Công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập
Kể từ năm học 2022-2023, theo định hướng của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, các trường cao đẳng ở Việt Nam phải đưa kỹ năng sống vào trong chương trình giảng dạy như một môn học bắt buộc.
Trước thềm năm học mới với những thay đổi đáng kể mang tính cách mạng trong việc xây dựng bổ sung chương trình, trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học về chủ đề này theo định kỳ từng số.
Để thích ứng trong thời đại hội nhập 4.0
"Công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập" là khái niệm không mới nhưng chưa được phổ cập đến tầng lớp thanh niên. Trong giai đoạn đầy cạnh tranh trên thị trường lao động như hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới do chiến tranh và dịch bệnh, cơ hội việc làm cho các sinh viên mới ra trường sẽ không nên và không chỉ thu hẹp theo cách thức truyền thống là làm việc cho các công ty trong nước mà có thể vươn ra khắp toàn cầu hoặc chi nhánh của các tập đoàn đa quốc gia đóng tại Việt Nam.
Như vậy, các ứng cử viên sẽ cần đến bộ công cụ gì để có thể trở thành những công dân toàn cầu?
Buổi tọa đàm không chỉ làm rõ khái niệm công dân toàn cầu và kinh nghiệm làm việc tại các môi trường đa văn hóa, đa quốc gia mà còn cung cấp thêm những kiến thức, thái độ, kỹ năng để có thể thích ứng trong thời đại hội nhập 4.0.
Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà, hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội chia sẻ rằng: "Nhà trường không chỉ cung cấp một gói đào tạo chất lượng đến sinh viên mà còn rất quan tâm đến nhu cầu của thị trường lao động và đầu ra của sinh viên. Trong giai đoạn cạnh tranh về việc làm khốc liệt như hiện nay, việc thích ứng được với xu thế hội nhập để có được một vị trí tốt trong xã hội không chỉ là nỗi lo chung của các sinh viên sắp ra trường mà còn là nỗi trăn trở của chúng tôi, những người làm giáo dục. Vì thế, ngoài những chương trình rèn luyện kỹ năng, thái độ để các em có thêm hành trang trong tương lai thì các buổi tọa đàm, hội thảo được tổ chức thường kỳ cũng sẽ giúp các em có thêm một bộ công cụ mới để làm việc sau này. Các chương trình đều rất được các em đón nhận".
Diễn giả Oystein Torsrud là tiểu thuyết gia trinh thám người Na Uy. Ông tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cơ khí và là một kỹ sư hàng hải. Ông từng làm việc tại các vị trí cấp cao trong lĩnh vực dầu khí ở ngoài khơi cả trong và ngoài nước, trong đó có 20 năm làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Australia, Pháp, Nauy… Còn diễn giả Bạch Thái Hà là chủ nhân của cuốn sách bán chạy "Megan muốn về nhà và mẹ cũng thế". Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đều thống nhất tầm quan trọng của việc sử dụng thành thạo những ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh, Pháp, Trung…, được coi như tiền đề trong bộ công cụ để trở thành công dân toàn cầu. Ngoài ra, chỉ số thích nghi với môi trường đa văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng để người lao động có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào hoặc cho các công ty đa quốc gia có trụ sở trong nước.
Hạn chế nhất là luôn cảm thấy mình bị... hạn chế
Bà Bạch Thái Hà cho rằng, hạn chế nhất đối với người Việt khi đi ra nước ngoài là luôn cảm thấy mình bị… hạn chế, đó là thái độ thiếu tự tin để vươn ra biển lớn.
Còn nhà văn Oystein Torsrud thì nói rằng bên cạnh những nỗ lực của bản thân, chính phủ của mỗi quốc gia cũng phải có chính sách thúc đẩy điều này. Ví dụ như đẩy mạnh việc thông thương, mở cửa với bên ngoài và khuyến khích người dân tích hợp bộ công cụ để trở thành một công dân toàn cầu. Ông kể câu chuyện về đất nước Nauy trước thập niên 60 của thế kỷ trước khi chưa phát hiện ra dầu mỏ thì người dân rất ngại học tiếng Anh. Người nói giỏi tiếng Anh lúc đó cũng được coi như của hiếm. Nhưng sau đó, chính phủ Nauy đã áp dụng nhiều biện pháp để động viên các công dân học ngoại ngữ, và kết quả bây giờ là người Nauy nào cũng có thể sử dụng tiếng Anh. Đặc biệt là nhà văn Oystein Torsrud thường viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh và phát hành trên kênh Amazon.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google