Cánh chim cho con bay xa - Chuyện về gia đình Tiến sỹ "Tài năng trẻ đặc biệt" của Hoàng gia Anh

Nguyễn Năng Lực
04:13 - 25/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thông tin Việt Nam có một nghiên cứu sinh 25 tuổi bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ Khoa học với đề tài "Cấu trúc và di căn của tế bào ung thư. Vai trò của Cyri-A" tại Viện Nghiên cứu Ung thư Beatson, Vương quốc Anh gây xôn xao dư luận, tạo niềm cảm hứng cho nhiều học sinh, sinh viên trẻ.

Cánh chim cho con bay xa - Chuyện về gia đình Tiến sỹ "Tài năng trẻ đặc biệt" của Hoàng gia Anh - Ảnh 1.

Công trình nghiên cứu của Tiến sỹ Lê Hoàng Anh đăng trên Tập san khoa học của Đại học Rockefeller Hoa Kỳ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Tiến sỹ 25 tuổi được Hoàng gia Anh xếp vào danh sách "Tài năng trẻ đặc biệt" và năm 2022 này, đã được nhận vào làm việc tại University College London (UCL), đại học hàng đầu ở Vương quốc Anh. Công trình của Tiến sỹ trẻ đã được đăng trên Tập san khoa học của Đại học Rockefeller (Hoa Kỳ) và Tập san Sinh Hóa Hội Khoa học Hoàng gia Anh. 

Đó là Lê Hoàng Anh, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Để đạt được kết quả đó, trong 3 năm đầu học tập và nghiên cứu, Lê Hoàng Anh đã gặp nhiều thử thách, thậm chí thất bại. Với niềm say mê nghiên cứu khoa học và nghị lực hiếm có, Hoàng Anh không nản chí, đã thực hiện hàng ngàn thí nghiệm, quan sát, ghi chép, sao chụp cẩn thận và cuối cùng đã phát hiện ra một loại protein mới và chức năng của nó, có tên là CYRI-A (Fam49A) trong hiện tượng "uống tế bào" (nuốt tế bào của tế bào ung thư) khi "di chuyển" hay còn gọi là hiện tượng di căn của tế bào ung thư.

Cánh chim cho con bay xa - Chuyện về gia đình Tiến sỹ "Tài năng trẻ đặc biệt" của Hoàng gia Anh - Ảnh 2.

Lê Hoàng Anh trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Gia đình cung cấp

Cùng với đó, Hoàng Anh còn phát hiện ra một loại protein mới gọi là CYRI-B (Fam49), cùng họ với CYRI-A. Protein này đảm nhiệm vai trò chỉ huy việc "nuốt tế bào" – tế bào ung thư ăn tế bào bình thường của con người - để tạo khối u ung thư mới.

Với đặc điểm "thoắt ẩn thoắt hiện", protein này còn được gọi là hiện tượng "ẩm bào". Cũng vì vậy, trước đây chưa có nhà khoa học nào chú ý đến nó, thậm chí nhiều người còn không nghĩ rằng nó tồn tại.

"Những khám phá quan trọng này có tính bước ngoặt, sẽ giúp giới khoa học tìm cách tiêu diệt loại protein "ẩm bào" và sẽ tiêu diệt tận gốc sự hình thành khối u ung thư cũng như sự di căn của tế bào ung thư", Bác sỹ Chuyên khoa II , Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng Lê Hữu Nghị nhận định.

Mọi sự đều có căn nguyên. Cậu bé Lê Hoàng Anh sinh năm 1995 may mắn có một gia đình với bố mẹ rất quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng tài năng của cậu từ những ngày thơ bé. Môi trường gia đình đã đi đến kết quả không chỉ đem lại niềm vui cho người thân mà còn mang đến niềm hy vọng cho những người không may mắc phải căn bệnh ung thư quái ác trên thế giới.

Cánh chim cho con bay xa - Chuyện về gia đình Tiến sỹ "Tài năng trẻ đặc biệt" của Hoàng gia Anh - Ảnh 3.

Bác sỹ Lê Hữu Nghị và vợ, chị Đinh Thị Vân. Ảnh: Gia đình cung cấp

Hoàng Anh sinh ra ở Sầm Sơn, khi bố cậu, Bác sỹ Lê Hữu Nghị là cán bộ quản lý Viện Điều dưỡng (nay là Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Sầm Sơn) của Bộ Xây dựng. Cuối năm 1999, Bác sỹ Nghị chuyển về Bệnh viện Xây dựng ở Hà Nội, cả gia đình cùng về theo. Tuy là Phó Giám đốc bệnh viện, nhưng Bác sỹ Lê Hữu Nghị luôn đam mê khám bệnh, kê đơn và tư vấn giúp đỡ mọi người. Ngoài 45% thời gian khám chữa bệnh, 40% thời gian làm công tác quản lý, 15% thời gian đọc sách báo, tài liệu về y học, thời gian còn lại ngoài giờ làm việc, anh tham gia hướng dẫn, dạy thêm cho nhiều y tá về kỹ năng chăm sóc người bệnh.

Ngoài công việc quản lý và làm chuyên môn tại bệnh viện, Bác sỹ Lê Hữu Nghị luôn sát cánh cùng hai con, con gái Lê Vân Quỳnh sinh năm 1987 và con trai Lê Hoàng Anh trong học tập. Cả hai con đều nỗ lực, đạt được thành tích tốt. 

Chứng kiến những khả năng khác thường của con trai, 8 tháng tuổi đã nói sõi, 3 tuổi đã biết nhận xét và có ý kiến độc lập về cuộc sống xung quanh, đến khi đi học rất đam mê tìm hiểu, khám phá, luôn đặt ra những câu hỏi, Bac sỹ Nghị và vợ luôn tôn trọng con, hướng dẫn và cùng con tìm câu trả lời. Nhiều bữa cơm, cả nhà thích thú nghe Bi (tên hồi nhỏ của Hoàng Anh) say sưa "giảng bài" về vũ trụ, về các dải Ngân hà và sự sống ngoài Trái đất. Theo sát quá trình học tập của con, vợ chồng anh Nghị - chị Vân không bao giờ tạo áp lực với con về điểm số, về thành tích học tập.

Cánh chim cho con bay xa - Chuyện về gia đình Tiến sỹ "Tài năng trẻ đặc biệt" của Hoàng gia Anh - Ảnh 4.

Hai chị em Vân Quỳnh - Hoàng Anh. Ảnh: Gia đình cung cấp

Có lần Hoàng Anh gặp cú "sốc" ở nhà trường, Bác sỹ Nghị liên hệ ngay với cô giáo chủ nhiệm, tìm hiểu nguyên nhân và giải thích để con thôi ấm ức, lấy lại niềm vui, lại say sưa học và hồn nhiên chơi đùa với các bạn. Những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, anh chị hay đưa các con đến thư viện, ra hiệu sách Bờ Hồ cho các con đọc sách, mua sách theo sở thích. Thỉnh thoảng, họ đưa con đến Giảng Võ chơi, gặp những người lao động đang chờ việc… Có lần đưa con đi mua kính thiên văn, thấy con từ chối mua vì "đắt quá", anh Nghị hiểu rằng con đã biết quý trọng công sức lao động, học được đức tính tiết kiệm.

Năm học lớp 11, Hoàng Anh dự phỏng vấn, lấy được học bổng sang Anh du học. Khi lên đường, cậu bé nhất quyết đòi mang theo đôi giày đã cũ mòn. Nhìn con lọt thỏm giữa hai chiếc vali to tướng, một chiếc đựng quần áo, sách vở, chiếc còn lại đựng bát đĩa, xoong nồi, cả hai vợ chồng bác sĩ đều chung tâm trạng lo lắng, vì đây là lần đầu tiên con xa nhà, đến một nơi xa lạ cách Hà Nội hơn 9.000 cây số. Khi ở nhà, việc gì Hoàng Anh cũng phải nhờ mẹ lo cho từ A đến Z.

Sau khi con lấy bằng Tiến sỹ tại Anh, Bác sỹ Lê Hữu Nghị đã cùng con khảo sát, thử nghiệm vài cơ sở nghiên cứu tại Singapore, mong con làm việc gần nhà hơn. Cuối cùng, anh tôn trọng nguyện vọng của con muốn được làm việc, nghiên cứu khoa học tại Vương quốc Anh, vì ở đó môi trường làm việc tốt hơn cả về cơ sở vật chất và quan hệ đồng nghiệp.

Mới đây, gặp Bác sỹ Lê Hữu Nghị, tôi hỏi thăm, cháu Hoàng Anh thế nào, vị Bác sỹ Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng vui vẻ trả lời: Cháu vẫn tốt bác ạ. Cháu được Chính phủ Anh nuôi và tạo điều kiện cho cháu tiếp tục nghiên cứu khoa học. Chỉ cần cháu được đắm mình trong nghiên cứu khoa học, tìm ra được hướng đi mới trong điều trị ung thư và nhiều căn bệnh khác thì đó cũng là báo hiếu cha mẹ và thể hiện tình yêu đất nước rồi, bác ạ

Được người cha và gia đình chắp cánh ước mơ từ nhỏ, tin rằng Tiến sỹ trẻ Lê Hoàng Anh sẽ tiến xa hơn, bay cao hơn trên bầu trời khoa học, đem lại vinh quang cho gia đình và Tổ quốc.

Nguồn: Tự viết
Bình luận của bạn

Bình luận