Rác che cả mặt trời thì sống thế nào?

Trương Thuý Hằng
07:53 - 31/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một phụ nữ lập nên cả một "ngày hội nhặt rác" khiến chính quyền địa phương phải lên tiếng báo động về việc biển bị ô nhiễm rác thải. Chị nói: Ở đây rác che cả ánh mặt trời, tôi chẳng còn lựa chọn nào!

Tuần lễ cuối tháng 7 này cũng là đợt cao điểm mùa hè, sau rất nhiều "ngày hội nhặt rác" được chị Thiên Bình tổ chức tại bãi biển Lọ Lem, thôn Bình Lập, xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa. 

Chị đã làm nên một mùa hè đặc biệt cho thanh, thiếu niên, người dân địa phương và cả con trai mình.

Rác che cả mặt trời thì sống thế nào? - Ảnh 1.

"Người đàn bà nhặt rác" trên biển Cam Ranh. Ảnh NVCC

Thiên Bình là một cô gái Hà Nội. Vài năm trước, cuộc sống xung quanh nhàm chán, công việc đình trệ vì COVID-19 mấy năm trời khiến chị thôi thúc mình tìm một cách sống mới. Chị cùng con trai đến Phú Quốc. Sau đó, chị lại tìm thấy một bãi biển bên vịnh Cam Ranh có thể cải tạo lại, bỏ công sức xây dựng để có thể định cư. 

Ở đây, chị vừa làm việc kiểu du mục kỹ thuật số, vừa có thể thoả sức thực hành lối sống tự do, yêu chuộng thiên nhiên của mình. 

Đó là bãi biển Lọ Lem, thôn Bình Lập, xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, Khánh Hoà. Thế nhưng, khi đến đây "đập vào mặt" lại không phải là cảnh biển xanh, cát trắng, nắng vàng vốn đặc trưng của Nam Trung Bộ mà là một dải bờ biển ngập ngụa trong rác. 

Và câu chuyện người đàn bà nhặt rác bắt đầu từ đó. 

Rác che cả ánh mặt trời

Tôi chọn ở lại đây - Thiên Bình nói. Mỗi buổi sáng chị chạy bộ dọc bờ biển. Chị đi vào xóm ngõ, tìm hiểu lối sống của người dân địa phương. Làng chài này chưa từng có một bãi rác cố định. Người dân cũng không có thói quen gom rác. Xã Cam Lập có hơn 300 hộ dân, gần 700 nhân khẩu với tổng diện tích hơn 21km vuông nhưng không có điểm tập kết và xử lý rác thải. 

Thành phố Cam Ranh là nơi nuôi tôm hùm trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa. Biển Cam Ranh có khoảng hơn 45 ngàn lồng nuôi tôm hùm. Rác thải khu vực này phần nhiều do hoạt động nuôi tôm thải ra. 

Thành phố Cam Ranh đã từng chỉ đạo các xã, phường ven biển tăng cường vận động người dân, hộ nuôi trồng thủy sản thu gom rác đưa về các điểm tập kết, không để tồn đọng, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. 

Tuy nhiên, việc vận động này không hiệu quả. Trên bãi biển vương vãi rất nhiều bao bì, túi ni lông, thùng xốp, hộp đựng thức ăn, lồng nuôi cũ, lưới màu xanh nuôi tôm… 

Mỗi mùa gió bấc, bãi biển Cam Lập, Bình Hưng, Bình Ba và suốt chiều dài biển Cam ranh đều bị hứng trọn rác thải đại dương. Mùa gió Nam, số rác này lại cuốn ra biển và mùa sau lại tái hồi. Có một nghịch lý là nghề nuôi tôm hùm càng phát triển, dân nuôi càng nhiều thì rác thải càng ngồn ngộn. Người dân giàu lên nhưng môi trường yếu đi, sức khỏe của đại dương bị đe dọa. 

Tất cả rác từ quá trình nuôi tôm như lưới, lồng bè, túi ni long, chai lọ, thức ăn cho tôm… ở đây được xử lý theo 2 cách. Một là thuê người gom rác, tẩm xăng và đốt ngay trên bãi biển. Hai là cứ để rác trôi lập lờ trên nước hoặc dạt vào những bãi cát, khe đá và nằm im ở đó.

Biển Cam Ranh vốn trong xanh và lành lặn ngày càng loang lở, đặc quánh rác thải. Đâu còn nồng nàn và tươi đẹp như trong suy nghĩ của khách du lịch?

Thiên Bình nghĩ, nếu chỉ xót xa cho biển Cam Ranh là chưa đủ, phải hành động. 

Bắt tay vào hành động

Thiên Bình lập nhóm"Touch Blue" - chạm tay vào màu xanh. Ban đầu nhóm chỉ có những người thân cận. Chị chụp ảnh, quay phim ngắn hình ảnh rác thải bãi biển gửi cho mọi người, cho chính quyền địa phương. Chị lan tỏa trên mạng xã hội, kêu gọi tất cả mọi người dân ở làng chài Cam Lập và cả khách du lịch cùng chung tay nhặt rác.

Tạp chí Công dân và Khuyến học đã từng nhận được phản ánh của chị Thiên Bình về bãi biển ngập rác ở Cam Lập. Trong các bức ảnh chụp biển, rác thải ở đây nghiêm trọng tới mức che khuất cả ánh hoàng hôn và bình minh trong các khuôn hình. 

Ngày nào chị cũng đi nhặt rác làm sạch bãi biển. Sức người có hạn, thu nhặt mãi không xuể. Mỗi cuối tuần chị huy động thêm thanh niên địa phương. Nhóm "Touch Blue" mở rộng tới gần 500 người tham gia. Đến tháng 7/2022, chị kêu gọi và bàn với Đoàn Thanh niên địa phương, tổ chức ngày hội nhặt rác vào mỗi cuối tuần. 

Rác che cả mặt trời thì sống thế nào? - Ảnh 3.

Thanh niên địa phương cùng chị Thiên Bình thực hiện ngày chủ nhật xanh. Ảnh NVCC

Khi con trai nghỉ hè, chị cho con tham gia làm sạch bãi biển. Sau một thời gian ngắn, em bé ngỏ ý muốn ở lại Cam Lập cả mùa hè, thích thú với việc làm sạch bãi biển và có thể tắm biển, chơi đùa sau khi bãi đã sạch. 

"Thay vì cho trẻ đi trại hè, tôi và các anh chị khác trong nhóm mình để các con tham gia dọn rác trên biển. Đây là một mùa hè đáng nhớ, tôi rất hạnh phúc khi thấy con trai quan tâm tới môi trường" – chị Thiên Bình chia sẻ. 

Rác che cả mặt trời thì sống thế nào? - Ảnh 4.

Rác ngập ngụa trên bãi biển vãn dần vì nhiều người đã chung tay cùng Thiên Bình. Ảnh NVCC

Hoạt động của nhóm "Touch Blue" của Thiên Bình đã dần dần tạo ra được nếp sống văn minh nơi chị sống. Khi nhìn thấy bãi biển được dọn dẹp, không ai muốn xả rác bừa bãi như trước đây. Chị nói, tôi chỉ muốn chính quyền xã Cam Lập sớm quy định việc đổ rác, xây dựng bãi rác để dân không còn đốt rác gây ô nhiễm môi trường. 

Tiến tới dẹp bỏ dần việc đốt rác khói đen kịt trên bãi biển, Thiên Bình mua máy ép nhựa nilon trị giá 86 triệu đồng để ép rác. Chị nói, nếu vì không có bãi rác mà đốt rác trên biển là phản khoa học, gây ô nhiễm gấp đôi.

Rác che cả mặt trời thì sống thế nào? - Ảnh 5.

Thu nhặt rác trên bãi biển

Thiên Bình lên kế hoạch liên kết với những hộ kinh doanh du lịch, chính quyền địa phương để mở rộng hoạt động thu gom rác, mỗi hộ dân và hộ kinh doanh phụ trách nơi mình ở, không xả rác bừa bãi. Người dân và các doanh nghiệp du lịch tại địa phương ủng hộ, bởi họ cũng rất mong biển được sạch, môi trường sống được trong lành và cũng muốn có kế hoạch lâu dài để cùng nhau làm sạch bãi biển. 

Bản thân chị mong muốn được ở lại Cam Lập, kinh doanh du lịch và làm việc online. Chỉ có điều chị đã chọn con đường đi không suôn sẻ. 

Thiên Bình tự tay làm những chiếc thùng gom rác tái chế từ rác thải. Ảnh NVCC

Bù lại, chị cảm thấy cuộc sống có ích. Hằng ngày chị dậy sớm, chạy bộ đón bình minh trên bãi biển và tắm biển. "Ở đây tôi thấy bình an, có ích. Biển mỗi ngày lại sạch hơn dưới bàn tay mình. Tôi chọn cách sống tối giản nên cũng không câu nệ, cầu kì. Quan trọng là tinh thần được sảng khoái, suy nghĩ lành mạnh và lối sống giản đơn. 

Sau hơn một tháng cao điểm mùa hè, những bãi biển ngập rác dần được làm sạch. Niềm vui hiện lên trong mắt người phụ nữ yêu biển đến say mê. Chị lại gom những tấm gỗ cũ, vỏ thùng nhựa cũ rồi kẻ vẽ biển cảnh báo không xả rác, để rác một chỗ, kêu gọi mọi người thu gom rác. 

Rác che cả mặt trời thì sống thế nào? - Ảnh 7.

Biển đã xanh hơn

Chạm vào màu xanh

"Việc chưa xong và thu gom rác chưa bao giờ hết việc" – chị Thiên Bình nói - "Mỗi đợt gió bấc, tôi lại hình dung và ám ảnh với lượng rác lùa vào bờ. Tôi nghĩ phải tăng cường truyền thông. Tôi làm cả video, tự đọc lời kêu gọi và chúng tôi tự chụp cho nhau những bộ ảnh để nói rằng ở đây chúng tôi đang bị bủa vây bởi rác thải. Biển đang chết và hãy cứu lấy màu xanh".

Sau mỗi câu chuyện chủ đề rác và thu gom xử lý rác, Thiên Bình đều bày tỏ ước ao biển trong tương lai sẽ sạch đẹp và trong lành. Chị nói, tôi có thể ở đây hoặc không, nhưng tôi mong muốn kí ức của mình luôn là màu xanh, đừng ngập trong rác. Nhìn thấy rác thải nhựa, tôi nhức nhối và hành động, đó là việc bình thường phải làm thôi. 

Màu xanh không chỉ ở biển mà ở trong tâm hồn người phụ nữ này. 

Bình luận của bạn

Bình luận