Hàng loạt cơn bão mặt trời sẽ "tấn công" Trái đất
Trái đất sẽ tiếp tục hứng chịu các cơn bão mặt trời khi ngày càng có nhiều vết đen xuất hiện trên bề mặt mặt trời.
Hai cơn bão mặt trời liên tiếp xảy ra
Theo các nhà khoa học, mặt trời hiện đang trong chu kì hoạt động mạnh và xuất hiện nhiều vết đen trên bề mặt.
Vết đen là những khu vực trên bề mặt mặt trời có từ trường mạnh tạo bởi dòng hạt tích điện vặn xoắn thành hình nút thắt trước khi đứt gãy. Kết quả là sự giải phóng năng lượng từ trường đột ngột sẽ gây ra các vụ nổ bức xạ được gọi là bão mặt trời, bão địa từ hay vụ phun trào nhật hoa (CME). Bão mặt trời có thể giải phóng lượng năng lượng cực lớn vào không gian và làm thay đổi các hành tinh.
Khi CME xảy ra, từ trường của Trái đất bị nén nhẹ bởi các sóng của các hạt mang điện tích cao, tác động tới đường sức từ và kích thích phân tử trong không khí, giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng và tạo ra các cực quang nhiều màu sắc. Các hạt tích điện từ mặt trời cũng có thể làm nhiễu từ trường, gây ra các vấn đề với lưới điện, vệ tinh và hệ thống GPS.
Mức độ nghiêm trọng của các cơn bão mặt trời được xếp hạng từ cấp G1 đến G5. Bão G1 là bão có quy mô yếu nhất và xảy ra thường xuyên, nhiều lần trong tháng. Bão G5 là cơn bão nghiêm trọng nhất và hiếm khi xảy ra.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cơn bão địa từ cấp G2 mới nhất đã được ghi nhận vào ngày 7/8/2022, theo sau đó là cơn bão G1 vào ngày 8/8/2022. Cơn bão G2 đến bất ngờ với một luồng gió mặt trời vận tốc lên tới 600 km/giây.
Theo NOAA, cơn bão G2 gây ảnh hưởng đến các hệ thống điện ở vĩ độ cao và làm thay đổi quỹ đạo của tàu vũ trụ. Ngoài ra, cơn bão cũng tạo ra cực quang ở New York và Idaho (Mỹ).
Trong khi đó, dù có cường độ yếu và ít tác động đến mạng lưới vệ tinh trên quỹ đạo, nhưng cơn bão G1 theo sau cũng làm suy yếu lưới điện tại một số khu vực, đồng thời gây nhầm lẫn cho các loài động vật di cư sử dụng từ trường như công cụ điều hướng.
Theo các nhà khoa học, cơn bão mặt trời lớn nhất - cấp độ G5 từng được ghi nhận trong lịch sử là sự kiện Carrington vào tháng 8/1859, mang năng lượng gần tương đương với 10 tỉ quả bom nguyên tử 1 megaton. Sau khi ập xuống Trái đất, cơn bão đã đốt cháy các hệ thống điện tín xuyên suốt châu Âu và Mỹ, gây hỏa hoạn tại một số tòa nhà và phóng ra cực quang đến tận phía Nam Cuba.
Trong khi đó, xã hội hiện đại ngày càng phụ thuộc hơn vào các thiết bị điện tử vốn dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các CME dạng này. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học quốc gia Mỹ, kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại hơn 2.000 tỉ USD nếu một cơn bão như sự kiện Carrington tấn công Trái đất vào thời điểm hiện nay, và gây ra khủng hoảng toàn cầu vì lưới điện sập hàng loạt.
Mặt trời đang hoạt động mạnh hơn dự báo
Chù kỳ mặt trời là thuật ngữ chỉ sự thay đổi định kỳ về số lượng các vết đen trên bề mặt mặt trời. Trong đó, khoảng thời gian ngôi sao tĩnh lặng nhất, tức có ít vết đen nhất, được gọi là giai đoạn cực tiểu và ngược lại, giai đoạn cực đại chỉ thời kỳ mặt trời hoạt động mạnh nhất, tức có nhiều vết đen nhất.
Mỗi chu kỳ mặt trời có thời gian trung bình khoảng 11 năm, kéo dài từ giai đoạn cực tiểu này đến giai đoạn cực tiểu tiếp theo. Các nhà nghiên cứu của Ban dự đoán chu kỳ mặt trời (SCPP) của NASA cho biết ngôi sao của chúng ta đã chính thức bước vào chu kỳ mặt trời 25 từ tháng 12/2019. Chu kỳ lần này được dự đoán kéo dài 11 năm và đạt cực đại vào tháng 7/2025.
Tuy nhiên, NASA cho biết chu kỳ mặt trời 25 hiện đang hoạt động mạnh vượt xa dự báo, mặc dù vẫn còn cách giai đoạn cực đại dự kiến vài năm. Các nhà nghiên cứu của SCPP cho biết giai đoạn cực đại này sẽ mang lại những thách thức mà nhân loại chưa từng đối mặt.
Nicola Fox, Giám đốc Bộ phận Vật lý Trực thăng của NASA, cho biết: "Ban dự đoán chu kỳ mặt trời 25, một nhóm chuyên gia quốc tế do NASA và NOAA đồng tài trợ, đã dự đoán rằng đây sẽ là một chu kỳ mặt trời dưới mức trung bình như chu kỳ 24. Tuy nhiên, nó đang hoạt động mạnh hơn nhiều so với dự đoán".
Các chuyên gia cho biết hoạt động của mặt trời trong chu kỳ này đang phù hợp với nghiên cứu của Scott McIntosh từ Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia, từng được công bố trên tạp chí Solar Physics. Trong nghiên cứu này, Scott McIntosh cho biết chu kỳ mặt trời 25 có thể là một trong những chu kỳ mạnh nhất kể từ khi các kỷ lục bắt đầu.
Theo các chuyên gia ở Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (NAS) thì vũ trụ bao la còn Trái đất của chúng ta lại quá nhỏ bé nên mối nguy hiểm rất tiềm ẩn, một sự cố va đập cũng như ảnh hưởng từ bên ngoài là điều khó tránh, chưa kể tác động do chính con người gây ra đó là sức tàn phá của vũ khí nguyên tử, hay còn gọi là hiệu ứng xung điện từ (EMP), không khác gì bão mặt trời. Hiện nay, các nhà khoa học chỉ dự báo được chính xác bão mặt trời sắp xảy ra trong vòng 24 - 48 giờ.
Bão mặt trời ảnh hưởng tới sức khỏe con người như thế nào?
Khi bão mặt trời xảy ra, tia plasma sẽ gây nhiễu từ trường Trái đất. Điều này sẽ có tác động "gần như ngay lập tức" đến hệ thần kinh, tuần hoàn và hô hấp của chúng ta. Điều này gây ra những triệu chứng như lo âu căng thẳng, cáu gắt, rối loạn nhịp tim, khó thở, buồn nôn, đau đầu, kiệt sức.
Đây là kết luận của một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Boston (Mỹ) và Đại học Thụy Điển trên một lượng lớn dân số 2 quốc gia này.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra ảnh hưởng của bão mặt trời khiến những người bị tăng huyết áp, mắc bệnh tim mạch dễ bị biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Nguy cơ ung thư cũng có thể gia tăng do nồng độ tia cực tím tăng cao.
Các nhà khoa học khuyến cáo, để hạn chế rủi ro do bão mặt trời gây ra, nên vận động thường xuyên, ăn uống cân bằng, lành mạnh; chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc men…, hạn chế ra ngoài trời khi bão đang diễn ra và nếu có thể thì không di chuyển bằng máy bay. Tắt thiết bị điện ngay sau khi sử dụng, tắt định vị vệ tinh, sạc sẵn tất cả điện thoại, máy tính là một cách để bảo vệ đồ dùng khi có những hoạt động đặc biệt mạnh của mặt trời.
Những người mắc bệnh tim mạch nên dự phòng thuốc và thực hiện tốt các khuyến cáo của bác sĩ để hạn chế những nguy cơ về sức khỏe khi bão mặt trời diễn ra.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google