Kêu gọi các quốc gia thực hiện tiêm vaccine ngừa HPV cho 90% trẻ em gái trước 15 tuổi

N.Cường
17:59 - 10/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, tiêm chủng cho trẻ em gái sẽ góp phần giảm số ca tử vong do ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác ở nữ giới, cũng như giảm số ca tử vong ở nam giới nhờ giảm tỷ lệ mắc HPV.

Triển khai hiệu quả tiêm chủng HPV cho trẻ em gái và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ Việt Nam - Ảnh 1.

Tiêm chủng cho trẻ em gái sẽ góp phần giảm số ca tử vong do ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác ở nữ giới, cũng như giảm số ca tử vong ở nam giới nhờ giảm tỷ lệ mắc HPV. Ảnh: vietnam.unfpa.org

Nghiên cứu về hiệu quả đầu tư tiêm chủng HPV tại Việt Nam được UNFPA (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc) cùng với Bộ Y tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế Chiến lược Victoria thuộc Đại học Victoria và Trung tâm Daffodil của Đại học Sydney thực hiện chỉ ra việc đầu tư toàn diện vào chương trình tiêm chủng HPV, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung có thể mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội, góp phần loại bỏ căn bệnh này.

UNFPA - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc là cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên trách về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Sứ mệnh của UNFPA là "tạo ra một thế giới nơi việc mang thai được mong muốn, mọi ca sinh nở đều an toàn và tiềm năng của mỗi người trẻ tuổi đều được phát huy".

UNFPA đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1977 khi tổ chức này tiến hành Chương trình Hợp tác chung đầu tiên với Chính phủ, và cho đến nay đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 200 triệu USD.

Nghiên cứu là nỗ lực chung nhằm đưa ra những bằng chứng có chất lượng về hiệu quả chi phí làm cơ sở xây dựng các chính sách cấp quốc gia và địa phương về phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

Một trong những mục tiêu của nghiên cứu này là cung cấp bằng chứng khoa học nhằm hỗ trợ nỗ lực của Bộ Y tế và các cơ quan liên quan trong việc mở rộng chương trình tiêm chủng HPV và sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Việt Nam sau khi triển khai thành công các can thiệp thí điểm hơn 10 năm trước tại hai tỉnh Thanh Hóa và Cần Thơ.

Triển khai hiệu quả tiêm chủng HPV cho trẻ em gái và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ Việt Nam - Ảnh 3.

Tiêm chủng cho trẻ em gái sẽ góp phần giảm số ca tử vong do ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác ở nữ giới... Ảnh: vietnam.unfpa.org

Ung thư cổ tử cung – một trong những loại ung thư phổ biến nhất với phụ nữ Việt Nam

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV (một loại virus gây u nhú ở người – Human papilloma virus). Căn bệnh này hiện đang là mối quan tâm lớn cho sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo một báo cáo gần đây của UNFPA và Hội đồng Ung thư New South Wales, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ sáu tại Việt Nam, với 4.177 ca mắc mới (7,1/100.000 phụ nữ) và 2.420 ca tử vong (4/100.000 phụ nữ) trong năm 2018. Gánh nặng ung thư cổ tử cung khác nhau giữa các vùng ở Việt Nam, trong đó khu vực phía Nam ghi nhận tỷ lệ cao hơn. 

Nếu không có bất kỳ biện pháp can thiệp nào, dự báo sẽ có tổng cộng 218.907 phụ nữ ở Việt Nam tử vong do mắc ung thư cổ tử cung vào năm 2070 và con số này sẽ tăng lên 449.656 vào năm 2120.
Báo cáo của UNFPA và Hội đồng Ung thư New South Wales

Nhiễm virus papilloma ở người (Human papilloma virus - HPV) là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung và các ca tử vong liên quan. Đồng thời là nguyên nhân quan trọng gây ung thư âm đạo và âm hộ ở nữ giới, ung thư dương vật ở nam giới, ung thư hậu môn, ung thư vùng đầu và cổ, sùi mào gà sinh dục và u nhú thanh quản (RRP) ở cả nam và nữ.

Tiêm chủng cho trẻ em gái sẽ góp phần giảm số ca tử vong do ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác ở nữ giới, cũng như giảm số ca tử vong ở nam giới nhờ giảm tỷ lệ mắc HPV. Ngoài ra, việc tiêm chủng cho cả trẻ em trai sẽ giúp tỷ lệ mắc HPV giảm hơn nữa, nhờ đó làm giảm số ca tử vong ở nam giới do các nguyên nhân liên quan đến HPV.

Triển khai hiệu quả tiêm chủng HPV cho trẻ em gái và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ Việt Nam - Ảnh 5.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Lễ công bố kết quả nghiên cứu về hiểu quả đầu tư tiêm chủng HPV tại Việt Nam. Ảnh: vietnam.unfpa.org

Tại Lễ công bố kết quả nghiên cứu về hiệu quả đầu tư tiêm chủng HPV tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Chúng ta cũng cần hiểu rằng ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể ngăn ngừa. Chiến lược toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm thanh toán ung thư cổ tử cung vào năm 2030 kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới thực hiện tiêm vaccine ngừa HPV cho 90% trẻ em gái trước 15 tuổi. Chúng ta cũng cần đảm bảo 70% phụ nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung. Và chúng ta cũng cần hướng đến mục tiêu đảm bảo 90% phụ nữ được phát hiện tiền ung thư hoặc ung thư có thể tiếp cận các phương pháp điều trị.

Vào năm 2020, WHO đã công bố chiến lược toàn cầu nhằm loại trừ ung thư cổ tử cung như một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Chiến lược này nhằm đạt được các chỉ tiêu sau đây vào năm 2030:

90% trẻ em gái được tiêm chủng đầy đủ vaccine HPV khi đến tuổi 15;

70% phụ nữ ở tuổi 35 và 45 được xét nghiệm sàng lọc với độ chính xác cao;

và 90% phụ nữ có các tổn thương tiền ung thư và mắc các bệnh ở cổ tử cung được chăm sóc và điều trị.

Tỷ lệ tiêm chủng HPV và sàng lọc ung thư cổ tử cung ở Việt Nam vẫn thấp

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng HPV và sàng lọc ung thư cổ tử cung ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp. Theo Điều tra các chỉ tiêu Mục tiêu Phát triển Bền Vững (SDGs) về Phụ nữ và Trẻ em do Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện với UNFPA và UNICEF vào năm 2018, chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 đã được tiêm chủng và chỉ 28% phụ nữ từ 30-49 tuổi đã được sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Trong bối cảnh này, Nghiên cứu về hiệu quả đầu tư tiêm chủng HPV tại Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng vì nghiên cứu có thể cung cấp các bằng chứng có chất lượng về tác động của các chiến lược phòng ngừa ung thư cổ tử cung khác nhau, bao gồm chương trình tiêm chủng HPV và sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Thông qua những ước tính về hiệu quả, chi phí cần thiết, hiệu quả chi phí, lợi ích thu được từ đầu tư, và lộ trình thanh toán ung thư cổ tử cung của các kịch bản chiến lược khác nhau, kết luận của nghiên cứu sẽ cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách cấp quốc gia và địa phương về việc triển khai hiệu quả tiêm chủng HPV cho trẻ em gái và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ Việt Nam.

Báo cáo này trình bày các kịch bản khác nhau về tiêm vaccine HPV, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tùy thuộc vào phạm vi và nội dung can thiệp, chương trình sẽ giúp giảm tới 300.000 số ca tử vong tới năm 2100. Chương trình sẽ thu về lợi ích kinh tế gấp khoảng 5- 11 lần so với chi phí và 8-20 lần lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội tích hợp so với chi phí.

Kết quả phân tích lợi ích kinh tế cho thấy tiêm vaccine và sàng lọc dùng xét nghiệm HPV đem lại hiệu quả đầu tư cao gấp ít nhất 5 lần chi phí bỏ ra cho chương trình và cao gấp ít nhất 8 lần khi xem xét cả lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó vaccine HPV sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2026.

Đồng thời, trong Nghị quyết, Chính phủ cũng cho phép các địa phương tự bố trí được kinh phí thì có thể triển khai sớm hơn cho người dân. Do đó, các địa phương hoàn toàn có cơ sở pháp lý để sớm đưa vaccine HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng của địa phương, giúp giảm gánh nặng bệnh tật nguy hiểm cho trẻ em.