Hà Nội: Bé gái 12 tuổi bị xâm hại dẫn đến mang thai - nghi phạm là hàng xóm

Hồng Ngọc
16:58 - 17/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) xác nhận đang vào cuộc điều tra vụ việc bé gái 12 tuổi bị xâm hại tình dục dẫn đến có thai. Hiện đã khởi tố vụ án. Bé gái dự sinh mổ trong chiều nay (17/4).

Hà Nội: Bé gái 12 tuổi bị xâm hại dẫn đến mang thai - nghi phạm là hàng xóm- Ảnh 1.

Công an đang điều tra vụ việc bé gái 12 tuổi bị xâm hại tình dục dẫn đến có thai tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. Ảnh: TTXVN

Bé gái bị hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần

Ngày 17/4, Công an huyện Thanh Trì (thành phố Hà Nội) cho biết đã khởi tố vụ án để điều tra về việc bé gái Đ.T.N.L (12 tuổi) bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai xảy ra ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.

Lực lượng chức năng cũng đã áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú với nghi phạm của vụ án. Danh tính của đối tượng này hiện chưa được công bố.

Theo trình báo của anh Đ.N.A (bố của cháu bé 12 tuổi), đầu tháng 1/2024, anh thấy con gái có biểu hiện bất thường liền gặng hỏi và đưa kiểm tra thì biết cháu đã mang thai 6 tháng. Con gái anh kể đã bị một người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần. Gia đình sau đó đã đưa cháu tới cơ quan Công an xã Tam Hiệp trình báo. 

Anh A cho biết thêm, người này thường lợi dụng buổi chiều, khi anh đi làm không ở nhà, để thực hiện hành vi đồi bại với cháu bé.

Vợ chồng anh Đ.N.A có 2 người con (cháu L. là con út). Khi cháu L. vừa tròn 1 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên người vợ đã bỏ ra nhà đi. Kể từ đó, anh Đ.N.A sống trong cảnh "gà trống nuôi con", phải đi làm nhiều công việc chân tay. Những lúc rảnh rỗi, anh thường chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập.

Theo thông tin từ gia đình, cháu bé sẽ vào viện để sinh mổ trong chiều nay (17/4).

Hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi bị xử phạt như thế nào?

Điều 142, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Có tính chất loạn luân;

b) Làm nạn nhân có thai;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Phạm tội 2 lần trở lên;

e) Đối với 2 người trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Nhiều người hiếp một người;

c) Đối với người dưới 10 tuổi;

d) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

e) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trang bị cho trẻ kỹ năng phòng, chống bị xâm hại

Thời gian qua, những vụ việc trẻ em bị xâm hại không chỉ gây bức xúc trong dư luận, mà còn khiến cho nhiều bậc phụ huynh không khỏi bàng hoàng và xót xa.

Theo đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), phòng, chống xâm hại trẻ em chính là để bảo vệ trẻ em, bảo vệ tương lai của mỗi gia đình, của đất nước. Điều này cần có sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, gia đình có vị trí vô cùng quan trọng, mà trước hết là những người cha, người mẹ phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại.

Theo Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em, để đảm bảo an toàn cho trẻ em, tránh những nguy cơ bị xâm hại, giúp các em yên tâm học tập và phát triển toàn diện, mỗi gia đình phải tích cực quan tâm hơn nữa tới con em mình; phối hợp với nhà trường, các cơ quan chức năng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ rủi ro bản thân cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.

Để giúp trẻ phòng tránh bị xâm hại, cha mẹ cần chủ động trao đổi, cung cấp kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản; các rủi ro tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại.

Đồng thời, trang bị cho con những kỹ năng cơ bản nhất để phòng chống xâm hại như: Giải thích cho trẻ hiểu về các bộ phận trên cơ thể; những giới hạn khi giao tiếp, tiếp xúc với người thân, quen, lạ. Dặn trẻ không đi một mình với người lạ, nhất là lại đi đến những chỗ lạ, vắng vẻ; hướng dẫn trẻ em nói “không” hoặc bỏ chạy nếu ai đó cố tình đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm của trẻ, cho dù đó là người thân... 

Bên cạnh đó, khuyến khích con chia sẻ với cha mẹ, thầy cô nếu cảm thấy bất an. Nói với trẻ những quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em để trẻ hiểu mình có quyền được xã hội bảo vệ và bênh vực. Và điều quan trọng nhất là nếu kẻ xấu có ý đồ xâm hại trẻ, pháp luật sẽ trừng trị đích đáng kẻ xấu, trẻ không phải là người có lỗi.