Indonesia đánh thuế ô nhiễm môi trường với xe cơ giới không đáp ứng chuẩn khí thải

N.Cường
17:23 - 19/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các phương tiện xe cơ giới không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở Indonesia sẽ bị đánh thuế ô nhiễm môi trường bổ sung vào năm 2023.

Indonesia: Sẽ đánh thuế ô nhiễm môi trường với xe cơ giới không đáp ứng chuẩn khí thải - Ảnh 1.

Các phương tiện xe cơ giới không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở Indonesia sẽ bị đánh thuế ô nhiễm môi trường bổ sung vào năm 2023. Ảnh: Asiatimes

Phát biểu tại một cuộc thảo luận, Vụ trưởng Kiểm soát Ô nhiễm Không khí Luckmi Purwandari cho biết: Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia đang tính toán biểu thuế đối với các phương tiện xe cơ giới không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải.

Đồng thời, cân nhắc các quy định liên quan đến việc áp thuế ô nhiễm môi trường bổ sung đối với các phương tiện xe cơ giới vượt tiêu chuẩn trong các cuộc kiểm tra khí thải.

Theo Quy định số 20/2017 của Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, các phương tiện cơ giới 4 bánh mới được sản xuất phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4.

Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia cũng đã thắt chặt các tiêu chuẩn chất lượng khí thải đối với các phương tiện cơ giới đã và đang hoạt động.

Ngoài tăng giá nhiên liệu được trợ giá, các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng đang được thực hiện nhằm thúc đẩy người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Vụ trưởng Kiểm soát Ô nhiễm Không khí Luckmi Purwandari cho biết dựa vào kết quả quan trắc, tình trạng ô nhiễm không khí đã giảm bớt ở Indonesia sau khi chính phủ quyết định tăng giá các loại nhiên liệu được trợ cấp hồi đầu tháng 9 vừa qua.

Bà Luckmi Purwandari khẳng định rằng tình trạng ô nhiễm không khí đang có xu hướng giảm, song Bộ Môi trường và Lâm nghiệp nước này vẫn chưa tính toán được cụ thể tỷ lệ giảm đó là bao nhiêu.

Trước đó, ngày 8/11, tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập, Phó Tổng thống Indonesia Ma'ruf Amin đã khẳng định Indonesia sẽ tiếp tục đi đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu bao gồm việc đề xuất Mở rộng đóng góp hạn định quốc gia (ENCD) hoặc cam kết của Indonesia về Đóng góp nhiều hơn vào chương trình Duy trì nhiệt độ toàn cầu.

Quốc gia này giữ vững mục tiêu giảm lượng khí thải xuống 31,8% theo năng lực và giảm 43,2% từ hỗ trợ quốc tế.

Mức giảm này phù hợp với những chính sách về khí hậu mà Indonesia đang triển khai bao gồm bảo tồn và phục hồi thiên nhiên, cũng như hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

Để đảm bảo tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, Indonesia đã triển khai chương trình Nền tảng quốc gia về cơ chế chuyển đổi năng lượng. Tất cả những nỗ lực quốc gia này cần phù hợp và có sự hỗ trợ của quốc tế bao gồm tạo ra một thị trường carbon hiệu quả và công bằng, đầu tư cho quá trình chuyển đổi năng lượng và tài trợ cho hành động khí hậu.

Với tư cách là Chủ tịch G20 năm 2022, Indonesia sẽ tiếp tục khuyến khích phục hồi xanh và hành động vì khí hậu mạnh mẽ và bao trùm. Bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu tiếp tục sẽ là một trong những ưu tiên của Indonesia trong năm 2023 khi đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN.

Theo báo cáo mới của Greenpeace do các chuyên gia từ Đại học Công nghệ ở Sydney (Australia) và Đại học Khoa học ứng dụng, Bergisch Gladbach (Đức) phối hợp thực hiện, để hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các nhà sản xuất ôtô chỉ được phép bán ra tối đa 315 triệu xe mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới.

Thực tế, các nhà sản xuất ôtô lớn có thể bán tới 712 triệu xe chạy xăng và dầu vào năm 2040, gấp hơn 2 lần so với mức khuyến nghị.

Với áp lực cắt giảm khí thải ngày càng lớn, các nhà sản xuất ôtô hàng đầu đang đẩy nhanh nỗ lực loại bỏ động cơ đốt trong và chuyển sang sản xuất nhiều xe điện hơn.

Một số chính phủ đã công bố kế hoạch cấm bán các loại xe mới chạy bằng xăng và dầu, như một phần trong nỗ lực đưa mức phát thải ròng carbon về 0, song nhiều nước vẫn chưa thực hiện điều này.