Hà Nội: Nhiều người dân có tâm lý chủ quan, đánh giá thấp sự nguy hiểm của dịch COVID-19
Tại Hà Nội, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt nên không ít người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, đánh giá thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh này. Không ít người có suy nghĩ về việc đã bị bệnh và tiêm chủng mũi 3 nên không muốn tiêm mũi 4.
Tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội đang được kiểm soát
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, trả lời báo giới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt trên địa bàn.
Tính đến ngày 12/8, Hà Nội đã ghi nhận tính 1.615.288 ca mắc COVID-19 và không ghi nhận tử vong do COVID-19 kể từ ngày 19/4/2022; đã thực hiện giải trình tự gen 318 mẫu xét nghiệm ghi nhận chủ yếu vẫn là các chủng BA.2, song đã xuất hiện biến chủng phụ của Omicron BA.4, BA.5. Hiện còn 3.374 trường hợp được quản lý theo dõi, trong đó có 118 trường hợp tại bệnh viện, còn lại được theo dõi, quản lý điều trị tại nhà.
Hiện dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh lưu hành khác đang được kiểm soát, số mắc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, đến nay trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 1.183 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 196 ca; sốt xuất huyết ghi nhận 608 trường hợp, tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 359 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong. Hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc/nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ và bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.
Về công tác tiêm vaccine COVID-19, tính đến ngày 10/8, Hà Nội đã tiếp nhận, phân bổ 17.501.993 liều vaccine, trong đó đã sử dụng 17.151.232 liều và tiếp tục triển khai tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế.
Nhiều người dân có tâm lý chủ quan trước dịch COVID-19
Theo thông tin từ Bộ Y tế, 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%). Đặc biệt Việt Nam đã ghi nhận các biến thể phụ BA.4, BA.5 và đang dần chiếm ưu thế tại các tỉnh phía Nam, tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em tại nhiều địa phương còn thấp. Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
Tại Hà Nội, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt nên không ít người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, đánh giá thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh này. Không ít người có suy nghĩ về việc đã bị bệnh và tiêm chủng mũi 3 nên không muốn tiêm mũi 4. Trong khi đó, dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng với những biến chủng mới xâm nhập vào nước ta. Tuy nhiên, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, đặc biệt là lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt như mong muốn.
COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A
Bộ Y tế vừa có Tờ trình Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và chưa công bố hết dịch COVID-19. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Lý do vì trong 7 tháng đầu năm 2022, trên thế giới dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia. Số ca nhập viện và số ca tử vong đã tăng trở lại. Các biến thể mới của virus liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch (do vaccine và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.
Trong nước, mặc dù tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc tuy nhiên số ca mắc đã có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây và vẫn ghi nhận các ca tử vong, nhiều ca bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, việc chuyển phân loại bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang nhóm B đối với COVID-19 có những thách thức như: theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn liên quan, có nhiều quy định khác biệt cần phải điều chỉnh giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh truyền nhiễm nhóm B như về giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng; kiểm soát ra, vào vùng có dịch, công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm và sử dụng vaccine trong tình trạng khẩn cấp.
Việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân sẽ không còn được quan tâm đúng mức; người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Ngày 9/8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine COVID-19.
Để bảo đảm mục tiêu kép và đặt sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết trong điều kiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn khẩn trương, thần tốc triển khai các công tác tiêm chủng vaccine COVID-19.
Ngày 12/8, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có Công văn về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội; các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; các bệnh viện trong và ngoài công lập.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo, đài đẩy mạnh truyền thông về lợi ích tiêm chủng, hiệu quả và sự cần thiết của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bằng những thông tin khoa học, thuyết phục, tập trung vào tiêm chủng liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, các liều nhắc lại cho người từ 12 tuổi trở lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt cho các đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền (bao gồm cả trẻ em) và các đối tượng khác.
Đồng thời, tham mưu tổ chức phát động chiến dịch tiêm chủng: Tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đảm bảo hoàn thành trong tháng 8 năm 2022, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế". Theo dõi tiến độ tiêm, tăng cường giám sát, đôn đốc, hỗ trợ các quận, huyện, thị xã nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đảm bảo hoàn thành sớm nhất chiến dịch.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google