Khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, sẽ đưa vaccine COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên
Hiện Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 ca bệnh COVID-19 mỗi ngày, nhiều ca phải nhập viện, có ca tử vong. Việc tiêm vaccine COVID-19 trong thời gian tới sẽ không tổ chức theo chiến dịch, mà được đưa vào chương trình tiêm chủng thường xuyên.
29 bệnh nhân mắc COVID-19 đang thở máy
Theo Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 9/5 của Bộ Y tế, cả nước có 2.122 ca mắc COVID-19 mới, tăng nhẹ so với ngày 8/5 (2.055 ca). Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.580.060 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.025 ca nhiễm).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 942 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi COVID-19 ở nước ta là 10.628.678 ca.
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 118 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 77 ca (tăng 3 ca so với ngày 8/5); Thở ô xy dòng cao HFNC: 12 ca (tăng 5 ca so với ngày 8/5); Thở máy không xâm lấn: 0 ca; Thở máy xâm lấn: 29 ca (tăng 28 ca so với ngày 8/5); ECMO: 0 ca.
Trong ngày không ghi nhận ca bệnh tử vong do COVID-19. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 0 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.197 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Đưa vaccine COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên
Theo VGP, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc tiêm vaccine COVID-19 trong thời gian tới sẽ không tổ chức theo chiến dịch, mà được đưa vào chương trình tiêm chủng thường xuyên.
Theo đó, các trạm y tế sẽ có 2-4 buổi tiêm chủng thường xuyên trong Chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai mỗi tháng. Tuỳ theo các trạm y tế ở các địa phương khác nhau, vaccine COVID-19 sẽ được đưa vào các buổi tiêm chủng thường xuyên này.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng khẳng định, các cơ sở tiêm chủng hiện nay đều thuần thục về thực hành tiêm vaccine COVID-19, phương thức bảo quản vaccine.
Việc cung cấp vaccine COVID-19 cũng có ở các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện và khu vực. Ngành y tế hoàn toàn có đủ năng lực để triển khai lồng ghép tiêm vaccine COVID-19 cùng các vaccine khác.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã đưa ra khuyến nghị về điều chỉnh lộ trình ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 trong tình hình hiện nay. Theo đó, tiếp tục ưu tiên bảo vệ các nhóm dân số có nguy cơ mắc bệnh có biến chứng nặng và tử vong cao khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nhóm ưu tiên cao cần tiêm vaccine COVID-19 bao gồm tất cả những người lớn tuổi; những người trẻ tuổi mắc các bệnh nền nghiêm trọng (như bệnh tiểu đường và bệnh tim); những người có tình trạng suy giảm miễn dịch (như người nhiễm HIV, người được ghép tạng), trẻ em đến 6 tháng tuổi; người mang thai và nhân viên y tế tuyến đầu.
Đối với nhóm ưu tiên cao, Hội đồng chuyên gia tư vấn về chiến lược tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị tiêm nhắc lại sau 6 hoặc 12 tháng kể từ liều cuối cùng, với khoảng cách thời gian tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác và tình trạng suy giảm miễn dịch.
Tại buổi họp báo ngày 5/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh, COVID-19 sẽ không bao giờ biến mất, ngay cả khi nó không còn là tình trạng khẩn cấp nữa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google