Only One Earth - Chỉ có một Trái đất

Trần Thế Vinh
18:17 - 04/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cách đây tròn 50 năm, ngày 5/6/1972, Hội nghị đầu tiên về môi trường do Liên hợp quốc tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển đã đưa ra thông điệp: "Chỉ một Trái đất" (Only One Earth).

Only One Earth - Chỉ có một Trái đất- Ảnh 1.

Trái đất. Ảnh: NASA

Giáo sư thiên văn học Carl Sagan, nhà bác học lỗi lạc của thế kỷ 20 từng viết rằng, nếu dùng kính viễn vọng để quan sát, sẽ nhận thấy rằng, khắp vũ trụ vô tận này không nơi nào có mầu xanh như hành tinh của chúng ta. Giống loài của chúng ta đã may mắn như thế đấy!

Trái đất là ngôi nhà duy nhất của chúng ta, là cái nôi của sự sống. Con người đã cải tạo Trái đất nhưng cũng chính con người lại khai thác thiên nhiên quá mức, thậm chí khai thác đến kiệt quệ, gây nên vô số hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sống của chính mình. Hàng loạt các khu rừng nguyên sinh lần lượt ngã xuống, các vùng đất ngập nước, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng dần dần biến mất hoặc bị thu hẹp lại. Con người còn làm gia tăng tốc độ tuyệt chủng của các loài gấp 1.000 lần so với tỷ lệ tự nhiên. Hiện một triệu trong tổng số 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng; mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm nghiêm trọng…

Giáo sư Gerardo Ceballos González (Mexico) nhận xét: "Trong 100 năm qua, hơn 400 loài động vật có xương sống đã biến mất do con người, trong khi bình thường thì quá trình này phải mất 10.000 năm".

Trong lịch sử, Trái đất từng trải qua 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, tiêu diệt khoảng 70-95% chủng loài thực vật, động vật và vi sinh vật từng tồn tại. Đợt tuyệt chủng gần nhất xảy ra cách đây 66 triệu năm, là lúc khủng long biến mất.

Năm lần đại tuyệt chủng trước đều do các thảm hoạ tự nhiên, như núi lửa phun, thiên thạch đâm vào Trái đất, riêng lần thứ 6 đang diễn ra thủ phạm lại là con người.

"Đó hoàn toàn là lỗi của chúng ta", giáo sư Gerardo nhấn mạnh.

Sự sống trên Trái đất có thể tự hồi phục sau mỗi giai đoạn đại tuyệt chủng, nhưng phải mất nhiều triệu năm. Con người may mắn tiến hoá trong một giai đoạn sinh học rất đa dạng, nhưng lại huỷ diệt chính thế giới mẹ đẻ của mình.

Chúng ta đang ở trong đại tuyệt chủng lần thứ 6, và chính chúng ta là thủ phạm.

Thủ lĩnh người da đỏ Xiaton từng gửi lời mộc mạc đến tổng thống thứ 14 của Mỹ Franklin Pierce: "Đất là mẹ. Điều gì xảy ra với đất tức xảy ra với những đứa con của đất. Con người chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sợi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho cái tổ sống đó tức là làm cho chính mình...

Chỉ sau khi cái cây cuối cùng bị đốn xuống, chỉ sau khi dòng sông cuối cùng bị nhiễm độc, chỉ sau khi con cá cuối cùng bị đánh bắt, thì chúng ta mới biết được rằng chúng ta không thể ăn được tiền!".

Mỗi năm, con người còn thải ra một khối lượng rác thải nhựa đủ để trải quanh Trái đất bốn lần, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho mọi loài sinh vật biển. Ước tính, có khoảng 1,5 triệu động vật trên biển chết vì ngộ độc do ăn phải rác nhựa mỗi năm. Với tốc độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương, nơi mà nó sẽ còn tồn tại trong nhiều thế kỷ. Từ năm 2015, nhiệt độ toàn cầu đã ấm lên trung bình 1 độ C, làm gia tăng tần suất các đợt nắng nóng, gây hạn hán cũng như các cơn bão nhiệt đới, nước biển dâng... Các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu đã khiến hàng chục triệu người phải di dời nơi ở và gây thiệt hại tài sản lên tới hàng trăm tỷ USD.

Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, cùng với các cuộc khủng hoảng toàn cầu về biến đổi khí hậu, thiên tai và ô nhiễm môi trường là hồi chuông gấp gáp cảnh tỉnh con người phải có những biện pháp khẩn cấp và hiệu quả.

Việt Nam đã hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động từ năm 1982. Là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái các nguồn gen quý hiếm cùng với những thách thức to lớn khác. Trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhưng có lẽ là chưa đủ.

Nhà du hành Mỹ Scott Kelly từng nhiều lần thực hiện các sứ mệnh khắc nghiệt tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Sau những khoảng thời gian dài trải nghiệm ngoài không gian, trở về Trái đất, trong cuốn hồi ký "Hành trình không gian", ông đã viết nên những điều chất phác:

"Tôi đã học được rằng mùi cỏ thật tuyệt, gió thì đáng ngạc nhiên còn mưa thì là một phép màu. Tôi sẽ cố gắng ghi nhớ chúng kỳ diệu đến thế nào trong suốt phần đời còn lại.

Tôi đã học được rằng việc theo dõi tin tức từ không gian có thể khiến Trái đất trở nên giống một vũng xoáy của hỗn loạn và xung đột, và thật đau đớn khi chứng kiến sự tàn phá môi trường của con người.

Tôi cũng học được rằng hành tinh của chúng ta là thứ đẹp đẽ nhất tôi từng thấy và chúng ta thật may mắn khi có nó...".

Không chỉ chúng ta mà con cháu mai này của chúng ta cũng chỉ có một Trái đất. Để mà sống, chăm sóc, vun bồi, bảo vệ và để mà thương!