Phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

10:02 - 24/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong, 47.821 trường hợp nhập viện điều trị. So với cùng kỳ năm 2021, số người mắc sốt xuất huyết tăng 97%, số tử vong tăng 24 trường hợp.

Phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả  - Ảnh 1.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt. Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mọi người đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người cao tuổi. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là vệ sinh môi trường - diệt bọ gây, diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Chính vì vậy, một người sống có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.

Bệnh lây truyền qua muỗi Aedes. Virus được truyền qua vết đốt của muỗi, chủ yếu là của loài muỗi Aedes aegypti. Đây là loài muỗi ưa thích đốt hút máu người, đốt ban ngày, thường vào buổi sáng sớm và chiều muộn, có thể đốt nhiều lần trong ngày nếu chưa no máu. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các góc tối trong nhà, thích đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch trong khu dân cư. Muỗi Aedes phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng trên 20 độ C.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường khởi phát đột ngột, có biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm ca bệnh, điều trị đúng và kịp thời sẽ hạn chế được tử vong.

Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có thể kèm theo: xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau như: có chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; da sung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

Chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thường dựa vào các yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng và một số xét nghiệm cơ bản: giảm số lượng bạch cầu, giảm số lượng tiểu cầu và tăng hematocrit do cô đặc máu. Có thể phát hiện mầm bệnh trong máu và huyết thanh bằng phương pháp phân lập virus, xác định kháng nguyên virus hoặc chẩn đoán huyết thanh học (tìm kháng nguyên - NS1 hoặc xét nghiệm ELISA: tìm kháng thể IgM, IgG từ ngày thứ 5 của bệnh).

Bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ: sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng.

Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời. Có thể cân nhắc nhập viện trong các trường hợp sau: trẻ nhũ nhi, thừa cân, béo phì, phụ nữ có thai, người cao tuổi có bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).

Để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài, thoa kem phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.

Không tự ý điều trị tại nhà.

Bác sĩ Nguyễn Hải Yến 

Bình luận của bạn

Bình luận