Hiện tượng háo danh, ngáo danh và vấn đề quản lý nhà nước về văn hóa!

Tuyết Trinh
21:01 - 27/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Háo danh hay ngáo danh đều là những từ chỉ một căn bệnh tưởng lạ nhưng lại đang ngày càng gia tăng. Vấn đề quan trọng là quản lý nhà nước về văn hóa ngày nay ra sao trước các hành vi gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường văn hóa?

Vinh danh theo kiểu háo danh

Vinh danh theo kiểu háo danh

Từ ngáo danh, háo danh đến .... cuồng danh và loạn! - Ảnh 1.

"Tiến sỹ danh dự từ Vương quốc Anh" tại một buổi nói chuyện. Ảnh: IT

Báo chí cách đây 2 năm đã từng đưa tin về một người đàn ông có tên Lê Hoàng Anh Tuấn đã gây bão dư luận bởi người này tự xưng là "Nhà báo quốc tế". Ông Tuấn cũng tự xưng là Tổng biên tập tạp chí...gọi là "Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế", cùng với đó là chức danh "không thể sang trọng hơn" là..."Tiến sỹ danh dự từ Vương quốc Anh"! Với các chứ danh tự xưng đó, ông ta đi nhiều nơi tham luận, phát biểu, giảng dạy và hưởng "niềm vinh quang" có thật!

Tờ tạp chí mà nhân vật này rao mình làm chủ là tạp chí "quốc tế" có lượng xuất bản hữu hạn, và chỉ dành cho những nhà nghiên cứu cao cấp tại các thư viện quốc gia ở các nước phát triển, dành cho các sinh viên tiên tiến ở trường đại học quốc tế hàng đầu... 

Nhiều người tò mò tìm hiểu, sau mới "té ngửa" ra rằng, làm gì có cái bằng nào là "Tiến sỹ danh dự từ Vương quốc Anh". Ngay cả Đại học Leeds (là nơi ông này khai từng học hành một cách danh giá) cũng đã kiểm tra mà kết quả là chẳng có học viên nào có tên Lê Hoàng Anh Tuấn được trường cấp bằng vào năm 2018.

Ngay cả với  tên tạp chí "hoành tráng" mà ông Tuấn rêu rao, theo thông tin chính thức từ Bộ Ngoại giao nước ta thì trong số các văn phòng thường trú của báo chí nước ngoài tại Việt Nam không có tên tạp chí và phóng viên quốc tế như tự xưng của nhân vật  "tiến sỹ" tự phong này. 

Ấy thế mà khối người có chức sắc hẳn hoi, trong đó có cả những nhà báo xịn có tên tuổi ở nước ta vẫn tin sái cổ. Và do có những chức sắc, nhà báo xịn bảo lãnh về uy tín "vị thế quốc tế" của ông Lê Hoàng Anh Tuấn nên trường này trường nọ, cơ quan này cơ quan nọ  mới trân trọng mời, đón rước ông ta về  như đón mời một nhân vật phi thường, là tấm gương sáng cho mọi người- và lấy đó làm vinh dự. 

Khi bị các cơ quan chức năng bóc mẽ, ông "nhà báo quốc tế" lặn mất tăm.  Nhưng dư luận ngạc nhiên là sau đó không hề thấy ai xử lý trách nhiệm những cơ quan, những cá nhân đã vô tình hoặc cố ý tạo điều kiện cho ông Tuấn đi lòe thiên hạ. 

Thế mới thấy, háo danh nó làm con người ta bất chấp danh dự. Và rồi, kỳ lạ thay, sau ông "nhà báo quốc tế" lại xuất hiện không ít những luật sư, nhà thơ, võ sư ..."quốc tế"  xuất hiện.

Gần đây CEO Công ty CP Đại Nam ở Bình Dương là bà Nguyễn Phương Hằng đã bị khởi tố, bắt giam về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Bà  Hằng tự cho mình là trong sạch, lên mạng chửi bới, xúc phạm, vu khống từ nhà báo, nghệ sĩ, những ai có ý kiến phản đối bà, đến việc xúc phạm, bôi nhọ cơ quan nhà nước. Cùng a dua, đồng phạm với bà Hằng là một số luật sư, kỹ sư công nghệ. Càng có nhiều người a dua, khen ngợi thì bà Hằng lại càng ngáo danh, lộng ngôn, mục hạ vô nhân.  Bà Hằng và nhóm đồng phạm đã làm ô nhiễm môi trường văn hóa, cố tình bôi bẩn tính nghiêm minh của luật pháp. Đến khi cơ quan chứ năng xử lý bà Hằng thì sự ngáo danh của một số người mới dừng lại. 

Mới nhất là vụ "nhà thơ quốc tế" diễn ra ở tỉnh Quảng Ninh. Gala chung kết Du lịch và Tài năng kỷ lục châu Á - Lễ hội doanh nghiệp thương hiệu vàng Đất Việt, Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam diễn ra tại Quảng Ninh thu hút sự chú ý đông đảo của dư luận.

Nhân vật của sự kiện này là người phụ nữ bí ẩn, đột nhiên "sáng chói" bởi các chức danh "quốc tế". Cái tên Tống Thu Ngân bỗng nhiên nổi như cồn trên báo chí và mạng xã hội đến nỗi các sở, ban ngành ở Quảng Ninh tá hỏa phải vào cuộc xác minh! Trên khắp các diễn đàn, kênh truyền thông, mạng xã hội, người ta tranh nhau bàn luận chuyện "nhà thơ quốc tế" cùng với hàng tá chức danh được vinh danh mang tầm quốc tế: Đại sứ quyền năng tâm tài đức Việt Nam 2022; Phó chủ tịch liên minh những người bảo vệ các nhà thơ thế giới; Chủ nhiệm nhiều CLB thơ trên thế giới và Việt Nam; Đại sứ trọn đời;  Chủ tịch hội đồng kỷ luật cấp cao Liên minh các nhà thơ thế giới (World Union of Poets). Rồi người ta cũng xôn xao về những nhân vật trong ban tổ chức cũng tự khoác hàng loạt các chức danh như chủ tịch, tổng giám đốc, võ sư, người đẹp... mà gắn kèm theo hai từ "quốc tế" sang trọng.

Có lẽ chính những người nghĩ ra "format" này cũng mắc bệnh háo danh quá đà. Nếu không háo danh, chắc họ không tự gắn những chức danh kêu như chuông cho nhân vật để trên phông bạt mà câu "like" câu "view" từ nhiều người. Thực tế là sự kiện được tổ chức sặc mùi thương mại.

Nhưng công bằng mà nói thì bà "nhà thơ quốc tế" chỉ là người háo danh đến mức ngáo danh, còn đơn vị tổ chức  thì lợi dụng sự ngáo danh đó đề kiếm lời.  Điều đáng nói hơn là  trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để cho những trường hợp "háo danh" tới mức loạn xà ngầu thế này được tùy tiện thể hiện trên sân khấu với cái phông văn hóa nhưng lại phi văn hóa!

Mặc dù chưa được cấp phép, nhưng sự kiện "nhà thơ quốc tế" vẫn diễn ra ở Quảng Ninh, nhà tổ chức còn làm rình rang trên khắp các diễn đàn. Để rồi, khi dư luận ồn ả đến rát mặt thì Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh mới cho kiểm tra, thanh tra. Vậy, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của Sở Văn hóa Thể thao và các đơn vị chức năng  ở đâu khi một sự kiện khoa trương ầm ĩ  như thế mà không có kiểm soát, kiểm duyệt nội dung kỹ càng? Rõ ràng, ở đây đã có sự lỏng lẻo "không hề nhỏ" trong việc quản lý, xét duyệt theo đúng quy trình, quy định của Nhà nước. 

Hiện nay, nhân sự trong bộ máy quản lý lĩnh vực văn hóa có nhiều người thiếu kỹ năng, thiếu trình độ, thiếu trách nhiệm, đã cố tình hoặc vô ý đã bỏ qua nhưng vấn đề cốt yếu của sự kiện phải xét duyệt, cấp phép.  Đến khi dư luận  phản đối thì họ mới ra văn bản kiểm tra ... Đó là chưa nói đến việc kiểm tra xét duyệt sự kiện văn hóa có hay không bị chi phối bởi các nhà tài trợ, các đại gia lắm tiền nhiều của! 

Phải qua nhiều thủ tục với ban bệ cồng kềnh mới xác minh, kiểm tra, kết luận, báo cáo...Như vậy phải mất cả tháng trời mới có thể làm rõ được vấn đề. Điều quan trọng là niềm tin của người dân đối với mục tiêu lành mạnh xã hội bị giảm sút, kèm theo đó là sự ngán ngẩm khi chứng kiến những việc làm xa rời văn hóa, thậm chí phi văn hóa, vẫn tiếp tục diễn ra mỗi ngày ở các địa chỉ văn hóa. Những sự kiện xuống cấp về văn hóa vẫn có cơ hội  lúc len lỏi, lúc ồn ào mỗi ngày làm ô nhiễm môi trường sống. Cứ như thế  thì công dân buộc phải sống trong một mớ những thông tin hỗn loạn, những giá trị xã hội bị đảo lộn.  

Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập,  bên cạnh những yếu tố tích cực được lan tỏa thì đồng thời các cơ hội cho cái phi văn hóa cũng du nhập. Các sự kiện, diễn đàn, gala, đêm tôn vinh, thi sắc đẹp.... ồ ạt mở ra khiến nhiều lúc khán giả cũng phải "bội thực". Chưa xét tới nội dung bị chồng chéo, cũ kỹ, lặp lại, việc lạm dụng các chức danh vẽ thêm để "lòe" thiên hạ mà không qua kiểm duyệt kỹ càng làm ô nhiễm môi trường văn hóa. 

Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” có sự tham dự của hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và văn nghệ sĩ.... Hội thảo xác định nguồn lực con người là quan trọng nhất. 

 Một hệ giá trị chuẩn mực được đo, đếm kỹ càng, được vận dụng  bằng trái tim và khối óc của con người Việt Nam tài năng,  tràn đầy nhiệt huyết  và nhân văn sẽ mang lại giá trị thực sự cho cuộc sống. 

Và đương nhiên, đòi hỏi những người làm công tác văn hóa, công tác quản lý nhà nước về văn hóa phải nâng cao trách nhiệm, trình độ, luôn chăm bón nền tảng  văn hóa của mình. Bên cạnh đó Nhà nước phải luôn bổ sung, hoàn thiện các thiết chế văn hóa để hạn chế thấp nhất những hành vi phi văn hóa. Có như thế mới bảo toàn được sự trong lành của môi trường văn hóa.    

Về hệ giá trị con người Việt Nam, cần xây dựng 8 giá trị chủ yếu: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.

Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.