Hiểu về giáo dục giới tính trong môi trường học đường
Giáo dục giới tính đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh hiểu biết về bản thân, phát triển nhận thức đúng đắn về giới, rèn luyện kỹ năng sống và bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, vấn đề này trong nhà trường còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh.
Vụ việc một bé gái 12 tuổi bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai tại huyện Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) để lại hệ luỵ rất lớn cho bản thân người bị hại, gia đình.
Gần đây, những tranh luận trái chiều cũng đặc biệt gay gắt liên quan đến việc một trường quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh phát sách có yếu tố tình dục cho học sinh lớp 11.
Như vậy chứng tỏ rằng dư luận luôn nhạy cảm với vấn đề giáo dục giới tính đối với tuổi vị thành niên. Điều đó có thể đi từ gốc rễ là bắt tay vào cải thiện chất lượng giáo dục giới tính trong trường học. Tuy nhiên, những giải pháp khả thi có thể được thực hiện từ đâu?
Thực trạng giáo dục giới tính tại các trường học hiện nay
Hiện nay, nhiều trường học đã bắt đầu triển khai giáo dục giới tính nhưng mức độ và chất lượng giảng dạy chưa đồng đều. Một số trường đã xây dựng chương trình giảng dạy khá đầy đủ, bao gồm các nội dung như sức khỏe sinh sản, phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục và kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có đủ điều kiện và nguồn lực để thực hiện hiệu quả chương trình giảng dạy của mình.
Các giáo viên thường phải tự tìm kiếm tài liệu và phương pháp giảng dạy do chưa có một khung chương trình chuẩn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hơn nữa, nhiều giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu về giáo dục giới tính, dẫn đến việc giảng dạy thiếu chuyên môn và không hấp dẫn đối với học sinh.
Thậm chí, có những nơi, giáo dục giới tính chỉ được xem như một phần nhỏ của môn học khác, không có thời lượng giảng dạy riêng biệt.
Phản hồi từ học sinh về các buổi học giáo dục giới tính khá đa dạng. Nhiều học sinh cảm thấy ngại ngùng, thiếu tự tin khi tham gia các buổi học này, trong khi một số khác lại rất quan tâm và mong muốn có thêm kiến thức.
Đặng Phương Lê, học sinh lớp 11 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Trường em thường tổ chức các lớp học giới tính đi kèm với các tiết dạy giá trị sống. Không chỉ cá nhân em, nhiều bạn khác khi lần đầu được tiếp xúc với các lớp học này đều có cảm giác ngại ngùng.
Các bậc phụ huynh nhìn chung cũng rất hạn chế nói về những vấn đề liên quan đến giới tính hay tình dục. Sau khi tham gia lớp học, em cảm thấy bản thân đã được trang bị những kiến thức nhất định và mong muốn giáo dục giới tính sẽ trở thành một môn học riêng biệt".
Phụ huynh cũng có nhiều ý kiến khác nhau về giáo dục giới tính trong trường học. Một số phụ huynh ủng hộ và nhận thấy tầm quan trọng của việc này nhưng cùng với đó cũng là những nỗi lo ngại về nội dung giảng dạy có thể không phù hợp với lứa tuổi của con em mình.
Chị Nguyễn Thị Thuý Nga, có con trai đang học Trung học phổ thông tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, việc các trường tổ chức các tiết học giáo dục giới tính là cần thiết, tuy nhiên cần phải có giáo trình phân chia khoa học theo từng độ tuổi, cấp bậc học.
Nâng cao vai trò của trường học trong giáo dục giới tính
Bên cạnh nhu cầu của phụ huynh và học sinh, việc xây dựng được một chương trình giáo dục giới tính chi tiết và hiệu quả cao trong trường học đang gặp phải không ít thách thức.
Ngoài vấn đề thiếu tài liệu giảng dạy phù hợp, giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu, có thể thấy sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong giáo dục giới tính chưa chặt chẽ. Nhiều phụ huynh không nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục giới tính hoặc có quan điểm khác biệt với nhà trường về cách thức giảng dạy. Điều này dẫn đến sự thiếu nhất quán và đồng bộ trong việc giáo dục giới tính cho học sinh.
Chương trình giảng dạy hiện tại của nhiều trường học đã rất nặng nề với các môn học chính thức. Việc bổ sung giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy có thể gặp phải sự phản đối do lo ngại về việc tăng thêm áp lực học tập cho học sinh và giáo viên.
Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Chính (Viện Tâm lý học - Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: "Để giải quyết được câu chuyện giáo dục giới tính trong trường học, cần đi từ hệ thống chính sách, chương trình của Nhà nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa ra thông tư, nghị định yêu cầu sự phối hợp từ phía nhà trường trong việc đưa nội dung giáo dục giới tính vào giảng dạy chính thức. Cùng với đó là các văn bản hướng dẫn, lộ trình đào tạo chi tiết cho giáo viên. Đó là sự thay đổi mang tính hệ thống.
Còn từ phía giáo viên và phụ huynh có thể linh hoạt lên kế hoạch bổ sung nội dung giáo dục giới tính vào các hoạt động trải nghiệm của trường với nhiều hình thức sáng tạo, cách làm phong phú, đổi mới. Nội dung sao cho học sinh có thể hứng thú đón nhận và thay đổi nhận thức đã là thành công bước đầu.
Làm thế nào để đảm bảo nội dung giáo dục giới tính phù hợp với trình độ nhận biết cũng như lứa tuổi học sinh?
Mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng ta có nhu cầu về giáo dục, hiểu biết khác nhau để có thể chăm sóc tốt cho bản thân cũng như có cách ứng xử văn minh với người khác.
Ví dụ, học sinh tiểu học bắt đầu cần nhận biết cơ thể nam và nữ có khác gì nhau, được biết các bạn được ra đời thế nào một cách khoa học chứ không phải là những lời giải thích "con sinh ra từ nách, con sinh ra từ rốn,...".
Giai đoạn cấp 2 sẽ là thời điểm các em học sinh cần có kiến thức về tuổi dậy thì, về cách ứng phó với những sự thay đổi lớn về cả tâm và sinh lý. Giai đoạn dậy thì cũng là lúc các em nhận ra sự đa dạng của giới tính, xu hướng tính dục, bản dạng giới,...
Bên cạnh đó còn là vấn đề phòng, tránh xâm hại, mang thai ngoài ý muốn, các em cần nhận rõ hậu quả cũng như biết cách ứng xử như thế nào để bảo vệ sự an toàn cho chính mình.
Giáo viên và phụ huynh đều có thể tham khảo tài liệu từ nhiều nguồn, tài liệu mở trên internet, sách, tạp chí khoa học... để có thể đề cập dễ dàng việc giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên, thành niên và tuổi dậy thì.
Tác giả: Lệ Thanh
Hà Nội
(Bài dự thi "Sức khoẻ học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")
Bài dự thi xin gửi về Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học:
Email: toasoan@congdankhuyenhoc.vn
Địa chỉ: Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google