Tham vọng dọn sạch rác vũ trụ trên quỹ đạo Trái đất

Tường Linh
15:53 - 27/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đầu tháng 6, Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) phải tiến hành các biện pháp né tránh để thoát khỏi việc bị rác vũ trụ đâm vào. Tháng 12 năm ngoái, ISS cũng từng né tránh một mảnh rác vũ trụ hình thành sau một vụ phóng tàu của Mỹ.

Tham vọng dọng sạch rác vũ trụ trên quỹ đạo Trái đất - Ảnh 1.

Hình mô tả rác vũ trụ bao vây Trái đất. Ảnh: Shutterstock

Tham vọng dọng sạch rác vũ trụ trên quỹ đạo Trái đất - Ảnh 2.

Hình ảnh mô phỏng về vệ tinh dọn rác Shijian 21 của Trung Quốc trong quỹ đạo. Nguồn: AsiaTimes

Hiện có hàng ngàn tấn rác vũ trụ trôi nổi trên quỹ đạo Trái đất, gồm các vệ tinh đã chết, các phần động cơ tên lửa đẩy bị vứt lại trong quá trình bay và nhiều linh kiện, phần cứng khác. Từ lâu chúng đã bị xem là chứa khả năng đe dọa tới các vệ tinh đang hoạt động hoặc các hệ thống quan trọng trong vũ trụ như ISS. Vì thế, vài quốc gia và cơ quan hàng không vũ trụ đã lên kế hoạch dọn rác trên quỹ đạo Trái đất.

Mới đây nhất, Anh đã thông báo sẽ chi nhiều triệu bảng cho một nhiệm vụ dọn rác không gian. Dự án đề ra mục tiêu rất cụ thể là kéo 2 vệ tinh đã không còn hoạt động trở lại bầu khí quyển của Trái đất.

Khi đưa ra thông tin trên, Bộ trưởng Khoa học Anh George Freeman cũng nhấn mạnh cam kết của nước này trong việc giữ sạch quỹ đạo Trái đất. Cam kết nằm trong Kế hoạch Không gian Bền vững của Anh. Bản kế hoạch bao gồm việc phát triển một quy tắc hành động trên không gian mạng để đảm bảo cho các vệ tinh có thể hoạt động an toàn, giảm chi phí bảo hiểm cho các nhiệm vụ không gian.

Thông báo của Bộ trưởng Khoa học Anh theo sau một thông báo khác được Cơ quan hàng không vũ trụ Châu Âu đưa ra hồi đầu tháng, nói rằng đang hợp tác với Anh để sản xuất con tàu vũ trụ đầu tiên có khả năng "bắt" các vệ tinh ngưng hoạt động trên quỹ đạo Trái đất và đưa chúng trở lại bầu khí quyển. Hai công ty Astroscale và OneWebb của Anh sẽ hợp tác cùng ESA để dọn rác vũ trụ.

Tuy nhiên, kế hoạch mới được Bộ trưởng Freeman thông báo sẽ khác một chút so với hoạt động hợp tác cùng ESA. Người Anh muốn "bắt nhiều vệ tinh" trong một lần phóng tàu và đây là khả năng chưa từng được nơi nào trình diễn.

Trong khuôn khổ sứ mạng Dọn rác vũ trụ được Anh công bố vào năm ngoái, một tàu dọn rác của nước này sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2026. Sau khi tới nơi, nó sẽ di chuyển tới vị trí của hai vệ tinh Anh đã ngừng hoạt động và kéo chúng trở lại bầu khí quyển. 

Quá trình rơi trở lại, các vệ tinh này sẽ ma sát với không khí và bốc cháy mà không gây nguy hại gì.

Sau khi dọn rác xong, tàu vũ trụ của Anh sẽ nằm lại trên quỹ đạo Trái đất. Nếu có thể được tiếp nhiên liệu trong không gian, nó sẽ mang tới khả năng dọn rất nhiều rác vũ trụ chỉ với một con tàu.

Các công ty đang cạnh tranh nhằm tìm cách trúng gói thầu cho chương trình dọn rác vũ trụ của Anh gồm có Clearspace, Astroscale và Surrey Satellite. Chỉ một công ty trong số này mới được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ vào cuối năm 2030, với bản hợp đồng có thể lên tới 60 triệu bảng.

Tuy nhiên nếu nói về khả năng bắt vệ tinh và dọn rác cỡ lớn, thế giới có thể đã bị người Trung Quốc vượt mặt. Vào cuối tháng 1 năm nay, Trung Quốc từng trình diễn khả năng dọn và tiêu hủy rác vũ trụ gây kinh ngạc.

Cụ thể vào ngày 22/1, vệ tinh Shijian 21 của Trunng Quốc bất ngờ thay đổi vị trí và tiếp cận với vệ tinh Beidou G2 đã ngừng hoạt động từ lâu trên quỹ đạo địa tĩnh. Sau khi "bắt" được Beidou, Shijian 2 đã thay đổi đường bay và đẩy vệ tinh ngưng hoạt động xuống quỹ đạo "nghĩa địa" cách đó 300km. Quỹ đạo nghĩa địa là khu vực có ít nguy cơ xảy ra va chạm giữa rác vũ trụ và các phương tiện bay vào vũ trụ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Shijian đã quay trở lại quỹ đạo địa tĩnh.

Với việc ngày càng nhiều công ty tư nhân đang tham gia vào hoạt động chinh phục không gian, cạnh tranh vị thế độc tôn trong lĩnh vực này của nhiều cường quốc, chắc chắn rác vũ trụ sẽ chỉ nhiều hơn trong tương lai gần. 

Trong bối cảnh ấy, dọn rác vũ trụ có thể là một hướng đi khôn ngoan, một dịch vụ mà nhiều bên sẽ phải cần tới.