Hà Lan: Vua xin lỗi vì quốc gia từng liên quan đến chế độ nô lệ

Dũng Minh
11:30 - 02/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Vào ngày 1/7, Vua Hà Lan Willem-Alexander đã có lời xin lỗi đặc biệt, liên quan đến việc nước này từng tham gia vào chế độ nô lệ. Ông nói cảm thấy bị ảnh hưởng "cá nhân một cách sâu sắc" bởi tội ác này.

Vua Hà Lan xin lỗi vì quốc gia từng liên quan đến chế độ nô lệ - Ảnh 1.

Vua Hà Lan Willem-Alexander đặt vòng hoa trong Ngày tưởng niệm quốc gia về chế độ nô lệ ở The Oosterpark, Amsterdam vào ngày 1 tháng 7 năm 2023. Ảnh của Remko de Waal / ANP / AFP

Sự kiện rất quan trọng với cộng đồng người Hà Lan là hậu duệ của những người nô lệ

Ông đã phát biểu trước hàng nghìn hậu duệ của những người nô lệ đến từ Suriname, Aruba, Bonaire và Curacao tại Amsterdam... Họ đang kỷ niệm ngày "Keti Koti" (phá vỡ xiềng xích), ngày Hà Lan bãi bỏ chế độ nô lệ, bao gồm cả các thuộc địa cũ của nước này ở vùng Caribê.

Lời xin lỗi của nhà vua được đón nhận bằng sự cổ vũ lớn của đám đông, ông nói: "Tôi đứng đây trước mặt các bạn với tư cách là vua của các bạn... Hôm nay tôi xin lỗi với tư cách cá nhân". Ông nhấn mạnh trong bài phát biểu: "Tôi đang trải nghiệm sự kiện này một cách sâu sắc bằng cả trái tim và tâm hồn mình". "Tôi xin lỗi vì đã không hành động rõ ràng," nhà vua Willem-Alexander phát biểu. "Đây là một phần quan trọng của lịch sử, mà chúng ta phải đối mặt".

Vào tháng 12, Thủ tướng Hà Lan, ông Mark Rutte đã thay mặt chính phủ chính thức đưa ra lời xin lỗi. Thời điểm đó, nhà vua đưa ra thông điệp: "Việc buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ được công nhận là tội ác chống lại loài người". Ngoài ra, ông cũng khẳng định: "Các quốc vương và những người cai trị Nhà Orange không hành động chống lại việc đó".

Trước đó, những người có nguồn gốc từ những nô lệ đã yêu cầu nhà vua xin lỗi. Bà Linda Nooitmeer, chủ tịch Viện Quốc gia về Di sản và Lịch sử Nô lệ Hà Lan, chia sẻ: "Điều này rất quan trọng, bởi vì cộng đồng người Hà Lan gốc Phi mong muốn điều đó".

Quá khứ buôn bán nô lệ của Hà Lan gây nhiều tranh cãi

Hà Lan đã trải qua một cuộc tranh luận về quá khứ buôn bán nô lệ và thuộc địa của mình. Việc buôn bán nô lệ từng khiến nước này trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.

Gia đình Hoàng gia Hà Lan cũng bị chỉ trích vì được cho là đã kiếm được hàng triệu đô la, từ các thuộc địa từ năm 1675 đến 1770...

Vì vậy, vào năm 2022, nhà vua đã quyết định không sử dụng chiếc xe ngựa Vàng hoàng gia trong các dịp cấp nhà nước. Chiếc xe ngựa này có hình ảnh người nô lệ ở hai bên, trong đó có bức tranh "Cống nạp thuộc địa" mô tả những người da đen quỳ gối giao sản phẩm cho những người chủ da trắng.

Nhà vua cũng đã bày tỏ sự ủng hộ cho lời xin lỗi này trong bài phát biểu Giáng sinh của mình. Ông nói đây là "khởi đầu của một hành trình dài".

Hà Lan đã chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ vào ngày 1 tháng 7 năm 1863 ở Suriname và các vùng đất khác do họ cai trị. Tuy nhiên, việc này chỉ hoàn thành vào năm 1873 sau một giai đoạn "chuyển tiếp" kéo dài 10 năm.

Trong "Thời kỳ hoàng kim" của mình vào thế kỷ 16 và 17, Hà Lan đã vận chuyển khoảng 600.000 người châu Phi như một phần của các hoạt động buôn bán nô lệ. Họ đã mang những người này chủ yếu đến Nam Mỹ và Caribe.