Nguy cơ từ vaccine COVID-19 đối với trẻ em rất thấp

PV
12:50 - 09/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ước tính chưa đầy 0,005% tỉ lệ người tiêm vaccine ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ mRNA (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) bị viêm cơ tim.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Monash, Australia mới đây đã hoàn thành nghiên cứu về nguy cơ viêm cơ tim liên quan đến tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở thanh thiếu niên, với kết luận nguy cơ rất nhỏ và lợi ích của tiêm chủng đem lại lớn hơn rất nhiều so với những nguy cơ rủi ro khi không tiêm vaccine.

Viêm cơ tim là tình trạng viêm đi kèm theo hoại tử các tế bào cơ tim. Viêm cơ tim có thể do nhiều nguyên nhân (như nhiễm trùng, chất gây độc tim, thuốc, và các bệnh hệ thống như sarcoidosis), nhưng thường là tự phát.

Viêm cơ tim có thể xảy ra trong vòng vài ngày sau chích ngừa vaccine mRNA COVID-19 (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), nhưng rất hiếm gặp.

Hầu hết các bệnh nhân viêm cơ tim có thể trở lại hoạt động thường nhật sau khi được chăm sóc, sử dụng thuốc và các triệu chứng được cải thiện.

Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Y khoa Australia ngày 8/8/2022 được thực hiện dựa trên kết quả theo dõi 33 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 - 18 (bao gồm cả trường hợp bị viêm cơ tim nghiêm trọng, mức độ vừa phải và người khỏe mạnh), đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng Monash, Australia với các triệu chứng điển hình của bệnh viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, bác sỹ tim mạch nhi Suraj Varma tại Bệnh viện Tim Monash và Bệnh viện Nhi đồng Monash cho biết đây là nghiên cứu lớn nhất về vấn đề trẻ em bị viêm cơ tim liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 mà một bệnh viện nhi thực hiện. Bà Varma cho biết, sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, tất cả các bệnh nhân đều bình phục chỉ sau hơn 2 ngày.

Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng viêm cơ tim do vaccine ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ mRNA khiến người bệnh biểu hiện lâm sàng nhẹ, tự khỏi và trái ngược với các biến chứng và di chứng lâu dài liên quan đến COVID-19 đã được công bố, như hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em và các dạng viêm cơ tim khác.

Nguy cơ tiềm ẩn từ vaccine COVID-19 đối với trẻ em rất thấp  - Ảnh 2.

Nguy cơ tiềm ẩn từ vaccine COVID-19 đối với trẻ em rất thấp. Ảnh: Bộ Y tế

Một nghiên cứu riêng biệt về các trường hợp bị viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ mRNA được công bố trên Tạp chí Nature Reviews Cardiology hồi tháng 12/2021 ước tính chưa đầy 0,005% tỉ lệ người tiêm vaccine loại này gặp phản ứng phụ này. Tỉ lệ mắc bệnh ở thanh niên dưới 35 tuổi cao hơn một chút so với mọi lứa tuổi.

Nghiên cứu của Monash cho thấy, không ai trong số 33 người bao gồm bệnh nhân bị suy tim sung huyết cần điều trị chăm sóc đặc biệt.

Varma và nhóm nghiên cứu hy vọng bằng chứng mới này sẽ giúp trấn an các bậc cha mẹ rằng vaccine ngừa COVID-19 an toàn và quan trọng đối với trẻ em.

Tình hình tiêm vaccine COVID-19 của nước ta tính đến ngày 8/8/2022

Bộ Y tế thông tin, số mũi tiêm thực hiện trong ngày 8/8/2022 là 167.680 liều tại 40 tỉnh, nâng tổng số mũi tiêm vaccine ở Việt Nam lên 248.850.332. Trong ngày có 153.553 mũi cho người từ 12 tuổi trở lên và 14.127 mũi cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.

Tính đến ngày 8/8/2022, sau gần 4 tháng triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, còn 23 ngày nữa phải hoàn thành tiêm cho trẻ trong độ tuổi này. Tính đến chiều cùng ngày, tổng số mũi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 trên cả nước là: 12.795.167, trong đó:

- Mũi 1: 8.220.102 trẻ (đạt tỉ lệ 72%). 5 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm thấp dưới 54%: Hà Nội (53,1%); Hà Tĩnh (48,2%); Đà Nẵng (38,6%); Quảng Nam (42,6%); thành phố Hồ Chí Minh (46,9%).

- Mũi 2: 4.575.065 trẻ (đạt tỉ lệ 40,1%). 5 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm thấp dưới 25% là: Hà Nội (19,8%); Vĩnh Phúc (24,6%); Đà Nẵng (16,3%); Quảng Nam (13,1%); Khánh Hòa (18,5%).

- 3 tỉnh tỉ lệ tiêm cao: Ninh Thuận (73,2%); Sóc Trăng (81,9%); Vĩnh Long (69,6%); Bạc Liêu (73,2%).

Bộ Y tế khuyến cáo, tiêm vaccine được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.


Nguồn: tổng hợp