Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững

14:59 - 10/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

"Khoa học cơ bản là cần thiết, phải được phép phát triển theo mọi hướng để khám phá, điều tra, thử nghiệm và vượt qua những thách thức lớn của thời đại".

Lễ khai mạc Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững diễn ngày 8/7, tại Pháp với sự tham dự của một số bộ trưởng, các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học đoạt giải Nobel, Quỹ L'Oreal-UNESCO, cùng đông đảo đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân.

Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững - Ảnh 1.

Lễ Khai mạc Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững, tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở Thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN

Sự kiện được tổ chức nhằm trao đổi về vai trò và giá trị của khoa học, cũng như các biện pháp thúc đẩy đầu tư cho khoa học cơ bản vì tương lai bền vững.

Vai trò của khoa học cơ bản đối với cuộc sống và trái đất

Năm 2022 được Liên hợp quốc chọn là Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học cơ bản trong thúc đẩy tư duy sáng tạo và xã hội tri thức.

Đánh giá về vai trò của khoa học cơ bản, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, nhấn mạnh, khoa học cơ bản là cần thiết, phải được phép phát triển theo mọi hướng để khám phá, điều tra, thử nghiệm và vượt qua những thách thức lớn của thời đại.

Các chủ đề được thảo luận:

"Tăng cường khoa học, công nghệ, cơ khí và toán học cho mục tiêu phát triển bền vững"

"Vai trò của khoa học cơ bản trong phát triển xã hội"

"Triển vọng của khoa học cơ bản và các mục tiêu phát triển bền vững".

Nhận định về vai trò của khoa học cơ bản đối với cuộc sống và trái đất, bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO, cho rằng: "Vào thời điểm mà nhân loại phải phát minh ra những phương pháp mới để sản xuất, du lịch và sưởi ấm, chúng ta mới thấy rằng khoa học cơ bản cần thiết như thế nào, cũng như tiềm năng to lớn của chúng. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải để các ngành khoa học cơ bản phát triển mọi hướng nhằm khám phá, điều tra và thử nghiệm. Chính khả năng tưởng tượng, đổi mới và khám phá này sẽ quyết định liệu chúng ta có thể vượt qua những thách thức lớn của thời đại chúng ta hay không".

Tại sự kiện này, các đại biểu đã tham gia thảo luận về các chủ đề "Tăng cường khoa học, công nghệ, cơ khí và toán học cho mục tiêu phát triển bền vững", "Vai trò của khoa học cơ bản trong phát triển xã hội" và "Triển vọng của khoa học cơ bản và các mục tiêu phát triển bền vững".

Đóng góp của Việt Nam cho Năm quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững

Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững - Ảnh 3.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Việt Nam Huỳnh Thành Đạt trao đổi với các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và thúc đẩy thông qua Nghị quyết về Năm quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 (tháng 10/2019) và là nước đồng tác giả Nghị quyết A/76/L.12 này của Đại hội đồng Liên hợp quốc (tháng 12/2021).

Tham dự lễ khai mạc và tọa đàm cấp cao về "Vai trò của khoa học trong hoạch định chính sách", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Huỳnh Thành Đạt đã tham gia thảo luận cùng các khách mời là lãnh đạo cấp cao của một số nước thành viên UNESCO, trong đó có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ của các nước Trung Quốc, Cuba, Nam Phi, Nigeria, Honduras và hai nhà khoa học đoạt giải thưởng Nobel Vật lý năm 2012 và 2021.

Chia sẻ các bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 dẫn tới sự thay đổi mối quan hệ giữa khoa học và hoạch định chính sách, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải mạnh mẽ đổi mới tư duy trong quản lý khoa học và công nghệ, khuyến khích thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và thất bại, đồng thời thúc đẩy tinh thần khoa học mở và đổi mới sáng tạo mở.

Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững - Ảnh 4.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Việt Nam Huỳnh Thành Đạt tham dự lễ Khai mạc Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề xuất hình thành các nền tảng chia sẻ thông tin sáng chế, dữ liệu, công bố khoa học và phương tiện nghiên cứu nhằm giúp các nước chậm phát triển hơn có thể tiếp cận và bắt kịp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ thế giới.

Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề lựa chọn ưu tiên và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo an toàn, an ninh cho người dân, trong đó, cần đặt người dân và con người vào trung tâm của mọi chính sách phát triển.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên sát cánh cùng chúng tôi trong việc vận động tổ chức Năm quốc tế về khoa học cơ bản và cũng là quốc gia đi đầu trong việc thông qua nghị quyết này tại Liên hợp quốc.

Giáo sư Michel Spiro - Chủ tịch Liên hiệp các hội vật lý thế giới, Chủ tịch Ban đề án Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững, cho biết: "Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên sát cánh cùng chúng tôi trong việc vận động tổ chức Năm quốc tế về khoa học cơ bản và cũng là quốc gia đi đầu trong việc thông qua nghị quyết này tại Liên hợp quốc. Điều này cho thấy Việt Nam coi trọng và đánh giá cao vai trò của các ngành khoa học cơ bản trong đời sống thực tiễn và sự phát triển bền vững".

"Sáng kiến "Gặp gỡ Việt Nam" của Giáo sư Jean Trần Thanh Vân chính là một ví dụ điển hình về việc quy tụ được các nhà khoa học cơ bản từ những người nổi tiếng đoạt giải Nobel, những nhà khoa học lão thành, kỳ cựu, đến các nhà khoa học trẻ đầy triển vọng, và việc Việt Nam tổ chức các cuộc gặp gỡ như thế này cũng cho thấy sự quan tâm của Việt Nam đối với nghiên cứu về khoa học cơ bản. Chúng tôi đánh giá cao điều này, bởi chúng tôi cần sự ủng hộ từ các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách và toàn thể xã hội để khoa học cơ bản đạt được các mục tiêu vì sự phát triển bền vững. Chúng tôi cần thiện chí của tất cả mọi người, đặc biệt là của Việt Nam".


Nguồn: T.P (tổng hợp)