Giáo dục di sản văn hóa truyền thống trong Nội dung giáo dục địa phương tại Phú Thọ

Triệu Thị Hương Liên
15:14 - 27/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Giáo dục di sản văn hóa vùng đất Tổ có vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tỉnh Phú Thọ, cũng là nội dung quan trọng trong giáo dục địa phương ở các cấp học.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là một thành phần hữu cơ của kế hoạch tổng thể thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường. Nội dung giáo dục địa phương trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp…

Phú Thọ là vùng đất cổ, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, cái nôi của nền văn hoá Lạc Việt, kinh đô đầu tiên của Việt Nam. Trên mảnh đất này còn tồn tại và lưu giữ rất nhiều di sản văn hoá, bao gồm di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể gắn với thời đại các vua Hùng tạo nên diện mạo văn hoá của vùng đất Tổ mà không thể thấy ở bất cứ nơi nào khác. Đưa giáo dục di sản văn hóa vào giảng dạy trong nhà trường là nhiệm vụ quan trọng của Phú Thọ. 

Giáo dục di sản văn hóa truyền thống trong Nội dung giáo dục địa phương tại Phú Thọ  - Ảnh 2.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: TTH

Hệ thống di sản văn hoá truyền thống ở tỉnh Phú Thọ có giá trị nhiều mặt, là tài liệu gốc có giá trị phản ánh quá khứ với những sự kiện lịch sử hiện hữu sinh động được lưu giữ đến nay. Hệ thống di sản văn hoá truyền thống ở Phú Thọ có nhiều ưu thế trong dạy học lịch sử, đặc biệt là dạy học phần giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông mới ở tỉnh Phú Thọ, giúp học sinh có biểu tượng chân thực, đúng đắn về lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương. 

Giáo dục di sản văn hóa - ý nghĩa của hoạt động dạy học giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ

Sử dụng di sản văn hóa địa phương trong dạy học ở trường phổ thông góp phần đẩy mạnh, hướng dẫn hoạt động nhận thức cho học sinh. Các di sản văn hóa sử dụng trong dạy học, giáo dục đều góp phần nâng cao tính trực quan giúp người học mở rộng khả năng tiếp cận với đối tượng, hiện tượng liên quan đến bài học tồn tại trong di sản.

Học về di sản văn hóa còn học sinh phát triển kỹ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức, rèn một số kỹ năng học tập như kỹ năng quan sát, thu thập, xử lý thông tin qua đó tự chiếm lĩnh kiến thức cần thiết thu được trong quá trình tiếp cận với di sản. Học sinh rèn được kỹ năng vận dụng kiến thức đã học để giải thích những hiện tượng, sự vật có trong các di sản văn hóa, của khu bảo tồn.

Kích thích hứng thú nhận thức của học sinh: Hứng thú nhận thức là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến cường độ và hiệu quả của quá trình học tập. Trong giai đoạn nhận thức cảm tính, sự tri giác các đối tượng, hiện tượng là điều kiện để phát sinh cảm giác, tạo nên biểu tượng về chúng và sau đó, nhờ nhận thức lí tính hình thành nên khái niệm hoàn chỉnh về đối tượng, hiện tượng nghiên cứu.

Phát triển trí tuệ của học sinh: Trong quá trình học tập, trí tuệ của học sinh được phát triển nhờ sự tích cực hóa các mặt khác nhau của hoạt động tư duy, nhờ việc tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển khác nhau của hoạt động tâm lí: tri giác, biểu tượng,...

Giáo dục nhân cách học sinh: Khai thác được những giá trị ẩn chứa trong các di sản, chuyển giao cho học sinh để các em cũng nhận thức được những giá trị đó. Giáo viên giúp hình thành ở học sinh một hệ thống các quan điểm, các khái niệm về nhận thức thế giới xung quanh.

Nội dung giáo dục di sản văn hóa truyền thống trong Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ

Giáo dục di sản văn hóa truyền thống trong Nội dung giáo dục địa phương tại Phú Thọ  - Ảnh 4.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ thường được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hằng năm. Ảnh: Anh Tuấn.

Về nội dung giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ, mỗi cấp học được xây dựng một khung chương trình cụ thể, nội dung và yêu cầu cần đạt đảm bảo phù hợp với cơ cấu lứa tuổi, tâm sinh lý của học sinh, đặc biệt đúng với quy định chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGD ĐT ngày 16/12/2018 của Bộ GD&ĐT). 

Đối với cấp Trung học phổ thông, nội dung giáo dục giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ được tổ chức dưới hình thức chuyên đề với tổng thời lượng là 35 tiết/năm học. Mỗi lớp gồm 35 chủ đề/cấp học.

Nội dung giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương. Đặc biệt, giáo dục về di sản văn hoá truyền thống vùng đất Tổ là nội dung quan trọng trong giáo dục địa phương ở cấp trung học phổ thông nói riêng và các cấp học khác.

Nội dung giáo dục di sản văn hoá truyền thống tỉnh Phú Thọ bậc trung học phổ thông

Phú Thọ - Đất Tổ cội nguồn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa xuyên suốt cả ngàn năm lịch sử. Những giá trị ấy được bảo tồn, lưu giữ ở rất nhiều phương diện khác nhau từ những di sản văn hóa phi vật thể đến những di sản văn hóa vật thể.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, trên vùng đất Phú Thọ đã để lại dấu ấn các di tích lịch sử - văn hóa, bao gồm: Di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân); Di tích kiến trúc nghệ thuật; Di tích khảo cổ; Danh lam thắng cảnh. 

Phú Thọ hiện có 967 di tích, phế tích; trong đó, 316 di tích được Nhà nước xếp hạng (Khu di tích lịch sử Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích quốc gia, 242 di tích cấp tỉnh); 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan Hát Xoan; 04 bảo vật quốc gia.

Ở Phú Thọ còn lưu giữ một hệ thống di vật, cổ vật phong phú, là nguồn tư liệu quý giá, phản ánh bức tranh nhiều sắc màu và giàu sức sống của văn hóa vùng đất Tổ. Đó là hàng ngàn các hiện vật khảo cổ, trống đồng, thư tịch Hán Nôm, cổ vật gốm sứ Lý, Trần hiện được lưu giữ tại các bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, các nhà sưu tầm cổ vật tư nhân. Tiêu biểu trong hệ thống di vật, cổ vật đó là Trống đồng Đền Hùng và Bộ khóa đai lưng bằng đồng thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.

Di sản văn hóa phi vật thể Phú Thọ đã kiểm kê được 874 di sản và phân theo 7 loại hình: Tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xá hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian. 

Trong đó, có 2 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Hát Xoan Phú Thọ. Đồng thời, Phú Thọ là một trong các tỉnh, thành cũng có Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại: Ca trù của người Việt; Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Phú Thọ có 8 di sản nằm trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Trò Trám (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao), Lễ hội làng Đào Xá (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy), Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ở đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa), Lễ hội đền Lăng Sương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy), Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt (xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập), Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang (phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì), Lễ hội đền Chu Hưng (xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa), Lễ cấp sắc của người Dao Tiền (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn).

Hầu hết hệ thống di sản này đều được đưa vào nội dung Chương trình giáo dục địa phương ở các cấp học. Đối với cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục địa phương được biên soạn thành bộ tài liệu có vị trí như sách giáo khoa, thuộc 7 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực văn hóa, lịch sử địa phương đặt ra các vấn đề có liên hệ mật thiết với truyền thống văn hóa lịch sử về thời đại các vua Hùng, Lễ hội Đền Hùng…

Ở cấp học này, nội dung giáo dục văn hoá truyền thống địa phương tập trung cung cấp cho học sinh hiểu biết về truyền thống văn hóa, lịch sử Phú Thọ qua các thời kỳ, những nhân vật tiêu biểu thời Hùng Vương dựng nước, nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ. 

Có những chủ đề riêng viết về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh Phú Thọ như: Lớp 10 với chủ đề: Loại hình nghệ thuật truyền thống Phú Thọ, chủ đề: Các nữ tướng thời Khởi nghĩa hai Bà Trưng và danh nhân tiêu biểu ở Phú Thọ; Lớp 11 với chủ đề: Tìm hiểu các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Phú Thọ; Chủ đề: Tìm hiểu về Thành Hưng Hóa và cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hưng Hoá; Lớp 12 với Chủ đề 3: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Phú Thọ... 

Nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm để học sinh có điều kiện mở rộng hiểu biết về truyền thống văn hóa lịch sử quê hương Phú Thọ phù hợp với nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi.

Một số đề xuất góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục di sản văn hoá truyền thống trong Nội dung giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ

Từ nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc sử dụng di sản văn hoá trong dạy học và giáo dục cho học sinh, nhiều năm qua giáo viên ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tích cực sử dụng di sản trong các bài học cụ thể, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hay tổ chức học sinh học trải nghiệm di sản.

Thông qua những hoạt động này, năng lực của nhiều giáo viên đã được nâng cao, thể hiện ở khả năng thiết kế tiến trình dạy học và tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh một cách phong phú và sinh động. Các bài học được xây dựng phù hợp với việc sử dụng di sản trong dạy học, đảm bảo dựa theo chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông. 

Nhiều giáo viên đã chủ động sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, băng đĩa về các di sản có liên quan đến bài học để phục vụ cho tổ chức các hoạt động của học sinh; xây dựng hệ thống tư liệu về di sản cho chủ đề dạy học nhằm hỗ trợ hoạt động tìm tòi, khám phá của học sinh…

Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục di sản văn hoá truyền thống trong chương trình Giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới cần:

Về phía các cấp quản lý: Hoàn thành xây dựng bộ sách giáo dục địa phương đồng bộ, khoa học từ lớp 1 đến lớp 12 để đưa vào giảng dạy trong các nhà trường.

Trên cơ sở Khung Chương trình Giáo dục địa phương đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức biên soạn, thẩm định để ban hành bộ tài liệu giáo dục địa phương.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Hội Di sản, chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo và các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện xây dựng hệ thống tài liệu nguồn về di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Nội dung tài liệu phù hợp với địa phương với giáo viên và học sinh.

Đối với nhà trường: Có trách nhiệm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về di sản văn hoá, góp phần bảo vệ di sản văn hoá vừa có trách nhiệm sử dụng di sản văn hoá để dạy học. Việc sử dụng di sản văn hoá để dạy học mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hoá. 

Việc giáo dục di sản, sử dụng di sản để dạy học cần chú trọng hướng đến các thiết chế văn hóa và loại hình đa dạng là những bảo tàng, di sản vật thể (di tích văn hóa, thiên nhiên, lịch sử, cách mạng, kháng chiến, v.v..), di sản thiên nhiên, di sản phi vật thể, nhất là những di sản sống, nhân chứng sống ở xung quanh và gần gũi với nhà trường. Theo đó, hoạt động giáo dục di sản và sử dụng di sản để dạy học là những hoạt động giáo dục có định hướng, không theo phong trào và hình thức. Cần xác định sử dụng di sản như nguồn học liệu để trau dồi hiểu biết về di sản và rèn luyện phương pháp học tập và kỹ năng sống.

Nhà trường cần đổi mới phương pháp tiếp cận di sản thông qua các hoạt động trong và ngoài giờ lên lớp nhằm giúp học sinh tự chủ, năng động, sáng tạo, khám phá - không theo mô hình học thuộc lòng, hỏi đáp, thi chấm điểm. Giáo viên đóng vai trò là người thiết kế hoạt động, điều phối viên, giúp tổ chức hoạt động cho học sinh. Cần xác định và sử dụng kết hợp tối đa khung thời gian: Hoạt động ngoại khóa, chương trình ngoài giờ, chương trình địa phương, các tiết chào cờ, sinh hoạt tập thể, v.v... cho các hoạt động giáo dục di sản.

Giáo dục di sản văn hóa truyền thống trong Nội dung giáo dục địa phương tại Phú Thọ  - Ảnh 8.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy Hát Xoan cho thế hệ trẻ tại Phú Thọ. Ảnh: TTXVN

Một số lưu ý để giáo dục qua các di sản đạt hiệu quả cao

Nhận thức giáo dục qua di sản là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả một hệ thống chính trị, trước hết là của các gia đình và nhà trường (xã hội hóa giáo dục). Dạy và học thông qua các di sản văn hoá là phương pháp trực quan, sinh động và thực sự có hiệu quả. 

Nhà trường có kế hoạch, có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với ban quản lý các di tích, ban giám đốc các bảo tàng; xác định rõ chủ đề dạy, học tại trường, tham quan và đa dạng hoá các hình thức thể hiện trong giờ ngoại khoá tại trường, trong mỗi lần tới di tích, tới bảo tàng. 

Di sản quanh chúng ta, rất gần gũi với chúng ta, nên trước hết cần khai thác các di sản có sẵn tại địa phương; sau đó, nếu có điều kiện mới tiến tới đưa học sinh tới các di sản ngoài địa phương. Tuy nhiên, cần chú ý là mọi di sản đều được khai thác nhiều lần trong giảng dạy, cũng như trong học tập và điều đó hoàn toàn phù hợp với yêu cầu kiến thức ở từng cấp học của học sinh.

Lịch sử và văn hoá Phú Thọ nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung không chỉ được lưu lại trong sử sách, mà còn hiện diện trên vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam bởi hệ thống di tích lịch sử - văn hoá, và cùng với nó là một kho tàng đồ sộ về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, về di sản văn hoá phi vật thể với những giá trị vật chất, tinh thần, văn học - nghệ thuật, khoa học to lớn. Đây là nguồn tư liệu địa phương phong phú có ý nghĩa nhiều mặt, góp phần thực hiện thuận lợi và hiệu quả Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ

Thực tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong nhiều năm qua đã có rất nhiều trường học đã thực hiện nhiều chương trình "Học sinh trải nghiệm sáng tạo" gắn kết mô hình trường học với du lịch; "Trường học gắn với bảo vệ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương"; "Trường học gắn với di sản văn hóa". Những hoạt động trên không chỉ góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc vùng đất Tổ mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; trang bị cho học sinh những kiến thức về lịch sử, văn hóa, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, những di sản đang hiện hữu ngay trên quê hương đất Tổ. Đây là một bước thay đổi quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, góp phần triển khai và thực hiện chất lượng hiệu quả chương trình giáo dục địa phương ở tỉnh Phú Thọ.