Học sinh Trung Quốc được giáo dục lòng yêu nước như thế nào?

Lam Linh
07:01 - 28/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhằm thúc đẩy lòng yêu nước, nâng cao tinh thần dân tộc cho thanh thiếu niên và mọi tầng lớp trong xã hội, Quốc hội Trung Quốc mới đây đã bỏ phiếu thông qua Luật Giáo dục lòng yêu nước.

Học sinh Trung Quốc được giáo dục lòng yêu nước như thế nào? - Ảnh 1.

Luật của Trung Quốc đề cao giáo dục lòng yêu nước cho thanh thiếu niên và nhi đồng. Ảnh: Aly Song

Trung Quốc thông qua Luật Giáo dục lòng yêu nước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc mới đây đã thông qua Luật Giáo dục lòng yêu nước nhằm chống lại chủ nghĩa hư vô lịch sử (Historical nihilism) và bảo vệ an ninh quốc gia.

Chủ nghĩa hư vô lịch sử là cụm từ được sử dụng ở Trung Quốc để mô tả sự nghi ngờ và hoài nghi của công chúng đối với tất cả những phát ngôn, bài viết, sách báo, ấn phẩm nghệ thuật... về các sự kiện lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Dự kiến Luật Giáo dục lòng yêu nước sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Luật này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, bao gồm: tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn, nhu cầu trong nước sụt giảm và sự suy thoái kinh tế.

Ý nghĩa của Luật Giáo dục lòng yêu nước 

Học sinh Trung Quốc được giáo dục lòng yêu nước như thế nào? - Ảnh 2.

Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu thông qua Luật Giáo dục lòng yêu nước, nhằm thúc đẩy tinh thần yêu nước cho trẻ em và các tầng lớp xã hội. Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa Xã, Luật Giáo dục lòng yêu nước được ban hành nhằm thúc đẩy tinh thần yêu nước cho trẻ em và các tầng lớp xã hội. Cụ thể, giáo dục lòng yêu nước gồm các lĩnh vực như: tư tưởng, chính trị, lịch sử, văn hóa, biểu tượng quốc gia, vẻ đẹp của đất nước, đoàn kết dân tộc, an ninh quốc gia, phòng thủ và các tấm gương yêu nước.

"Ban hành Luật Giáo dục lòng yêu nước nhằm cung cấp cơ sở pháp lý cho việc giáo dục lòng yêu nước trong thời đại mới, nâng cao tinh thần dân tộc. Đồng thời hình thành một khối đại đoàn kết nhằm thúc đẩy xây dựng một Trung Quốc hùng mạnh hơn và hiện thực hóa sự trẻ hóa quốc gia thông qua con đường hiện đại hóa", theo Tân Hoa Xã.

Một số quy định trong Luật Giáo dục lòng yêu nước

Theo Tân Hoa Xã, mặc dù được ban hành để thúc đẩy lòng yêu nước nhưng Luật Giáo dục lòng yêu nước nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp lý, toàn diện và cởi mở, mở cửa đất nước rộng hơn với thế giới và đón nhận các nền văn minh khác.

Theo đó, Luật Giáo dục lòng yêu nước quy định, giáo dục lòng yêu nước phải tôn trọng lịch sử và truyền thống văn hóa của các quốc gia khác và lấy cảm hứng từ tất cả những thành tựu nổi bật của nền văn minh nhân loại.

Luật mới này đề cao giáo dục lòng yêu nước cho thanh thiếu niên và nhi đồng, đồng thời đưa ra quy định về giáo dục lòng yêu nước cho công chức, nhân viên doanh nghiệp và tổ chức công, cư dân thành thị và nông thôn, cũng như người dân ở các khu hành chính đặc biệt Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan.

Học sinh Trung Quốc được giáo dục lòng yêu nước như thế nào? - Ảnh 3.

Giáo dục lòng yêu nước sẽ được phổ cập ở tất các cấp học tại Trung Quốc. Ảnh: Firstpost

Theo The China Project, Điều 14 Luật Giáo dục lòng yêu nước quy định về việc các nội dung giáo dục về lòng yêu nước phải đưa vào tất cả các cấp học của trường công lập lẫn trường tư thục. Tức là trong toàn bộ quá trình học tập tại trường, học sinh phải được giáo dục về lòng yêu nước.

Điều 15 Luật Giáo dục lòng yêu nước quy định về các loại hoạt động của trường học, bao gồm các chuyến thăm tới những cơ sở giáo dục yêu nước quốc gia, trong đó có hơn 500 cơ sở đã được xây dựng từ năm 1994.

Ngoài ra, Điều 16 Luật Giáo dục lòng yêu nước còn quy định về trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái về lòng yêu nước. Đây là quy định chưa từng có trong tiền lệ, nhằm nhấn mạnh vai trò giáo dục của gia đình. Bởi gia đình là hạt nhân của xã hội.

Điều 30 của Luật này đã quy định về các biện pháp thực thi, trong đó yêu cầu các ISP (Nhà cung cấp dịch vụ Internet) phải tạo ra và truyền tải các nội dung thể hiện tinh thần yêu nước. Đồng thời, sản xuất ra các sản phẩm công nghệ mới để các hoạt động giáo dục yêu nước được thực hiện một cách sinh động.

Nhà nghiên cứu Zhi Zhenfeng, Viện Luật, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với Global Times rằng: "Luật Giáo dục lòng yêu nước mới là sự kết hợp và cô đọng một số nội dung về giáo dục lòng yêu nước đã được quy định ở trong các văn bản luật trước đây. Việc ban hành ra luật này là nhằm thúc đẩy giáo dục lòng yêu nước trong thời đại mới với một quy trình xây dựng pháp luật có hệ thống, chuẩn mực và khoa học".

Yang Heqing, một quan chức trong Ủy ban thường trực Quốc hội Trung Quốc nói với Global Times rằng: "Mục đích của Luật Giáo dục lòng yêu nước là giáo dục, hướng dẫn công dân có ý thức thực hiện nghĩa vụ của mình để duy trì đoàn kết dân tộc, bảo vệ an ninh, danh dự và lợi ích quốc gia. Từ đó bảo đảm sự ổn định lâu dài của đất nước".

Mặt khác, ông Yang Heqing nói thêm rằng, Luật Giáo dục lòng yêu nước sẽ tập trung vào việc sử dụng tối đa chức năng giáo dục của các di tích văn hóa, di sản văn hóa, các bảo tàng, nhà tưởng niệm và tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian trong các lễ hội truyền thống.

Nguồn: Firstpost