Hiểu thêm về khái niệm "Gia đình học tập"
Gia đình học tập là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường giáo dục đầu đời của thế hệ Z và thế hệ Alpha - hai thế hệ mà mọi quốc gia đều kỳ vọng năng lực trí tuệ và thể chất để mang lại một đời sống an toàn trước nguy cơ biến đổi khí hậu, chiến tranh diệt chủng, đại dịch và suy thoái kinh tế.
GS.TS Phạm Tất Dong
Hiếu học và truyền thống hiếu học
Hiếu học: Biểu hiện của sự ham học hỏi, ham hiểu biết, muốn vươn tới, muốn chinh phục những tri thức của nhân loại. Hiếu học thể hiện ở tinh thần tự nguyện, sự nỗ lực hết mình, sự cố gắng không ngừng của bản thân, không bao giờ tự bằng lòng với những cái đã biết, những cái đã học được.
Nhà vật lý học thiên tài Albert Einstein luôn khẳng định ông chỉ là người tò mò (ham học hỏi) mà thôi. Câu nói nổi tiếng của ông là: I have no special talent. I am only passionately curious (Tôi không có tài năng đặc biệt nào. Tôi chỉ có sự tò mò mãnh liệt).
Người siêng năng học tập thường dùng cụm từ học hỏi, ở đây ta hiểu học là sự tiếp thu cái mới, hỏi là sự tò mò về cái mới. Trong học tập, không phải điều nào ta cũng hiểu ngay. Điều hiểu thì được tiêu hóa, còn điều chưa hiểu cũng cần nhanh chóng được tiêu hóa. Muốn nhanh thì hỏi, hỏi ngay để thỏa mãn sự ham hiểu biết thì chỉ chịu dốt mất vài phút. Còn nếu vì sĩ diện, vì xấu hổ mà không dám hỏi, có khi chịu dốt cả đời. Cũng may, ở thời đại hôm nay, nếu có điều chưa hiểu thì bật ngay ứng dụng Google, ta sẽ "vỡ lẽ" sau chừng dăm phút.
Tử Hạ, học trò của Khổng Tử, có một định nghĩa về Hiếu học, khá thú vị: "Ngày ngày học những điều chưa biết, tháng tháng ôn lại những điều đã biết, ấy là hiếu học",
Truyền thống hiếu học được hiểu là sự tiếp nối tinh thần ham học hỏi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong gia đình người Việt, thế hệ cha ông coi trọng sự giáo dục con cháu phải luôn chăm học, phải không ngừng nỗ lực học hỏi để "Con hơn cha, nhà có phúc".
Điều này trở thành một triết lý được nhà nhà tuân thủ, tạo nên sự siêng năng học hỏi từ đời này sang đời khác. Với tinh thần ấy, người lớn trong gia đình luôn gương mẫu học hỏi để con cháu noi theo. Những gia đình hiếu học ngày xưa đã tạo ra những dòng họ hiếu học và làm nên những truyền thống hiếu học của gia đình hoặc của dòng họ.
Kết quả của tinh thần hiếu học đã tạo nên những truyền thống tốt đẹp như truyền thống yêu nước, truyền thống khoa bảng, truyền thống nghề nghiệp, truyền thống kinh doanh...
Về truyền thống yêu nước, gia đình Nguyễn Phi Khanh là một điển hình. Nguyễn Phi Khanh hồi nhỏ có tên là Ứng Long. Vốn chăm chỉ học hành và thông minh hơn người, ông đã đỗ khoa thi Thái học sinh năm Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh 2 (1374) đời Trần Diệu Tông. Làm quan triều Hồ đến chức Đại lý tự khanh.
Sang đời Hồ, Nguyễn Phi Khanh tiếp tục giữ chức ở Viện Hàn Lâm cho đến khi bị quân Minh bắt về Trung Quốc.
Nguyễn Trãi là con trai Nguyễn Phi Khanh, hiệu là Ức Trai, thi đỗ Thái học sinh năm 1400, làm Ngự sử đại phu thời Hồ Quý Ly. Từ một Nho sinh, Nguyễn Trãi đã có nhiều đóng góp cho đất nước, trở thành một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa đất Việt.
Về truyền thống khoa bảng, phải kể đến gia đình Lê Hữu Danh. Ông thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh trị 8 (1670) đời Lê Huyền Tông. Làm quan đến chức Hiến sát sứ. Ông có 10 con trai đều thi đỗ tiến sĩ, trong đó, Lê Hữu Kiều làm đến chức Tể tướng. Cháu nội ông là Lê Hữu Trác, vị tổ của y học Việt Nam.
Danh hiệu "Gia đình hiếu học" trong phong trào khuyến học, khuyến tài do Hội Khuyến học Việt Nam phát động
Năm 2001, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết Đại hội, trong đó có đoạn nói về xây dựng hệ thống giáo dục mở - mô hình xã hội học tập. Cùng năm đó, Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã xây dựng Đề án "Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở".
Trước tình hình kinh tế - xã hội còn có nhiều khó khăn, việc tạo động lực cho người dân tham gia học tập thường xuyên khi gia đình họ còn đang thiếu ăn, thiếu mặc là vấn đề hoàn toàn không dễ dàng. Một số đại biểu trong Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã đề xuất một sáng kiến động viên người dân đi học là "Phát huy truyền thống hiếu học trong mỗi gia đình" với những lập luận sau đây:
Trước năm 1945 và sau Cách mạng tháng Tám, giữa lúc 'Giặc đói" còn đang hoành hành mà phong trào truyền bá quốc ngữ cũng như phong trào Bình dân học vụ vẫn vận động được hàng triệu người dân tới các lớp xóa mù chữ thì sang thế kỷ XXI, tuy đời sống còn có khó khăn nhưng đã có sự cải thiện rất cơ bản, không có lý gì mà không vận động được người dân học tập thường xuyên. Vấn đề là phải khơi dậy tinh thần hiếu học vốn có lâu đời làm động lực bằng phương pháp phù hợp.
Cần phải có chủ trương thống nhất và cơ chế hợp lý trong công tác khuyến học, khuyến tài thì sẽ có thể động viên nhân dân hưởng ứng cuộc vận động học tập suốt đời.
Gương sáng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ vô cùng quan trọng khi ta vận động mọi người dân noi gương học tập suốt đời của Bác Hồ vĩ đại.
Gia đình là tế bào của xã hội. Nếu ta vận động nhân dân xây dựng gia đình hiếu học thì giải thích rõ ràng, gia đình hiếu học là tế bào của xã hội học tập.
Gia đình hiếu học sẽ được xây dựng và phát triển theo ý tưởng xây dựng gia đình học hiệu[1] mà Chủ tịch đã đề ra khi Người chỉ đạo xây dựng Thanh Hóa là tỉnh kiểu mẫu (năm 1947).
Với lý lẽ trên đây, ngày 20/1/2001, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 3 (Khóa II) đã quyết định phát động thi đua xây dựng "Gia đình hiếu học" để tạo môi trường nuôi dưỡng người dân tham gia học tập suốt đời.
"Gia đình hiếu học" là danh hiệu của phong trào thi đua "Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở" do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trương. Phong trào này được triển khai từ năm 2001 đến hết năm 2013.
Mô hình "Gia đình học tập" theo Quyết định 281/QĐ-TTg (20/2/2014)
Ngày 09/1/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020". Tiếp đến, ngày 20/2/2014, Thủ tướng ký tiếp Quyết định 281/QĐ-TTg về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" và giao cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì Đề án 281. Đến đây, phong trào thi đua xây dựng mô hình gia đình hiếu học được chuyển sang xây dựng mô hình gia đình học tập.
Tại thời điểm này có mấy sự kiện sau đây đòi hỏi Việt Nam phải hội nhập vào trào lưu xây dựng các mô hình học tập trên phạm vi toàn cầu:
1. Tổ chức UNESCO phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo một Hội thảo quốc tế tại Hà Nội với tiêu đề "Diễn đàn Việt Nam: Học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập". Tại hội thảo này có 45 nhà nghiên cứu nước ngoài đến từ 17 quốc gia ASEM tham dự.
Tại hội thảo này, các hội nghị chuyên đề đã thảo luận sâu về những quan điểm toàn cầu đối với việc xây dựng xã hội học tập trên toàn thế giới, những xu hướng nổi bật về các mô hình học tập, các công nghệ học tập, các tổ chức học tập và những chính sách học tập đối với người lớn.
2. Tiếp sau Diễn đàn này là 3 hội thảo lớn cùng tên "Xã hội học tập - từ tầm nhìn đến hành động" được tổ chức với sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khuyến học Việt Nam và Tổ chức UNESCO Hà Nội. Hội thảo đã được tiến hành ở Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ) và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại các diễn đàn hội thảo, mô hình học tập tại gia đình, mô hình công dân học tập và mô hình thành phố học tập được coi là một nội dung trọng tâm. Đến đây, vấn đề xây dựng mô hình Gia đình học tập (Learning Family) và Tổ chức học tập (Learning Organization)[2] được đặt ra và thống nhất giữa các bên đồng tổ chức hội thảo.
3. Trong 3 ngày 21-23/10/2013, UNESCO đã phối hợp với Bộ Giáo dục Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh tổ chức Hội thảo Quốc tế về xây dựng thành phố học tập với chủ đề "Học tập suốt đời cho mọi người: Thúc đẩy sự hòa nhập, thịnh vượng và bền vững tại các thành phố.
Hơn 1000 khách mời của trên một trăm quốc gia đã tới dự. Hội thảo đã kết thúc bằng một tuyên bố, được gọi là "Tuyên bố Bắc Kinh về thành phố học tập". Trong tuyên bố này có một nội dung nói đến việc học tập tại gia đình.
Xin trích nguyên văn đoạn đó: "Làm tái sinh truyền thống học tập trong gia đình và trong cộng đồng. Học tập suốt đời không chỉ bó hẹp trong phạm vi các công sở hay các cơ sở giáo dục, mà còn hiện diện trong đời sống mọi mặt của một đô thị. Trong hầu hết các xã hội, gia đình là một nền tảng đặc biệt quan trọng cho việc học. Học trong gia đình và trong các cộng đồng địa phương góp phần xây dựng các nguồn vốn văn hóa và cải thiện chất lượng sống cho mọi người".
Việc chuyển từ mô hình gia đình hiếu học sang mô hình học tập là một xu thế mà Việt Nam chấp nhận. Quyết định 281/QĐ-TTg đã đưa ra Đề án xây dựng 4 mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập chính là hướng sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam hội nhập vào xu thế toàn cầu của việc xây dựng xã hội học tập của thế giới hiện đại.
Theo quan điểm chỉ đạo xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ về các tiêu chí đánh giá công nhận mô hình "Gia đình học tập" giai đoạn 2013-2020, cụ thể như sau:
Mô hình "Gia đình học tập" theo Quyết định 387/QĐ-TTg (3/6/2022)
Tháng 12/2020, Hội Khuyến học Việt Nam đã tiến hành tổng kết 8 năm thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg. Đến ngày 25/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 387/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập giai đoạn 2021 - 2030". Theo Quyết định này, mô hình "Gia đình học tập" sẽ được đánh giá theo bộ tiêu chí mới, với yêu cầu cao về chất lượng và hiệu quả học tập.
Những yêu cầu cao về chất lượng đối với gia đình học tập có mấy điểm mới sau đây:
- Gia đình học tập phải là một mô hình nuôi dưỡng, giáo dục các thành viên của mình trở thành công dân học tập;
- Công dân học tập phải có những năng lực cốt lõi cần cho cuộc sống trong thế kỷ XXI. Những năng lực cốt lõi đó do Nhà nước quy định.
- Công dân học tập trong giai đoạn 2021 - 2025 phải có những kỹ năng số (Digital Skills) nhất định và kỹ năng sử dụng ngoai ngữ để đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
- Bộ tiêu chí đánh giá công nhận danh hiệu "Gia đình học tập" được thiết kế phù hợp với bộ tiêu chí đánh giá "Thành phố học tập" do UNESCO điều hành. Trên thực tế, Bộ tiêu chí đánh giá công nhận mô hình gia đình học tập ở Việt Nam gồm 3 tiêu chí cốt lõi:
- Kết quả học tập của gia đình.
- Điều kiện học tập của gia đình;
- Tác dụng học tập đối với gia đình.
3 tiêu chí này gồm 9 chỉ số đánh giá. Việc xây dựng các chỉ số đánh giá phải bảo đảm có thể định lượng rõ ràng với từng yêu cầu đặt ra đối với gia đình học tập.
Mô hình "Gia đình học tập" theo Quyết định 387/QĐ-TTg có vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy việc học tập suốt đời của mỗi người dân. Gia đình học tập nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ học hành từ tấm bé. Mỗi em nhỏ sẽ lớn lên trong việc học hỏi để trở thành những công dân học tập, những công dân số và những công dân toàn cầu.
Đặc biệt trong giai đoạn phát triển xã hội hiện nay, gia đình học tập là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường giáo dục đầu đời của thế hệ Z và thế hệ Alpha - hai thế hệ mà mọi quốc gia đều kỳ vọng ở họ những năng lực trí tuệ và thể chất để mang lại cho nhân loại một đời sống an toàn trước những biến đổi bất thường của thế giới hiện đại, khắc phục được những nguy cơ về biến đổi khí hậu, về chiến tranh diệt chủng, về những hiểm họa của những đại dịch và về những suy thoái kinh tế.
Thế hệ ấy sẽ định nghĩa lại thế nào là văn hóa, giáo dục, hòa bình, biên giới, ngôi nhà toàn cầu và hạnh phúc con người...
Với hiểu biết về gia đình học tập như thế, chúng tôi cho rằng cuộc thi viết về chủ đề "Gia đình học tập" sẽ mang lại cho những cây bút có những cảm hứng tuyệt vời để mang tới bạn đọc những bài viết đặc sắc với những ý tưởng độc đáo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google