Lạm phát - nhìn từ bên ngoài

Trần Hà
06:00 - 24/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức kinh tế lớn. Một trong số đó là lạm phát cao nhất sau hàng thập kỷ ở hầu hết các nước trên thế giới. Tỷ lệ lạm phát toàn cầu trong năm 2022 được dự báo sẽ là 8,2%, tăng từ 4,1% năm 2021, và dự báo sẽ tiếp tục cao trong năm 2023.

Lạm phát - nhìn từ bên ngoài - Ảnh 1.

Lạm phát cao đang làm tăng giá sinh hoạt cho người dân các nước trong khi tiền lương không tăng, ảnh hưởng không ít đến đời sống của người dân. Ảnh minh họa, nguồn: medium.com

Lạm phát tác động tiêu cực đến đời sống người dân

Ở nhiều nước, tỷ lệ lạm phát rất cao. Tỷ lệ lạm phát hiện là 72,4% ở Argentina, 28,5% ở Moldova, 22,4% ở Latvia và 22,5% ở Litva. Tỷ lệ này ở các nền kinh tế lớn là 10,1 ở Anh trong tháng Bẩy, 8,3% ở Mỹ trong tháng Chín, 10% ở vùng sử dụng đồng euro trong tháng Chín. 

Lạm phát cao đang làm tăng giá sinh hoạt cho người dân các nước trong khi tiền lương không tăng, ảnh hưởng không ít đến đời sống của người dân.

Ở các nước đang phát triển, khoảng một nửa chi phí sinh hoạt là để mua lương thực và thực phẩm. Điều này có nghĩa là lạm phát cao sẽ có tác động tiêu cực đến sức khoẻ người dân.

Thế giới, đặc biệt là châu Âu đang phải chịu giá năng lượng lên cao. Giá năng lượng đã lên cao ngay cả trước xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào ngày 24 tháng Hai năm 2022. 

Cuộc xung đột làm khủng hoảng năng lượng càng tồi tệ hơn vì nó làm người ta lo lắng về gián đoạn nguồn cung từ Nga. Trong tháng Chín, Nga cho biết Nga sẽ không cung cấp lại khí đột cho châu Âu chừng nào các nước này còn duy trì trừng phạt đối với Nga. Đây là điều có ảnh hưởng trực tiếp đến các nước châu Âu vì châu Âu nhập từ Nga khoảng 25% nhu cầu về dầu khí của mình.

Giá nhiều hàng hoá, đặc biệt là lương thực và thực phẩm đã tăng từ khi các nước thực hiện cách ly do COVID-19 cách đây hơn hai năm, gây căng thẳng trong chuỗi cung ứng, để hoa mầu hỏng và gây ra tình trạng rối loạn ở siêu thị. Cuộc xung đột ở Ukraine càng làm cho lạm phát tồi tệ hơn vì Nga và Ukraine chiếm 1/3 lượng lúa mỳ và đại mạch, 2/3 dầu hướng dương dùng để nấu ăn xuất khẩu toàn thế giới. Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn thứ tư trên thế giới. Gián đoạn trong xuất khẩu những mặt hàng này đang làm giá lương thực tăng cao hơn nhiều so với trước xung đột.

Lạm phát cao có tác động tiêu cực đời với đời sống của người dân. Chương trình lương thực thế giới đã ghi nhận tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng ở 53 nước (tổng số là 193 triệu người) và tình trạng này sẽ tồi tệ hơn với số người mất an ninh lương thực trầm trọng lên 205 triệu người.

Trong ngành năng lượng, giá khí tự nhiên tăng lên mức cao, bằng 130% tính từ đầu năm và bằng 250% so với năm 2021. Lạm phát giá năng lượng rất cao ở nhiều nước, tăng 140% so với năm 2021 ở Estonia. Ngay cả các nước hầu như không phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga cũng phải trả giá cao để mua năng lượng do xu hướng tăng giá năng lượng toàn cầu.

Với các nước đang phát triển có nợ cao, lạm phát cao còn làm khả năng trả nợ của những nước này khó khăn hơn. Trên thực tế, các nước này sẽ phải chi một khoản lớn hơn nhiều để trả dịch vụ nợ. Điều này đã dẫn đến việc một số nước mất khả năng trả nợ.

Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu và rất lớn

Để giảm bớt tỷ lệ lạm phát, ngân hàng trung ương ở nhiều nước đã nâng lãi xuất. Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng 3 điểm phần trăm lãi xuất huy động từ đầu năm 2022 đến nay và khả năng lãi xuất tiếp tục tăng sẽ rất cao. Ngân hàng Anh cũng tăng 2 điểm phần trăm từ đầu năm cho dù triển vọng tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng trung ương châu Âu cũng đã tăng 1,25 điểm phần trăm lãi xuất cho vay. Tuy nhiên, vì lạm phát đã vượt quá mức tăng này nên lãi xuất thực vẫn thấp hơn thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

Về phần mình, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, chính sách tiền tệ linh hoạt và hệ thống ngân hàng được tăng cường. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn là hiện hữu và rất lớn. Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta. Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch… Chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục; cùng với đó là chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao...

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong đó với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Nhờ vậy, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng trung bình 2,73% so với cùng kỳ năm 2021. Với tỷ lệ lạm phát hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay.

Để làm được như vậy, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tích lũy đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng xuất lao động, tạo tiền đề để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô đưa đất nước tiếp tục phát triển.