Chính phủ mới của Philippines đặt STEM vào trọng tâm giáo dục

Anh Thư
23:22 - 09/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tổng thống Philippines đắc cử Ferdinand Marcors Jr mới đây vừa khẳng định quốc gia này sẽ chú trọng nhiều hơn nữa vào mô hình giáo dục STEM.

Để bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Philippines cần thêm nhiều nhân lực về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Quốc gia này có lợi thế về dân số trẻ nên được kỳ vọng sẽ có nhiều người học tập và theo đuổi các lĩnh vực STEM trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy sự mâu thuẫn khi đa số học sinh, sinh viên Philippines lại không hề quan tâm đến các ngành nghề then chốt này.

Chính phủ mới của Philippines đặt STEM vào trọng tâm giáo dục - Ảnh 1.

STEM tập trung vào các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Ảnh: csc.edu.vn

Kế hoạch thúc đẩy các môn học STEM

Tổng thống Philippines đắc cử Ferdinand Marcors Jr mới đây vừa khẳng định quốc gia này sẽ chú trọng nhiều hơn nữa vào mô hình giáo dục STEM. Ông Marcos cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo các kỹ năng dựa vào công nghệ kỹ thuật cho người trẻ tuổi, nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh của nước này trong lĩnh vực kinh tế và đổi mới sáng tạo.

Bộ Giáo dục Philippines đã công bố Kế hoạch Phát triển giáo dục cơ bản (BEDP) đến năm 2030. Trợ lý Bộ trưởng Giáo dục Philippines Malcolm Garma cho biết, đây là lần đầu tiên ngành giáo dục nước này đưa ra một kế hoạch trung hạn cho giáo dục, một văn bản chung để các trường học ở từng khu vực, từng địa phương có thể tham khảo.

Với kế hoạch này, Philippnes sẽ có một lộ trình cải thiện chất lượng giáo dục cơ bản, rõ ràng hướng tới mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giáo dục.

Ưu tiên mô hình giáo dục STEM giúp nâng cao khả năng cạnh tranh

Theo các chuyên gia giáo dục, mô hình học tập STEM tập trung vào các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán, do đó mang đến cơ hội học tập kết hợp cả kiến thức, lý thuyết với thực hành.

Không những vậy, các môn học đó còn khuyến khích học sinh, sinh viên nâng cao khả năng sáng tạo, tư duy logic trong giải quyết vấn đề, đưa ra các giải pháp hoặc sản phẩm mới, có giá trị thực tiễn cao.

Đặc biệt, trong thời gian tới, với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, robot, các dây chuyền tự động hóa sẽ hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của con người, do đó các công việc dù là trong lĩnh vực nào cũng sẽ cần đến kỹ STEM. 

Trên thực tế, phương pháp giáo dục này đã đang được rất nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng. Thậm chí trong khu vực Đông Nam Á, một số nước như Singapore cũng đã đưa các môn học này vào giảng dạy, trong khi trẻ mẫu giáo cũng bắt đầu được tiếp xúc với bộ môn lập trình.

Philippines đang rất cần nhân lực về STEM

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines được công bố vào năm 2021, rất nhiều học sinh nước này đang gặp khó khăn trong việc tiếp thu các khái niệm khoa học. Còn theo số liệu từ nghiên cứu "Yêu cầu nguồn nhân lực Khoa học và Công nghệ trong tương lai ở Philippines: Phân tích thị trường lao động" của Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines (PIDS) trong quý 2 năm 2021, giới trẻ Philippines rất ít quan tâm đến STEM.

Bên cạnh đó, việc nước này đóng cửa hoàn toàn các trường học để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong giai đoạn dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong giáo dục. Một số lượng lớn học sinh nghèo không có máy tính để học trực tuyến.

Philippines cho rằng cần nhanh chóng hành động và xây dựng lực lượng lao động với các kỹ năng STEM đáp ứng được nhu cầu công nghệ đang không ngừng tăng lên. Nếu không, đất nước sẽ bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kéo theo nhiều rủi ro về thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập./.

Bình luận của bạn

Bình luận