Đề cao vai trò trung tâm của ASEAN và gia tăng biện pháp đối thoại để giảm rủi ro
ASEAN đóng vai trò không thể thiếu đối với việc hiện thực hóa Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN
Tại phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Kiểm soát cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực" của Đối thoại Shangri-La 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo an ninh trong khu vực.
Theo phóng viên của TTXVN đưa tin, phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi khẳng định ASEAN nằm ở giao điểm của hai vùng biển rộng lớn Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nên đóng vai trò không thể thiếu đối với việc hiện thực hóa Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) mà Nhật Bản đang theo đuổi.
Theo ông Kishi, Nhật Bản và ASEAN đã cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc và phản đối các nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, cùng coi trọng việc thượng tôn pháp luật, cùng nhau hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh của khu vực. Nhật Bản hy vọng các nước ASEAN sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác mang tính xây dựng trên cơ sở tính trung tâm và tính thống nhất của ASEAN.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chưa có một khuôn khổ mang tính bao trùm toàn khu vực nên việc tăng cường củng cố luật pháp quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác mà ASEAN đóng vai trò trung tâm, như ASEAN - Nhật Bản, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)… là không thể thiếu đối với tiến trình hiện thực hóa FOIP.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng, vai trò của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và cơ chế hợp tác giữa bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ cũng vô cùng quan trọng đối với việc củng cố an ninh khu vực.
Đề cao gia tăng đối thoại để giảm rủi ro
Phóng viên VOV tại Đối thoại Shangri-La 2022 cho biết, trong bốn phiên thảo luận toàn thể hôm 11/6, nhiều đại biểu ở các nước đề cao gia tăng đối thoại để giảm rủi ro, coi đây là giải pháp quan trọng khi thế giới đối mặt nhiều nguy cơ xung đột và thách thức tiềm ẩn.
Mặc dù trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cáo buộc Trung Quốc có động thái ngày càng cưỡng ép và cứng rắn ở châu Á, nhưng ông cũng nhấn mạnh Washington sẽ tránh kịch bản xảy ra xung đột với Bắc Kinh bằng việc tăng cường hợp tác và thúc đẩy nâng cao trách nhiệm của các cường quốc:
"Tôi tiếp tục tin rằng các cường quốc lớn cần gánh vác những trách nhiệm lớn, làm phần việc của mình để quản lý những căng thẳng một cách có trách nhiệm, ngăn chặn xung đột, theo đuổi hòa bình và thịnh vượng. Vì vậy, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với cả các đối thủ cạnh tranh lẫn bạn bè của chúng tôi để củng cố "hàng rào bảo vệ" chống lại xung đột. Nỗ lực này cũng bao gồm thiết lập các đường dây liên lạc hoàn toàn mở với các nhà lãnh đạo quốc phòng của Trung Quốc để đảm bảo rằng chúng tôi có thể tránh mọi tính toán sai lầm".
Trong phiên họp "Quản trị cạnh tranh địa chính trị trong một thế giới đa cực", Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Prabowo Subianto cho rằng, chỉ có tôn trọng lẫn nhau mới có thể quản trị rủi ro: "Chúng tôi cho rằng việc chọn lòng tin, chọn sự tôn trọng các quốc gia, các nước láng giềng đó là cách quản trị rủi ro tốt nhất trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay".
Đại biểu của nhiều nước cũng đề cao các cơ chế hợp tác đa phương, coi đó như một công cụ giúp cân bằng quyền lực trong khu vực đồng thời có thể quản lý những xung đột tiềm ẩn.
Các quan chức hàng đầu của Malaysia, Singapore, Australia, New Zealand và Anh cho rằng Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường của năm quốc gia này kéo dài 51 năm qua đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý căng thẳng trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, Hishammuddin Hussein nhấn mạnh, khi căng thẳng trong khu vực gia tăng, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các đồng minh, Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường có vai trò như một lực lượng điều tiết quản trị bất đồng: "Mối quan tâm lớn nhất của tôi là những sự cố và tai nạn ngoài ý muốn, khiến căng thẳng vượt tầm kiểm soát và trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu những thỏa thuận chẳng hạn như Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường không tồn tại, sẽ không có bất cứ cơ hội nào để quản lý các sự cố đó".
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare nhắc đến mối quan tâm lớn nhất của các nước trong khu vực Nam Thái Bình Dương là hành động mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Hồi tháng tư vừa qua, Trung Quốc đã ký một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, làm dấy lên lo ngại về sự hiện diện quân sự của nước này ở Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận khả năng này và khẳng định đó chỉ đơn thuần là hợp tác an ninh với các quốc đảo Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand nói rằng cuộc gặp của ông với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên lề Đối thoại Shangri-La là cơ hội để trao đổi và hiểu rõ hơn lập trường của nhau: "Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi gặp gỡ với Trung Quốc bên lề Đối thoại Shangri-La. Cuộc gặp nhằm đảm bảo rằng chúng tôi có thể lắng nghe một cách trực tiếp và rõ ràng. Tôi nhận thấy chúng tôi cần tiếp tục đối thoại cởi mở nếu muốn minh bạch, tin tưởng lẫn nhau ở Thái Bình Dương và xa hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo cơ hội mở cho các kênh đối thoại đó".
Bên cạnh tầm quan trọng của đối thoại, các đại biểu, như Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khẳng định, đối với những xung đột ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế là những nguyên tắc quan trọng nhất.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google