Lớp đại học đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp và sinh viên đầu tiên được đào tạo từ xa

Nguyễn Năng Lực
15:35 - 31/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong những năm kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn, gian khổ, đã có một lớp đào tạo đại học đặc biệt với 20 học viên, trong đó có 1 học viên đào tạo từ xa - loại hình đào tạo mới mẻ lúc bấy giờ.

Ở nước ta, trong những năm đầu thập niên 90 Thế kỷ 20, đào tạo từ xa bậc đại học còn khá mới mẻ, nay đã thành hình thức đào tạo phổ biến, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, ít người biết rằng, trong những năm kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn, gian khổ, đã có một lớp đào tạo bậc đại học với 20 học viên, trong đó có 1 học viên đào tạo từ xa. 

Lớp đào tạo đại học độc đáo

Lớp đại học đặc biệt ấy do thầy giáo Nguyễn Thúc Hào đứng lớp.

Lớp đại học đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp và sinh viên đầu tiên được đào tạo từ xa - Ảnh 1.

Giáo sư Nguyễn Thúc Hào. Ảnh: Tư liệu

Những năm 1945-1946, thầy giáo Nguyễn Thúc Hào dạy ở Trường Quốc học Huế. Tháng 2 năm 1947, quân Pháp tấn công, mặt trận Huế vỡ, Thầy phải tản cư về quê ở Nam Đàn, Nghệ An thuộc vùng tự do Liên khu 4.

Nắm bắt nhu cầu của nhiều học sinh đã tốt nghiệp tú tài nhưng không có nơi học tiếp chương trình đại học, thầy giáo Nguyễn Thúc Hào viết thư gửi lên chiến khu Việt Bắc, xin phép Bộ Giáo dục mở một khóa học tại Nam Đàn. Lớp học lấy tên là Lớp Toán đại cương theo Chương trình Math générales của Pháp. 

Được Bộ đồng ý, Lớp Toán đại cương khoá 1 khai giảng trong Nhà thờ họ Nguyễn Thạc gần chợ Liễu. Lớp học lúc đầu chỉ có 5 sinh viên.

Đến các khoá 2, 3, 4, Lớp Toán đại cương chuyển về gần Bến Gành, bên làng Đan Nhiễm (quê hương Phan Bội Châu), học trong nhà thờ ông Chắt Cử. Sinh viên hầu hết là những "tú tài kháng chiến" từ xa đến Nam Đàn trọ học.

Giáo sư Nguyễn Thúc Hào sinh ngày 6/8 năm 1912 tại làng Xuân Liễu (nay là xã Nam Xuân), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông nội là Cử nhân Nguyễn Thúc Kiều, là thày dạy của Phan Văn San (tức Phan Bội Châu).

Thân phụ ông là cụ Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh, từng làm Phủ doãn Phủ Thừa Thiên, Tuần phủ Phú Yên, khi về hưu được thăng hàm Thượng thư. Năm học lớp Nhất ở Trường Tiểu học Nha Trang, Nguyễn Thúc Hào trọ cùng nhà với Thầy Hà Huy Tập (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương) lúc đó đang dạy lớp Nhì tại trường này.

Từ năm 1929 đến 1935, Giáo sư học Toán tại Pháp, đã viết xong luận văn cao học (thạc sĩ) về một đề tài liên quan đến hình học và cơ học.

Giáo sư từng tham gia Ban Giám đốc Trường Dự bị đại học, Trường Sư phạm cao cấp mở ở vùng tự do Liên khu 4 cùng các Giáo sư Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Đặng Xuân Thiều và Nguyễn Mạnh Tường. Giảng dạy ở trường còn có các ông Cao Xuân Huy, Nguyễn Lương Ngọc, Phó Đức Tố, Hồ Đắc Liên, Tôn Thất Chiêm Tế,...

Năm 1954, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào về Hà Nội, cùng Giáo sư Lê Văn Thiêm dạy toán ở bậc đại học. Ông từng là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Hiệu trưởng là Giáo sư Phạm Huy Thông). Các nhà khoa học Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Trí, Văn Như Cương, Đoàn Quỳnh và nhiều nhà toán học, vật lý, cơ học, kỹ thuật nổi tiếng ở nước ta hiện nay đều đã từng thọ giáo thầy Nguyễn Thúc Hào.

Năm 1959, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào được cử là Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Vinh.

Ông là đại biểu Quốc hội các khoá 2, 3, 4, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt – Pháp.

Ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Ba. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Huân chương Lao động hạng Nhất.

Giáo sư qua đời ngày 9/6 năm 2009 tại Hà Nội.

Sinh viên đầu tiên được đào tạo từ xa

Có một thầy giáo tuổi 20 đang dạy Trường Trung học Lê Khiết ở Quảng Ngãi, thuộc liên khu 5, biết có lớp học ngành Toán mà mình yêu thích, rất muốn theo học. Nhưng ngày ấy đi từ khu 5 ra khu 4 vô cùng khó khăn, thầy giáo trẻ đành nhờ những chuyến giao liên của bộ đội, gửi thư xin tài liệu về tự học, tự làm bài tập rồi gửi bài ra để thầy chấm. Mỗi chuyến thư đi về mất độ 3 tháng, cho nên khóa học tại Nam Đàn chỉ học gần 1 năm rưỡi mà anh phải mất gần 3 năm mới hoàn thành.

Sau khi anh học xong chương trình, các học viên khác đã tốt nghiệp từ lâu. Thầy giáo Nguyễn Thúc Hào đã xin phép Bộ Giáo dục, gửi đề thi vào cho Hội đồng thi do Ủy ban Kháng chiến Liên khu 5 và tỉnh Quảng Ngãi chủ trì, tổ chức làm bài thi rồi gửi ra khu 4 cho thầy chấm. Kết quả thi gửi ra Việt Bắc, được Bộ Giáo dục công nhận, cấp chứng chỉ tốt nghiệp loại xuất sắc.

Người học viên đầu tiên của hình thức học hàm thụ và thi tốt nghiệp từ xa ở nước ta là Hoàng Tụy, con cháu trực hệ của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu.
Lớp đại học đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp và sinh viên đầu tiên được đào tạo từ xa - Ảnh 3.

Giáo sư Hoàng Tụy. Ảnh: Tư liệu

Ông được coi là cha đẻ của lĩnh vực "Tối ưu hóa toàn cục" (Global Optimization) trong Toán học ứng dụng với "Lát cắt Tụy - Tuy's cut".

Với những đóng góp to lớn cho ngành Toán tối ưu toàn cục, tháng 9 năm 2011, Giáo sư Hoàng Tụy vinh dự là người đầu tiên trên thế giới nhận Giải thưởng "Constantin Caratheodory" - Giải thưởng danh giá mang tên nhà toán học người Đức gốc Hy Lạp.

Giáo sư Hoàng Tuỵ rất tâm huyết với quan điểm về một nền giáo dục tiên tiến, trong đó con người là trọng tâm, là nhân tố quyết định phải được đặt lên hàng đầu, được tự do sáng tạo.

Giáo sư Hoàng Tụy sinh ngày 27/12 năm 1927, quê quán Điện Bàn, Quảng Nam; là cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng (Cử nhân Hoàng Văn Bảng từng là Án sát sứ Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh). Cụ là em ruột của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu.

Cha của Giáo sư Hoàng Tụy là cụ Hoàng Kỵ, Thị giảng Học sĩ thời vua Duy Tân, Khải Định. Các anh em ông có 7 người đỗ đạt thì 5 người là giáo sư đại học: Hoàng Phê (Ngôn ngữ), Hoàng Quý (Vật lý), Hoàng Kiệt (Mỹ thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (Toán học). Ông từng là Chủ nhiệm Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.

Giáo sư được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996); Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010); Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng (2015).

Ông qua đời ngày 14/7 năm 2019 tại Hà Nội.

Lớp đại học đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp và sinh viên đầu tiên được đào tạo từ xa - Ảnh 5.

Từ trái sang phải: Giáo sư Lê Văn Thiêm, Giáo sư Hoàng Tụy và Giáo sư Nguyễn Văn Đạo. Ảnh: Tư liệu

Những đóng góp to lớn của Lớp Toán đại cương

Nhiều sinh viên Lớp Toán đại cương của Thầy Nguyễn Thúc Hào ở Nam Đàn thời chống Pháp sau này là những nhà khoa học, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng trong và ngoài nước, đóng góp to lớn cho sự nghiệp khoa học và giáo dục của đất nước. 

Trong số đó có các Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ (Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp), Hà Học Trạc (Uỷ viên Trung ương Đảng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Cung, Nguyễn Hữu Chỉnh, Trịnh Ngọc Thái, Nguyễn Hoàng Phương, Lê Hải Châu, Đinh Ngọc Lân, Lê Nguyên Sóc, Lê Thạc Cán, Nguyễn Mậu Tùng, Hà Văn Mạo...

Tinh thần hiếu học của một thế hệ trưởng thành trong kháng chiến là tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh, sinh viên, các nhà khoa học trẻ hôm nay.