"Học viện nghề nghiệp STEM khu vực miền Trung" chuẩn bị hành trang nghề nghiệp cho học sinh

Anh Thư
04:03 - 25/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đại học Bách Khoa học - Đại học Đà Nẵng (UD-DUT) phối hợp với Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á - Trung tâm Giáo dục STEM (SEAMEO STEM-ED) và Công ty Chevron (Mỹ) thực hiện Dự án “Học viện nghề nghiệp STEM khu vực miền Trung Việt Nam". Dự án góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành "thành phố thông minh" trong năm 2030.

"Học viện nghề nghiệp STEM khu vực miền Trung" chuẩn bị hành trang nghề nghiệp cho học sinh - Ảnh 1.

Hoạt động triển lãm STEM tại Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng

Hỗ trợ hành trang nghề nghiệp cho học sinh 

Được thành lập vào năm 1975, Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng là một trong ba trường đại học đào tạo chương trình khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Trường có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ có trình độ cao và triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển tại miền Trung và trên toàn quốc.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng cho biết, sự hợp tác  với SEAMEO STEM-ED và Công ty Chevron (Mỹ) là cơ hội tuyệt vời trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, góp phần đáp ứng các nhu cầu phát triển công nghiệp trong tương lai của Việt Nam. Các hoạt động như triển lãm khoa học, hội trại, hội thảo, cuộc thi sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giáo dục STEM. 

Giáo dục STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng giáo dục học sinh theo bốn chuyên ngành cụ thể – Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học) – theo cách tiếp cận liên ngành và ứng dụng. Thay vì dạy bốn môn học như các môn học riêng biệt và rời rạc, STEM tích hợp chúng vào một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng trong thế giới thực.

"Học viện nghề nghiệp STEM khu vực miền Trung" chuẩn bị hành trang nghề nghiệp cho học sinh - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thư, Trường Đại học Bách khoa, giới thiệu tổng quan về dự án “Học viện nghề nghiệp STEM khu vực miền Trung Việt Nam - Tiếp cận khu vực nhằm tăng cường nhận thức xã hội và xây dựng năng lực giáo dục và nguồn nhân lực cho STEM”. Ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng

Được khởi động từ tháng 4/2022 và dự kiến sẽ kéo dài 18 tháng, Dự án gồm có ba hợp phần chính: Hội thảo STEM, cuộc thi STEM và các khoá học ngắn hạn.

Hội thảo STEM có vai trò thúc đẩy nhận thức, nâng cao năng lực cho giáo viên và học sinh trung học nhằm hỗ trợ giáo dục STEM và phát triển mô hình học viện nghề nghiệp STEM tại Việt Nam.

Các cuộc thi sẽ động viên học sinh phát triển những dự án sáng tạo, rèn luyện không chỉ các kỹ năng làm việc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, mà còn các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề, từ đó chuẩn bị một nền tảng vững chắc nhất cho công việc trong tương lai của các em.

Ngoài ra, những khóa học ngắn hạn sẽ tập trung phát triển các kỹ năng nghề nghiệp STEM cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực này. Các khoá học đều cung cấp chứng chỉ hoàn thành cho người tham gia.  

"Học viện nghề nghiệp STEM khu vực miền Trung" chuẩn bị hành trang nghề nghiệp cho học sinh - Ảnh 3.

Hoạt động triển lãm STEM tại Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Hợp tác quốc tế, Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, hiện Ban quản lý dự án đang xây dựng các kế hoạch hoạt đông chi tiết để triển khai ba hợp phần trên. Dự kiến trong tháng tới, nhà trường sẽ làm việc với Sở Giáo dục Đào tạo, các trường trung học tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam để thảo luận về kế hoạch tổ chức hội thảo và khoá đào tạo cho giáo viên, học sinh.

Trong giai đoạn thử nghiệm, dự án sẽ kết nối với khoảng 10 trường trung học phổ thông, đồng thời hợp tác với 20 nhà tuyển dụng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực STEM.

Tạo nguồn nhân lực góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành "thành phố thông minh" vào năm 2030

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho biết: "Là một trong những trường đại học đào tạo chương trình khoa học và công nghệ tại Việt Nam, Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ trình độ cao và triển khai các hoạt động khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của miền Trung và cả nước". Trong đó, với việc triển khai dự án "Học viện nghề nghiệp STEM khu vực miền Trung Việt Nam" - một dự án mang tính giáo dục cao, định hướng rõ ràng về nhận thức cũng như phát triển kỹ năng nghề nghiệp, nhà trường kỳ vọng có thể trực tiếp góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực yêu nghề, có chuyên môn tốt và phù hợp với những yêu cầu của quá trình đưa Đà Nẵng trở thành "thành phố thông minh" vào năm 2030.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Quang Vinh, Việt Nam hiện nay đang dần hướng sự tập trung sang các bộ môn thuộc lĩnh vực STEM, nhưng nhiều nhà trường còn đang băn khoăn về cách triển khai chương trình này, bởi STEM không chỉ đơn thuần là dạy và học các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật hay toán học, mà quan trọng là khả năng tư duy, tổng hợp và liên kết các môn học này với nhau. Đây cũng chính là điều mà dự án "Học viện nghề nghiệp STEM khu vực miền Trung Việt Nam" có thể trang bị cho các em.

Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO) là một tổ chức liên chính phủ khu vực được thành lập vào năm 1965 giữa các chính phủ Đông Nam Á nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực về giáo dục, khoa học và văn hóa.

Trung tâm SEAMEO STEM Education (SEAMEO STEM-ED) được thành lập để tăng cường năng lực, vận động nghiên cứu chính sách và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho giáo dục STEM trong khu vực. Trung tâm hỗ trợ việc phát triển các chính sách của chính phủ khu vực nhằm thúc đẩy giáo dục STEM có thể nâng cao năng lực của nguồn nhân lực và sử dụng kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực và đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực.