Việt Nam lại có tên trong danh sách các nước có số mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới

Quỳnh Giang
13:17 - 11/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Lần đầu tiên sau nhiều tháng qua, Việt Nam được đưa trở lại danh sách các nước có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong tuần, chỉ sau Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.

Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc mới trong tuần

Theo báo cáo cập nhật hàng tuần của Tổ chức Y tế Thế giới về diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu, lần đầu tiên sau nhiều tháng qua, Việt Nam lại được đưa trở lại danh sách các nước có số ca mắc mới cao nhất trong tuần chỉ sau Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.

Mặc dù báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới có ghi chú số ca mắc tại Việt Nam tăng cao một phần là do báo cáo bổ sung của một số tỉnh về số ca mắc trước đó (trong khoảng thời gian từ tháng 1/2022 đến nay), nhưng điều dễ thấy từ thực tế hiện nay là số ca mắc mới đang gia tăng khá rõ so với trước đây, tương ứng, với số ca nặng và thở máy cũng tăng theo. Tốc độ tăng và số ca nặng chưa ở mức tăng theo cấp số nhân như giai đoạn bùng phát dịch trong năm 2021.

Tuy nhiên, Việt Nam không có tên trong danh sách các nước có số tử vong mới cao nhất trong tuần. Theo đó, các nước có số tử vong mới cao nhất trong tuần là: Mỹ (2.764 ca), Brazil (1.445 ca), Ý (1.059 ca), Nhật Bản (1.002 ca), Tây Ban Nha (654 ca). 

Việt Nam lại có tên trong danh sách các nước có số mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới - Ảnh 1.

Bản đồ Việt Nam đã chuyển trở lại màu nâu sậm – màu biểu tượng của những nước có số mắc trên 300 ca mắc mới/100.000 dân/7 ngày. Ảnh: WHO

Thủ tướng: Chủ quan, lơ là trước dịch bệnh sẽ phải trả giá

Trong phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào ngày 6/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã dành nhiều thời gian phân tích và một lần nữa nhấn mạnh chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng khi năng lực y tế còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh COVID-19, chúng ta bắt buộc phải dùng các biện pháp hành chính để phòng, chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vừa mất nhiều công sức, nguồn lực, vừa nhiều hy sinh, mất mát, vừa ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động của xã hội.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh vừa được kiểm soát thì tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác lại xuất hiện, cả về nhận thức, tuyên truyền và chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, nhiều nước phát triển, có nền y tế hiện đại cũng đang bùng phát dịch trở lại. Mặt khác, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu thì có hạn, cho nên chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.

Chúng ta đã đúc rút được công thức, phương châm phòng, chống dịch, trong đó thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định. Cả trong đỉnh dịch và ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều công điện, văn bản chỉ đạo đôn đốc quyết liệt với yêu cầu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiêm vaccine cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Khi dịch đang diễn biến phức tạp thì địa phương nào cũng đề nghị vaccine, nhưng khi dịch vừa được kiểm soát thì việc tiêm chủng chững lại. Mặt khác, cũng có những địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội nhưng lại nỗ lực triển khai tiêm vaccine, đạt kết quả tích cực.

Theo Thủ tướng, chúng ta đã có đà về tiêm chủng trong chống dịch, cần tận dụng cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng; đồng thời đánh giá miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc. Bộ Y tế chủ động hơn nữa và tập trung chỉ đạo các Sở Y tế; các cấp uỷ tập trung lãnh đạo, các cấp chính quyền phải tổ chức thực hiện; người dân phải vào cuộc một cách tích cực hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ này.

Việt Nam lại có tên trong danh sách các nước có số mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới - Ảnh 2.

Thủ tướng: Chúng ta đã có đà về tiêm chủng trong phòng chống dịch, cần tận dụng cơ hội để đẩy nhanh

tốc độ tiêm chủng. Ảnh: VGP

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh; yêu cầu phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; phải cùng nhau gánh vác, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải lo toan, trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch; làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng phụ cấp cho nhân viên y tế, cơ cấu lại đội ngũ nhân lực y tế; tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đổi mới cách thức tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân, bảo đảm hiệu quả hơn nữa. Thủ tướng cũng yêu cầu không thể để "dịch chồng dịch" khi nhiều loại dịch bệnh xuất hiện và diễn biến phức tạp như sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ…

Thủ tướng nêu rõ, nếu không quyết liệt triển khai các nhiệm vụ này thì sẽ bị động, lúng túng và nếu chủ quan, lơ là thì sẽ phải trả giá. Điều này là không chấp nhận được khi chúng ta đã có kinh nghiệm, đã đúc rút được các công thức, phương châm phòng, chống dịch.

Tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngày 25/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 664/CĐ-TTg gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19.

Nội dung Công điện nêu rõ trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo sát sao công tác tiêm vaccine phòng COVID-19.

Đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực với hơn 240 triệu liều vaccine đã được tiêm với tỷ lệ bao phủ mũi 1, mũi 2 cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên cao, được nhân dân và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Kết quả tiêm vaccine đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, nhất là giảm thiểu tình trạng bệnh chuyển nặng, nhập viện và tử vong, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị; tại một số địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, chính quyền các cấp chưa vào cuộc quyết liệt dẫn đến chưa đạt tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 10/8

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.353.573 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.477 ca nhiễm).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 10/8 là 5.271 ca.

Ngày 10/8, số bệnh nhân đang thở ô xy là 78 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 68 ca

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca

- Thở máy không xâm lấn: 1 ca

- Thở máy xâm lấn: 5 ca

- ECMO: 0 ca

Từ 17h30 ngày 09/8 đến 17h30 ngày 10/8 ghi nhận 1 ca tử vong tại Tây Ninh. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.095 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tình hình tiêm chủng

Trong ngày 09/8 có 438.272 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 249.288.604 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 215.181.727 liều: Mũi 1 là 71.315.071 liều; Mũi 2 là 68.827.368 liều; Mũi 3 (vắc xin Abdala) là 1.513.717 liều; Mũi bổ sung là 13.848.002 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 48.696.999 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 10.980.570 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 21.191.813 liều: Mũi 1 là 9.059.270 liều; Mũi 2 là 8.717.895 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 3.414.648 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 12.915.064 liều: Mũi 1 là 8.275.705 liều; Mũi 2 là 4.639.359 liều.