Giá cả cuối năm còn nhiều áp lực tăng cao

11:17 - 23/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Mặc dù công tác điều hành giá đang được kiểm soát khá tốt, tuy nhiên dự báo trong những tháng cuối năm 2022 vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng chung.

Các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế, sự tăng giá của các đồng tiền, lãi suất trong nước cũng tăng cao làm cho giá thành nhập liệu các nguồn tăng lên. Đây là các yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp lên mặt bằng giá, giá cả trong nước về dịch vụ cơ bản cũng tăng cao. 

Trong đó, có thể kể đến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm; trong khi đó nhu cầu về các dịch vụ cơ bản như khám chữa bệnh và du lịch cũng tăng cao, khiến chi phí có thể tập trung tăng tại một số ngành thiết yếu.

Chưa kể trong thời những tháng vừa qua, các thông tin về thiên tai và dịch bệnh vẫn liên tiếp thường trực gây tác động không nhỏ tới giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại một số tỉnh. 

Ngoài ra, việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm, nhất là việc triển khai các công trình kinh tế trọng điểm có thể làm tăng nhu cầu đối với các mặt hàng vật tư xây dựng, vật liệu sửa chữa.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá dễ tăng vào thời điểm cuối năm bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, lương thực, thực phẩm; văn hóa, giải trí và du lịch; nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn sẽ có những yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá. Theo Bộ Tài chính đó là các yếu tố như nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, đây là mặt hàng chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, hiện nước ta vẫn chủ động được trong sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cùng với đó, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý dự kiến giữ ổn định đến hết năm 2022 như: giá điện bình quân, dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công của Bộ Y tế; giá dịch vụ giáo dục.

Các chính sách tài khóa đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, trong đó các chính sách về miễn, giảm thuế, gia hạn thuế sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Lạm phát là một trong các chỉ tiêu thách thức nhất của năm 2022 đang đe dọa hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, ngay cả các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Mianmar. Tuy nhiên, chỉ số lạm phát tại Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 vẫn được kiểm soát dưới 4%.  

Theo thông tin của Bộ Tài chính, trong 3 tháng còn lại của năm 2022, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 1,85%. Điều này sẽ đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 khoảng 4%.

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của quản lý, điều hành giá trong năm 2022, Bộ Tài chính đã đặt ra 2 kịch bản điều hành giá.

Kịch bản thứ nhất, giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 40% so với năm 2021, giá gas tăng thêm 5%, giá thịt lợn tăng thêm 10%, giá gạo tăng thêm 5%, giá vật liệu xây dựng tăng thêm 10%.

Song song với đó, ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,05%. Như vậy, dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 tăng khoảng 3,27%, CPI tháng 12 năm 2022 so với tháng 12 năm 2021 tăng 5,48%.

Kịch bản thứ hai sẽ giả định như kịch bản 1, thêm các yếu tố giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 45% so với năm 2021, giá các nguyên nhiên vật liệu, lương thực, thực phẩm tăng cao hơn 5% so với kịch bản 1; ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,1%. Dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 tăng khoảng 3,51%, CPI tháng 12 năm 2022 so với tháng 12 năm 2021 tăng 6,84%.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27-3,51%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,2%-3,5%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,4 ± 0,2%.

Giá cả cuối năm còn nhiều áp lực tăng cao - Ảnh 2.

Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 8 và 8 tháng các năm giai đoạn 2018-2022 (%). (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Theo Bộ Tài chính, mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 có nhiều dư địa để kiểm soát trong phạm vi mục tiêu 4%, tuy nhiên lạm phát lũy kế CPI tháng 12/2022 so với tháng 12/2021 dự kiến sẽ ở mức cao, từ đó tạo áp lực cho lạm phát bình quân năm 2023 ngay từ đầu năm sau.

Nguồn: Tổng hợp