 5-10% số lừa đảo. Sau khi chiếm đoạt tiền xong, các đối tượng sẽ chặn tất cả các tài khoản, số điện thoại đã liên lạc. 

Nhiều người bị hại trong những vụ đó đã liên hệ lại với chúng tôi để làm rõ.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Đâu là dấu hiệu cơ bản nhất để khi nhận được cuộc điện thoại, tin nhắn, thư điện tử... người dân biết đó là lừa đảo, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Dấu hiệu là người liên hệ là người lạ, không hề chứng minh họ là ai trong cơ quan nhà nước. Hoặc một số trường hợp đối tượng lừa đảo sẽ sao y các giấy tờ giả để gửi cho nạn nhân biết, nhưng không làm đúng được quy chuẩn của Nhà nước.

Các đối tượng lừa đảo sẽ đánh vào yếu tố tâm lý, đưa ra câu chuyện nào đó khiến cho nạn nhân cảm thấy lo lắng, căng thẳng.

Sau đó chúng sẽ tìm cách lấy thông tin của các cá nhân và cuối cùng yêu cầu chuyển tiền.

Người dân cần báo cơ quan chức năng khi bị lừa đảo trực tuyến

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Nhiều nạn nhân có tâm lí ngại báo sự việc với cơ quan chức năng. Luật sư có suy nghĩ gì về tâm lý này?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Bản thân các cơ quan điều tra cũng rất khó khăn khi không biết đối tượng lừa đảo ở đâu, cách thức lừa như nào.

Người dân đưa vấn đề lên cơ quan tố tụng, không biết có được giải quyết hay không nhưng chắc chắn mất nhiều thời gian, nhất là quá trình xác minh sự thật, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của họ.

Và khi được tìm được nhóm đối tượng lừa đảo, chúng đã chia nhau tiền để tiêu dùng cá nhân rồi. Khi đó, khả năng thu hồi lại rất khó khăn. Vừa tốn thời gian, vừa tốn công sức, đương nhiên tâm lí chung sẽ là ngại.

Nếu số tiền quá nhỏ, sự việc sẽ thuộc trách nhiệm điều tra của cơ quan cấp huyện. Tuy nhiên, để điều tra những sự việc này cần nghiệp vụ cao, công nghệ thông tin của cơ quan điều tra cấp Bộ.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Trong trường hợp không may trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo, người dân cần làm gì, thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Đầu tiên, các nạn nhân phải khuyến cáo và cảnh báo cho chính người thân của mình về những thủ đoạn đó. 

Thứ hai, gửi lá đơn trình bày rõ ràng sự việc với cơ quan công an xã/phường, huyện/thị trấn, nơi mình cư trú. Sau này, khi vụ án được cơ quan điều tra nào đó khởi tố, họ sẽ đưa chúng ta cùng vào danh sách người bị hại để giải quyết.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Theo Luật sư, để giảm thiểu những vụ lừa đảo trực tuyến diễn ra, người dân cần lưu ý gì?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Để phòng tránh việc trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo trực tuyến, người dân cần luôn cảnh giác với những cuộc gọi, thông tin gây sốc, mới nhận được qua điện thoại hoặc tin nhắn, phải xác minh và đặt nghi vấn.

Đặc biệt, người dân không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân của mình với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Bên cạnh đó, sự quản lí của nhà nước và nhà mạng rất quan trọng. Tôi nghĩ nên có những số đường dây nóng để người dân báo cáo những cuộc gọi điện đe dọa, lừa đảo…, kịp thời thông báo đến những người khác để cảnh giác.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Khi cơ quan công an xác định được tài khoản ngân hàng của đối tượng lừa đảo, một số người đặt ra câu hỏi: Có thể lần theo dấu vết tài khoản ngân hàng đó để truy tìm kẻ lừa đảo không. Luật sư có chia sẻ gì về thắc mắc này?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Chúng tôi làm về những vụ án công nghệ cao rất nhiều và thấy rằng chỉ cần truy dấu vết số điện thoại từ các tài khoản viễn thông, mạng xã hội hoặc tài khoản ngân hàng, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể điều tra được.

Tuy nhiên, khó khăn trong xác định đối tượng lừa đảo là thu thập, xác minh nguồn tin tố giác tội phạm của người dân, để người dân trình báo sự việc là không dễ dàng.

Vì vậy có trường hợp, mặc dù xác định được đối tượng, nhưng mỗi người dân bị lừa số tiền chỉ vài triệu, vài chục ngàn thì sẽ khó khăn để lập thành hồ sơ vụ án, phát sinh nhiều yếu tố.

Cũng có tình huống, nhiều đối tượng lừa lấy thông tin căn cước công dân, họ tên người khác để tự đăng kí tài khoản ngân hàng và đi lừa người khác. Người đứng tên tài khoản đó cũng không hay biết.

Tôi xin khuyến cáo, việc giao dịch liên quan đến tiền người dân hết sức cảnh giác và cẩn thận xác minh trước khi chuyển tiền, tránh mất mát, và bị đối tượng lừa đảo khủng bố tinh thần, gây thiệt hại kép. 

Cảm ơn Luật sư về những chia sẻ bổ ích!