Từ 20/6/2023, lao động nữ sẽ được sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung khi khám sức khỏe định kỳ

Hồng Ngọc
21:25 - 08/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thông tư 09/2023/TT-BYT của Bộ Y tế bổ sung nội dung khám tiền sử sản phụ khoa và lâm sàng phụ sản cho lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 09/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14/2013/TT-BYT ngày 6/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe.

Từ 20/6/2023, lao động nữ sẽ được sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung khi khám sức khỏe định kỳ - Ảnh 1.

Lao động nữ sẽ được khám chuyên khoa phụ sản khi khám sức khỏe định kỳ. Ảnh: Vinmec

Theo đó, Thông tư 09/2023/TT-BYT sẽ có hiệu lực kể từ ngày 20/6/2023, sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 6 Thông tư 14/2013/TT-BYT như sau:

Đối với trường hợp khám sức khỏe định kỳ, khám theo nội dung ghi trong Sổ khám sức khỏe định kỳ quy định tại Phụ lục 3a ban hành kèm theo Thông tư này. Mẫu sổ mới bổ sung nội dung khám tiền sử sản phụ khoa; khám lâm sàng phụ sản.

Đối với lao động nữ, khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục quy định tại Phụ lục 3b ban hành kèm theo Thông tư này, gồm 4 nội dung:

1- Khám phụ khoa;

2- Sàng lọc ung thư cổ tử cung;

3- Sàng lọc ung thư vú;

4- Siêu âm tử cung - phần phụ (khi có chỉ định của bác sĩ khám).

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Ung thư vú hiện là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất và cũng là bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới tại Việt Nam. Theo Tổ chức Ung thư Toàn cầu, năm 2020 Việt Nam ghi nhận 21.000 ca mắc mới và 9.000 trường hợp tử vong do ung thư vú. Mỗi năm có khoảng 4.000 ca mắc mới. Mặc dù số ca bệnh mới tăng nhiều, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỉ lệ tầm soát ung thư thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á do thiếu vắng những chương trình sàng lọc đồng bộ trên toàn quốc. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Trong khi đó, ung thư cổ tử cung đứng thứ 6 trong các loại ung thư phổ biến ảnh hưởng đến phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, chỉ số tiêm phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Việt Nam đều thấp. Theo dữ liệu năm 2021, chỉ 12% trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi 15-29 được tiêm phòng và 28% phụ nữ ở độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc.