Góp ý sách giáo khoa kiểu hình thức, kém hiệu quả

Thanh Bình
11:00 - 15/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Việc tổ chức tập huấn và bình chọn sách giáo khoa đang diễn ra không đúng thời điểm, mang nặng tính hình thức, hiệu quả thu được khá thấp.

Góp ý sách giáo khoa kiểu hình thức, kém hiệu quả - Ảnh 1.

Sách giáo khoa của các nhà xuất bản đang được giới thiệu để các giáo viên bình chọn. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm này khi các trường học đang bước vào giai đoạn ôn tập và kiểm tra giữa học kỳ II, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tổ chức cho giáo viên học tập huấn thay sách và bình chọn sách giáo khoa.

Là người trực tiếp tham dự những lần tập huấn thay sách và bình chọn sách giáo khoa, người viết bài này khẳng định ngay rằng, việc tổ chức tập huấn và bình chọn sách không đúng thời điểm nên mang nặng tính hình thức, dẫn đến hiệu quả thu được là khá thấp.

Góp ý sách giáo khoa còn mang nặng tính hình thức

Mỗi một giáo viên phải góp ý gần 30 đầu sách. Có nơi thiếu giáo viên nên giáo viên tiểu học phải góp ý cả những bản sách thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, âm nhạc… lên đến gần 40 đầu sách của tất cả các bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Không tính thời gian đọc sách, nghiên cứu mà chỉ tính thời gian bỏ ra để ghi lời nhận xét ưu, khuyết điểm gần 40 cuốn sách giáo khoa thì nhiều thầy cô cho biết cũng muốn "tẩu hoả nhập ma" mất rồi.

Hằng ngày, các thầy cô giáo phải dạy cả ngày, tối về còn lo biết bao công việc. Chưa kể việc nhà, mỗi công việc chuyên môn cũng ngập đầu. Nào là tham gia các hội thi cho giáo viên, cho học sinh, chuẩn bị bài vở thao giảng dự giờ, chuẩn bị hồ sơ sổ sách để kiểm tra, chuẩn bị bài mỗi ngày đến lớp… Nhiều thầy cô còn lo gánh nặng cơm áo gạo tiền hằng ngày phải làm nhiều việc để tăng thu nhập. 

Bấy nhiêu công việc thử hỏi có bao nhiêu người có thể tranh thủ thời gian để ngồi đăng nhập vào hệ thống xem từng cuốn sách giáo khoa điện tử để nghiền ngẫm tìm ra những ưu điểm và khuyết điểm?

Buộc phải góp ý bình chọn sách thì các thầy cô giáo thường xin lời nhận xét của nhau, giáo viên trường này chép lại của trường nọ, chia sẻ với nhau trên mạng rồi chép. Người trách nhiệm siêng lắm cũng chỉ mở sách ra và lật giở qua lại rồi ghi đại dăm bảy lời nhận xét cho có!

Những lời nhận xét chung chung kiểu vô thưởng vô phạt, chủ yếu thiên về kênh chữ, kênh hình, về hình thức trình bày, về màu sắc… gọi là cho có. Vì không có thời gian nghiên cứu, nghiền ngẫm để tìm ra những điều chưa phù hợp, những bất hợp lý trong từng nội dung như dư luận từng chỉ ra với những bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 trước đây.

Chưa kể, không phải thầy cô giáo nào cũng có kỹ năng đọc, nhận xét, tổng hợp thành những ý kiến đánh giá có chất lượng và có ích.

Phỏng đoán được bộ sách sẽ được chọn?

Trừ năm thay sách đầu tiên đối với lớp 1, quyền bình chọn sách giáo khoa thuộc mỗi trường học. Bởi thế, việc phỏng đoán bộ sách giáo khoa nào được chọn là gần như không thể.

Năm đó, chỉ trong một địa bàn khá hẹp nhưng đã có 4/5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được chọn. Từ năm học 2021-2022, quyền chọn sách giáo khoa thuộc về Uỷ ban nhân dân tỉnh nên cả tỉnh gần như chỉ học chung một bộ sách giáo khoa.

Vì thế, giáo viên cũng tự phỏng đoán, năm tới bộ sách giáo khoa nào sẽ được chọn nên việc nhận xét tất cả các bộ sách cũng không làm các thầy cô giáo mặn mà lắm.

Ví như tại địa phương tôi, học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 đã học bộ sách Chân trời sáng tạo. Chúng tôi đã đoán luôn lớp 3, lớp 7, lớp 10 bộ sách này sẽ được chọn, kết quả không sai. Và, năm học này chọn sách lớp 4, lớp 8 và lớp 11 thầy cô giáo nào cũng vẫn phỏng đoán như thế.

Vì thế, cũng không có nhiều giáo viên hào hứng ngồi đọc từng cuốn sách của từng bộ sách để bình chọn cho mất công.

Để không làm khó giáo viên, không làm theo kiểu hình thức mà cần đi vào thực chất. Giáo viên phải có thời gian đọc sách, nghiên cứu và nghiền ngẫm sách. Thời điểm tập huấn, tham gia bình chọn sách giáo khoa thích hợp nhất vào tháng 8 hằng năm khi giáo viên chưa phải giảng dạy và học sinh còn đang nghỉ hè.

Để thầy cô giáo có trách nhiệm hơn trong việc bình chọn, các nhà xuất bản cũng cần phải trích một phần kinh phí để bồi dưỡng cho giáo viên.