Hội nghị giao ban công tác khuyến học Cụm 3: Công tác xây dựng các mô hình học tập phát triển mạnh mẽ

Đắc Quang
15:08 - 25/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 25/11, tại tỉnh Thái Bình, Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng (Cụm 3) tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến học và hội thảo “Xây dựng, phát triển tổ chức hội và hội viên”.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng dự và chỉ đạo hội nghị, hội thảo.

Cùng sự tham gia của các Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chánh văn phòng, Trưởng Ban Tổ chức – Cán bộ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam...; lãnh đạo, thường trực Hội Khuyến học của 8 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định.

Về phía tỉnh Thái Bình có Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập tỉnh Trần Thị Bích Hằng; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Ngọc Hà; Chủ tịch Hội Khuyến học, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập tỉnh - Chủ trì hội nghị, hội thảo; Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân tỉnh Phạm Thị Như Phong.

Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến học - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị, hội thảo. Ảnh: Đắc Quang

Tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch đề ra

Sau Hội nghị giao ban ngày 17và 18/8/2022 tại Bắc Ninh, Hội Khuyến học các tỉnh,  thành phố Đồng bằng sông Hồng tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội, tham gia thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo kế hoạch và mục tiêu đề ra của các địa phương trong Cụm.

Tổ chức Hội các cấp tiếp tục được kiện toàn, phát triển và hoạt động nền nếp, hiệu quả. Hội Khuyến học tỉnh Nam Định và Hội Khuyến học tỉnh Hưng Yên đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2022-2027.

Các lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác Hội được các cấp Hội quan tâm tổ chức bài bản, chất lượng cán bộ Hội từng bước được nâng lên.

Công tác tuyên truyền được đổi mới mạnh mẽ, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức trên cơ sở chuyển đổi số và phương tiện thông tin tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội, có tác dụng thúc đẩy phong trào.

Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến học - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng tặng hoa chúc mừng hội nghị, hội thảo. Ảnh: Đắc Quang

Công tác xây dựng các mô hình học tập (Công dân học tập, Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập) phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tốt.

Quyết định 387/QĐ-TTg về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030" và Quyết định 677/QĐ-TTg về chương trình "Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030" của Thủ tướng Chính phủ được Hội Khuyến học các tỉnh trong Cụm 3 tham mưu ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các cấp Hội triển khai kịp thời.

Công tác vận động xây dựng Quỹ Khuyến học tiếp tục được quan tâm và thực hiện, huy động từ nhiều nguồn, thể hiện sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị và xã hội đối với công tác khuyến học. Khen thưởng, trao học bổng khuyến khích tài năng được thực hiện kịp thời, có ý nghĩa tích cực.

Bên cạnh những ưu điểm, công tác khuyến học của cụm 3 còn một số hạn chế.

Trong đó, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng các văn bản thể chế hóa chế độ chính sách, hạn mức kinh phí cho hoạt động khuyến học, khuyến tài của các địa phương trong Cụm còn nhiều vướng mắc.

Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến học - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình Vũ Văn Thanh báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Đắc Quang

Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác khuyến học, nhất là đối với phong trào học tập suốt đời của người lớn. Việc thành lập tổ chức hội trong doanh nghiệp, tỷ lệ còn thấp.

Hầu hết ở các tỉnh, Quỹ Khuyến học chủ yếu hỗ trợ học bổng, khen thưởng cho học sinh, sinh viên nghèo, khen thưởng giáo viên, học sinh, sinh viên giỏi; nhưng chưa quan tâm khen thưởng cho người lớn có sáng kiến, thành tích cao trong tự học thành tài.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về công tác khuyến học, khuyến tài, chia sẻ những khó khăn và kinh nghiệm phát triển tổ chức hội, hội viên trên địa bàn tỉnh mình. Đồng thời, đưa ra kiến nghị, đề xuất với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, hướng tới nâng cao hiệu quả chung về hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của cụm 3.

Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến học - Ảnh 3.

Đại diện Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình kiến nghị với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam có những văn bản hướng dẫn chi tiết quy trình thành lập tổ chức trong các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các ban khuyến học dòng họ, cơ sở tôn giáo. Ảnh: Đắc Quang

Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến học - Ảnh 4.

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội phát biểu: Hội Khuyến học Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền thành phố để có văn bản chỉ đạo trong hệ thống chính trị, là cơ sở cho việc vận động thành lập các tổ chức khuyến học và phát triển hội viên. Ảnh: Đắc Quang

Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến học - Ảnh 5.

Chủ tịch Hội Khuyến học Nam Định chia sẻ biện pháp xây dựng, phát triển hội viên là chọn dòng họ để thành lập ban khuyến học. Ảnh: Đắc Quang

Chọn việc trọng tâm, trọng điểm để thực hiện, phù hợp với điều kiện từng nơi

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng nhận định: Đồng bằng sông Hồng có truyền thống hiếu học từ ngàn xưa, đây là điều kiện thuận lợi để hội khuyến học các cấp góp phần phát triển hơn nữa sự học của công dân trên địa bàn.

Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến học - Ảnh 6.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị, hội thảo. Ảnh: Đắc Quang

Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hùng đánh giá, kể từ hội nghị giao ban tại tỉnh Bắc Ninh trong tháng 8 vừa qua, hoạt động của hội khuyến học các tỉnh trong cụm 3 đang ngày càng có hiệu quả hơn, sáng tạo hơn. Công tác chỉ đạo ngày càng bài bản, có kế hoạch, có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm, có sự đột phá mới.

Trung ương Hội  Khuyến học Việt Nam ghi nhận tất cả kiến nghị của các đại biểu và sẽ báo cáo với Ban Thường vụ Trung ương Hội, trình Ban chấp hành và sẽ giải đáp cụ thể.

Về công tác khuyến học, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, trước hết cần đổi mới tư duy về công tác khuyến học, không chỉ là học suốt đời, học không bao giờ cùng và mà còn phải phải học kịp thời.

Tiếp theo đó là cần có điều kiện để làm khuyến học, bao gồm thể chế, nguồn lực và con người. Điều kiện hiện nay của các cấp hội khuyến học đang gặp khó khăn, nhận lực, phương tiện còn hạn chế. Do đó,  các cấp hội cần chọn việc trọng tâm, trọng điểm để thực hiện, phù hợp với điều kiện từng nơi.

Về phương pháp, cách làm, cần liên kết rộng, hợp tác sâu, chủ động trình bày suy nghĩ, kiến nghị để các cấp, các ngành hiểu về hoạt động của Hội Khuyến học, tạo điều kiện, góp phần thúc đẩy công tác khuyến học.

Bên cạnh đó, cơ chế vận hành của Hội Khuyến học các cấp hiện nay phải thích ứng linh hoạt với thực tiễn nhưng phải đảm bảo nguyên tắc.

Những vấn đề ở cơ sở phát sinh mà Trung ương Hội chưa bao quát được thì Hội Khuyến học địa phương cần phải tiến hành đánh giá, tổng kết, xử lý phù hợp với điều kiện của mình.

 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, trong công tác khuyến học nói chung, phải tạo đột phá trong hoạt động truyền thông, mà trước hết là truyền thông tới các lãnh đạo và cơ quan  quản lý, chỉ đạo. Đột phá tiếp theo là thể chế hóa bằng chính sách Nhà nước, ở địa phương phải được thể chế hóa thông qua Hội đồng Nhân dân tỉnh và Ủy ban Nhân dân tỉnh để Hội Khuyến học có ngân sách hoạt động. Và cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách, tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, dám tham mưu và dám phản biện.

Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến học - Ảnh 7.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình Vũ Mạnh Hiền, Cụm trưởng cụm 3 tổng kết hội nghị, hội thảo. Ảnh: Đắc Quang

Tổng kết hội nghị, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình Vũ Mạnh Hiền, cụm trưởng cụm 3 cho biết, Ban Tổ chức hội nghị, hội thảo sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để bổ sung vào báo cáo, chương trình công tác năm 2023 của hội khuyến học các cấp. Đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến học - Ảnh 8.

Tại hội nghị, Anh hùng Lao động, Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam - BUSACO, trao 100 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình. Ảnh: Đắc Quang

Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến học - Ảnh 9.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình Vũ Mạnh Hiền trao Cờ luân lưu Hội nghị giao ban Hội Khuyến học cụm 3, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng nhiệm kỳ 2021-2026 cho Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam. Ảnh: Đắc Quang