Bộ Y tế chưa khuyến cáo tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi

Quỳnh Giang
09:51 - 12/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã tổ chức họp về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi và chưa có khuyến cáo tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm tuổi này.

Chưa khuyến cáo tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi

Ngày 11/8, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình tiếp nhận và triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế cho biết, vừa qua, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã tổ chức họp về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi và chưa có khuyến cáo tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm tuổi này.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục theo dõi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm triển khai của các quốc gia để đưa ra khuyến cáo và xác định nhu cầu vaccine tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Nếu đủ cơ sở và bằng chứng khoa học, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm chủng vaccine cho nhóm đối tượng này.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phân bổ vaccine đến hết năm 2022 và đã lên kế hoạch sử dụng vaccine năm 2023. Trên cơ sở đề xuất nhu cầu vaccine phòng COVID-19 của các địa phương, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện kế hoạch phân bổ vaccine đến hết năm 2022 và kế hoạch sử dụng năm 2023.

Bộ Y tế chưa khuyến cáo tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: unicef.org

Nguy cơ từ vaccine COVID-19 đối với trẻ em rất thấp

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Monash, Australia mới đây đã hoàn thành nghiên cứu về nguy cơ viêm cơ tim liên quan đến tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở thanh thiếu niên, với kết luận nguy cơ rất nhỏ và lợi ích của tiêm chủng đem lại lớn hơn rất nhiều so với những nguy cơ rủi ro khi không tiêm vaccine.

Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Y khoa Australia ngày 8/8/2022 được thực hiện dựa trên kết quả theo dõi 33 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 - 18 (bao gồm cả trường hợp bị viêm cơ tim nghiêm trọng, mức độ vừa phải và người khỏe mạnh), đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng Monash, Australia với các triệu chứng điển hình của bệnh viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng viêm cơ tim do vaccine ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ mRNA khiến người bệnh biểu hiện lâm sàng nhẹ, tự khỏi và trái ngược với các biến chứng và di chứng lâu dài liên quan đến COVID-19 đã được công bố, như hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em và các dạng viêm cơ tim khác.

Trước đó, một nghiên cứu riêng biệt về các trường hợp bị viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ mRNA được công bố trên Tạp chí Nature Reviews Cardiology hồi tháng 12/2021 ước tính chưa đến 0,005% tỉ lệ người tiêm vaccine loại này gặp phản ứng phụ trên. Tỉ lệ mắc bệnh ở thanh niên dưới 35 tuổi cao hơn một chút so với mọi lứa tuổi.

Tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19

Trước nguy cơ "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, tại phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, ngành y tế phải đảm bảo nguồn nhân lực, chất lượng y tế dự phòng và hạ tầng, tăng cường y tế cơ sở; tăng lương, phụ cấp cho nhân viên y tế.

Mặt khác, theo các chuyên gia, tiêm vaccine hiện nay được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Thực tế thời gian qua, vaccine đã chứng minh được tính hiệu quả trong công tác phòng bệnh ở Việt Nam nói riêng và ở các nước trên thế giới nói chung. Tuy nhiên, kháng thể bảo vệ của vaccine phòng, chống COVID-19 hiện nay giảm theo thời gian nhất định.

Trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 11/8, Bộ Y tế cũng cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ địa phương triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.

Tiến độ tiêm chủng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây. Trong tháng 7/2022, cả nước đã tiêm được 13,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19, tăng 2,1 triệu liều so với tháng 6/2022.

Tính đến ngày 11/8/2022, tổng số vaccine phòng COVID-19 mà đơn vị này đã tiếp nhận là 253.071.094 liều. Trong đó vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là 234.636.494 liều, vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 18.434.600 liều. Đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 162 đợt vaccine.

Với tổng số hơn 72 triệu liều đã được cung ứng tới Việt Nam, vaccine AstraZeneca là một trong những loại vaccine COVID-19 được sử dụng nhiều nhất để tiêm chủng cho người lớn ở nước ta. Đây cũng là vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng khẩn cấp để hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng quốc gia, ứng phó với đại dịch. Ước tính, vaccine AstraZeneca đã ngăn ngừa 232.766 ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam.

Việt Nam là nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm và sử dụng đa dạng các loại vaccine. Các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương đã rất nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận và đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn hệ thống chính trị và người dân.

Theo bản tin phòng chống dịch ngày 11/8 của Bộ Y tế, cả nước có 2.367 ca mắc COVID-19, tăng thêm 357 ca so với ngày trước đó.

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 11/8 là 6.418 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi ở Việt Nam lên 10.003.554 ca.

Số bệnh nhân đang thở ôxy là 63 ca, trong đó thở ôxy qua mặt nạ: 48 ca; thở ôxy dòng cao HFNC: 5 ca; thở máy không xâm lấn: 1 ca; thở máy xâm lấn: 9 ca; ECMO: 0 ca.

Từ 17h30 ngày 10/8 đến 17h30 ngày 11/8, Việt Nam không ghi nhận trường hợp tử vong nào do COVID-19.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 0 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.360.348 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.543 ca nhiễm).