Hai nguyên nhân giúp Việt Nam đạt kỷ lục xuất nhập khẩu 620 tỷ USD

N.Cường
12:30 - 24/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến ngày 21/10/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 620 tỷ USD, xuất siêu gần 8 tỷ USD. Đây được xem là một kỷ lục trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua.

Để đạt được những kết quả tốt trong phục hồi kinh tế, khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có hai nguyên nhân cơ bản:

Thứ nhất, Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19

Trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV nêu rõ: Việt Nam đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; nhờ đó đã kiểm soát tốt dịch trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong thấp so với trung bình chung của thế giới. Đồng thời, chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh khác, không để "dịch chồng dịch" và bảo đảm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Tính đến ngày 16/10/2022, cả nước đã tiêm được trên 260,6 triệu liều. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn trung bình của thế giới (1,1%).

Số liệu cập nhật từ Bộ Y tế, kể từ đầu dịch COVID-19 đến nay Việt Nam có 11.496.987 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.717 ca nhiễm).

Tính đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.600.965 ca; trong số hơn 852 nghìn trường hợp mắc COVID-19 đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 31 ca (con số này tiếp tục giảm so với những ngày trước đó và cũng là số trường hợp nặng thấp nhất từ đầu tháng 10/2022 đến nay).

Đặc biệt, số ca mắc mới COVID-19 ngày 23/10 ở nước ta chỉ còn 158 ca, đây là ngày có số mắc mới thấp nhất trong gần 1 năm qua. Cũng trong những ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 ở nước ta liên tục theo chiều hướng giảm.

Hai nguyên nhân giúp Việt Nam đạt kỷ lục xuất nhập khẩu 620 tỷ USD - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Bộ Công thương

Thứ hai, Việt Nam xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam đã có một hệ thống doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu tốt. Trong bối cảnh thế giới đứt gãy nguồn cung cả về nguyên liệu và sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gây ra thiếu hụt các loại hàng hóa, Việt Nam đã mở cửa đúng lúc, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, tìm kiếm thị trường mới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá: "Chúng ta đã tranh thủ được thị trường thế giới khan hiếm về hàng hóa và tranh thủ cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu".

Theo thống kê 9 tháng năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, đạt gần 558 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2%, gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm xuất khẩu tăng khoảng 8%). Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 6,76 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu 3,44 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Ước tính đến ngày 21/10, kim ngạch hai chiều của Việt Nam đã đạt khoảng 620 tỷ USD.
Bộ Công Thương

Tại phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sáng ngày 22/10/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ: "Như vậy chỉ còn thiếu hơn 40 tỷ USD nữa là bằng kim ngạch hai chiều của năm 2021 và đến giờ này chúng ta xuất siêu gần 8 tỷ USD, đây là một kỷ lục".

FTA là từ viết tắt của cụm từ Free Trade Area dịch ra có nghĩa là Hiệp định thương mại tự do. Đây là một hình thức liên kết quốc tế giữa các quốc gia và nhờ các hiệp định này mà các rào cản về thuế quan và phi thuế quan sẽ được giảm hoặc xóa bỏ. Nhờ có các hiệp định thương mại tự do mà các quốc gia trên thế giới có thể từng bước hình thành một thị trường buôn bán thống nhất về hàng hóa và dịch vụ.

Hiện nay Việt Nam có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hàng dệt may - tăng 24% và da giày - tăng 36%.

Bên cạnh đó, những mặt hàng của Việt Nam tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép... Các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở thêm các thị trường mới.

Các ngành sản xuất đã phục hồi tích cực

Đối với lĩnh vực công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đã tăng được 9,63%, cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 8,83%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (9 tháng/2021 tăng 4,45%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%, đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Đáng chú ý, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2022 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2021 tăng 3,9%). Tăng trưởng cao ở 2 nhóm: Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tốc độ tăng 10,4% và Nhóm sản xuất và phân phối điện tăng 7,5%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Các ngành sản xuất đã bước vào giai đoạn phục hồi tích cực, cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng, cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 61/63 địa phương. Cơ bản đảm bảo đủ điện, xăng dầu, nguyên vật liệu cho sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt.

Hai nguyên nhân giúp Việt Nam đạt kỷ lục xuất nhập khẩu 620 tỷ USD - Ảnh 5.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến ngày 21/10/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam

đã đạt 620 tỷ USD, xuất siêu gần 8 tỷ USD. Ảnh: VGP

Xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, mặc dù đạt được kết quả tích cực, xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu.

Cụ thể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI (chiếm hơn 74%), tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.

"Xuất nhập khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc một số thị trường lớn, tiềm ẩn rủi ro, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Dù đạt được các kết quả khả quan, song theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sản xuất công nghiệp vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng như trước dịch bệnh ở một số địa phương trọng điểm và một số ngành hàng công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng chưa cao; các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong hồi phục sản xuất; năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nền tảng, then chốt; mức độ liên kết và tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI diễn ra còn chậm.

Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra giải pháp: Cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu. Nhất là các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ đối với sản phẩm nông sản phải tìm hiểu, đáp ứng được yêu cầu tại các thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch.

"Nếu xuất khẩu chính ngạch thì trong mọi tình huống không bao giờ chúng ta bị thiệt hại. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, phát huy tốt vai trò hệ thống cơ quan thương vụ nước ngoài, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp có thông tin xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu có hiệu quả" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Đối với sản xuất công nghiệp, thời gian tới cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất. Đồng thời tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp trong tìm kiếm nguyên vật liệu phù hợp, tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV nêu rõ: Kinh tế vĩ mô của nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6 – 6,5%). Tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,99%, công nghiệp và xây dựng đạt 9,44%, dịch vụ đạt 10,57%; khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Nguồn: VGP, MOIT, MOH