Sốt xuất huyết tăng nhanh, Thành phố Hồ Chí Minh đứng trước nguy cơ quá tải điều trị

Thụy Văn
19:01 - 27/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Kiểm tra công tác phòng chống và điều trị sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và đoàn công tác Bộ Y tế nhận định tình hình phòng dịch, khám chữa bệnh sẽ căng thẳng hơn trong thời gian tới do dịch diễn biến ngày càng lan rộng.

Ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra thực tế công tác phòng chống và điều trị sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn đã đến các cơ sở đang thu dung, điều trị sốt xuất huyết; Bệnh viện Quận 8, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. 

Sốt xuất huyết tăng nhanh, Thành phố Hồ Chí Minh đứng trước nguy cơ quá tải điều trị  - Ảnh 1.

Đoàn công tác thăm bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Nguyễn Thủy/nongnghiep.vn

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các bệnh viện cần tăng cường hỗ trợ cho tuyến dưới, thực hiện tốt việc thu dung, điều trị cho người dân, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.

Số ca sốt xuất huyết ở phía Nam liên tục tăng

Báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, riêng khu vực phía Nam đã có 42 ca tử vong trong số hơn 56.000 ca mắc sốt xuất huyết. Kết quả phân lập virus cho thấy type Den1 chiếm 57%, Den2 chiếm 41%. Chống sốt xuất huyết hiện nay vẫn là diệt lăng quăng, không cho muỗi sinh sôi, cắt đứt véc - tơ truyền bệnh để kiểm soát dịch sốt xuất huyết. Như vậy, đối với phòng ngừa, quan trọng là ý thức của người dân diệt loăng quăng bọ gậy và bắt buộc phải có sự hợp tác quyết liệt của người dân. 

Bệnh viện Quận 8 trong những ngày qua liên tiếp nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết. Từ tháng 5, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị liên tục gia tăng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 lượt khám và 15 trường hợp nhập viện. 

Hiện nay, khó khăn của Bệnh viện Quận 8 là nhân sự tại các khoa điều trị sốt xuất huyết mới và trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị các ca sốt xuất huyết nặng nên tỷ lệ chuyển bệnh lên tuyến trên vẫn còn cao. 

Thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, bệnh viện kiến nghị được cung ứng

Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 1.739 bệnh nhi sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, trong đó khoảng 35% số ca phải nhập viện điều trị với 369 ca sốc sốt xuất huyết. Tại Bệnh viện đã có 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Về cơ bản, hiện nay việc thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn đang được kiểm soát tốt, đơn vị sẵn sàng các phương án trong trường hợp các ca bệnh tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, Bệnh viện gặp khó khăn về nguồn cung ứng thuốc điều trị sốt xuất huyết. Các loại dung dịch cao phân tử sử dụng để điều trị sốt xuất huyết như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin) chưa tìm được nguồn cung ứng. Trong khi đó việc dùng dung dịch cao phân tử HES 130 thay thế để điều trị sốc sốt xuất huyết lại chưa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấp thuận thanh toán. Do đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp tìm nguồn cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị thực tế cho người bệnh.

Dự báo khả năng bùng phát lan rộng dịch sốt xuất huyết thời gian tới 

Sau khi kiểm tra công tác thu dung, điều trị tại 3 đơn vị là Bệnh viện Quận 8, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam đang có những diễn biến phức tạp, khả năng sẽ bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới. 

Bên cạnh công tác tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch, vấn đề thu dung, điều trị người bệnh sốt xuất huyết cũng vô cùng quan trọng. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu, các cơ sở y tế cần chuẩn bị tốt hơn nữa cơ số giường bệnh, thuốc, vật tư y tế để điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Mặt khác, các bệnh viện cần làm tốt việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để họ phân biệt được các triệu chứng bệnh, triệu chứng chuyển nặng nhằm phát hiện và điều trị kịp thời cho người dân. Mặc dù hiện nay chưa có dấu hiệu quá tải bệnh viện nhưng nếu tất cả các ca bệnh đều chuyển tuyến đổ dồn lên tuyến trên, tình trạng quá tải có thể xảy ra. Các bệnh viện tuyến trên cần thường xuyên tiến hành tập huấn cho nhân viên y tế tuyến dưới, đặc biệt là các phòng khám tư bởi đây là nơi người dân thường lui tới nhiều nhất. Việc tập huấn, hội chẩn từ xa cần thực hiện liên tục để nhân viên y tế tăng năng lực điều trị sớm cho người dân, hạn chế nguy cơ tử vong”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định thời gian tới Bộ Y tế sẽ có những giải pháp tháo gỡ việc thiếu thuốc điều trị, đặc biệt tăng cường nguồn cung ứng thuốc, vật tư y tế cho các bệnh viện nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở y tế điều trị cho người dân.

Bình luận của bạn

Bình luận