Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể chuyện Bác Hồ cho 2.000 học sinh trung học phổ thông Hà Nội

Thường Tín
06:00 - 19/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội vừa tổ chức chương trình nghệ thuật "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân". Tại chương trình này, Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã kể chuyện Bác Hồ với 2.000 học sinh trung học phổ thông trong khuôn khổ chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể chuyện Bác Hồ cho 2.000 học sinh trung học phổ thông Hà Nội- Ảnh 1.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể chuyện Bác Hồ trong chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong học sinh trung học phổ thông. Ảnh: Ngô Hiển

Buổi nói chuyện của Giáo sư Hoàng Chí Bảo được tổ chức nhân dịp kỉ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 34 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân, phục vụ chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong học sinh của Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. 

Những di sản mà Người để lại đang được thế hệ sau học tập, nghiên cứu và noi theo. Đối với học sinh trung học phổ thông, Người là tấm gương tự học, tự rèn, khao khát những chân trời tri thức mới. 

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Hoàng Chí Bảo là chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực. Ông còn được mệnh danh là "Người kể chuyện Bác Hồ", hay "Pho sử sống về Bác Hồ" vì đã dành nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng mà còn là người khai sinh ra Quân đội nhân dân Việt Nam (ngày 22/12/1944) - lực lượng cho đến nay đã không ngừng lớn mạnh; đã cùng với toàn dân làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và sau đó là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Người học trò và là người anh Cả quân đội nhân dân Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã luôn theo lời dạy của Bác. Bằng cách nhìn người và dùng người tinh tế của Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại nhiều dấu ấn trên con đường binh nghiệp với nhiều trận thắng nổi tiếng, đánh bại nhiều vị danh tướng của Pháp và Mỹ. Những vị tướng của Pháp và Mỹ đều thừa nhận thất bại quân sự trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đặc biệt là câu chuyện phong Đại tướng của Bác Hồ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông năm 1947, tháng 1/1948, Bác Hồ ký Sắc lệnh phong Đại tướng – cấp hàm cao nhất trong số 11 vị tướng thời điểm đó được phong gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình và 9 vị Thiếu tướng khác. 

Sau này, có phóng viên một tờ báo của Pháp có phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tại sao ông Võ Nguyên Giáp chưa qua một trường đào tạo sỹ quan chính quy nào, chưa qua một học viện quân sự nào mà lại được phong Đại tướng?" - Bác Hồ đã cười, rồi nói rằng: "Thế thì ngài thử xem những lãnh đạo của quân đội Pháp cầm quân ở Đông Dương thì đã qua các học viện quân sự chưa?". Phóng viên nước ngoài khẳng định, tất cả các vị tướng được cử sang cầm quân tại Việt Nam và Đông Dương đều đã qua đào tạo tại các học viện quân sự lớn của Pháp và nhiều nước khác. Bác Hồ nói: "Vậy thì các vị tướng ấy cầm quân đánh trận ở Việt Nam đều thua ông Giáp thì ông Giáp phải trên họ một bậc!".

Với nhân dân, Bác luôn ân cần, hòa nhã. Có lần, có người thợ đến cắt tóc cho Bác. Khi choàng tấm khăn lên người Bác, người thợ hỏi: "Thưa Bác cháu cắt kiểu như vậy, Bác có ưng ý không ạ? Ở đây Bác là to nhất, nếu cháu có gì sơ suất, xin được Bác dạy bảo". Nghe vậy, Bác cười rồi nói vui: "Không, giờ chú to hơn Bác. Chú bảo Bác cúi xuống, ngẩng lên, quay phải, quay trái là Bác phải nghe theo lệnh ngay!".

Dành trọn cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, đến lúc ra đi, Bác căn dặn "chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân". Chính nhà thơ Tố Hữu trong bài 'Tạm biệt" lúc cuối đời cũng viết:

Xin tạm biệt đời yêu quý nhất,

Còn mấy vần thơ, một nắm tro.

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất,

Sống là cho và chết cũng là cho.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể chuyện Bác Hồ cho 2.000 học sinh trung học phổ thông Hà Nội- Ảnh 4.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể chuyện Bác Hồ cho 2.000 học sinh trung học phổ thông Hà Nội- Ảnh 5.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể chuyện Bác Hồ cho các học sinh trung học phổ thông.

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: "Đường đời là chiếc thang không có nấc chót, học tập là quyển vở không có trang cuối cùng". Cả cuộc đời Người là tấm gương sáng về đạo đức, phong cách sống.

Cuối buổi nói chuyện, Giáo sư Hoàng Chí Bảo mong rằng, kể chuyện về Bác Hồ không chỉ là truyền bá tri thức và thông tin về Bác, mà có thể truyền đi tình cảm, sự mến phục trong trái tim mình đến các học sinh để cùng nhau học tập và làm theo tấm gương của Bác. 

Từ đó thấy được tư tưởng, di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho hậu thế mai sau một tầm vóc vĩ đại của lãnh tụ thiên tài, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. 

Giáo sư Hoàng Chí Bảo hi vọng các học sinh sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu Bác Hồ kính yêu.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể chuyện Bác Hồ cho 2.000 học sinh trung học phổ thông Hà Nội- Ảnh 6.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo cùng đội ngũ giáo viên của Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng.