Không nên "thần thánh hóa" chứng chỉ tiếng Anh
IELTS, VSTEP hay bất cứ kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ nào cũng chỉ đánh giá được một phần năng lực của thí sinh, không nên thần thánh hóa, cũng đừng tuyệt đối hóa.
Ngày 17/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục IDP (Việt Nam) và IELTS Australia Pty Ltd (Australia).
Như vậy, đơn vị còn lại sở hữu bài thi IELTS tại Việt Nam là Hội đồng Anh hiện vẫn trong quá trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định đề án tổ chức, cấp chứng chỉ này.
Trước đó, việc các đơn vị bất ngờ đồng loạt thông báo tạm dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS khiến nhiều thí sinh, phụ huynh hoang mang, lo lắng. Thậm chí, một số người đã lên kế hoạch ra nước ngoài thi để kịp thi lấy chứng chỉ.
Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có phần vội vàng
Nhìn nhận từ sự việc trên, thầy giáo Đinh Đức Hiền - Giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, quyết định thanh tra, giám sát tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ theo Công văn 5871/BGDĐT-QLCL 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến các kỳ thi cấp chứng chỉ như IELTS phải tạm dừng để các đơn vị hoàn thiện hồ sơ, thể hiện việc xử lý chưa kín kẽ, có phần vừa chậm, vừa vội từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện cấp phép cho các tổ chức thi chứng chỉ đã có hiệu lực từ năm 2018 nhưng đến tháng 9/2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT hướng dẫn thi hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
Công tác truyền thông, định hướng chính sách cũng cần chú trọng từ khi nghiên cứu, xây dựng dự thảo thông tư và trong quá trình thông tư chưa có hiệu lực. Mặt khác, Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT lại thiếu điều khoản chuyển tiếp, gia hạn, tức thiếu sự hỗ trợ cho các tổ chức đơn vị, thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài. Việc thanh kiểm tra nhưng chưa tính toán đến tác động của người học đã gây ảnh hưởng không nhỏ với các cá nhân và tổ chức chịu tác động.
"Theo tôi, việc cấp phép, quản lý là cần thiết, nhưng vấn đề là quản lý và thực hiện nó như thế nào để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các tổ chức và cá nhân liên quan mới là điều quan trọng", thầy Đinh Đức Hiền chia sẻ.
Trường đại học cần cân nhắc kỹ khi dùng VSTEP, IELTS để tuyển sinh
Khi một số đơn vị chưa được cấp phép tổ chức thi IELTS trở lại, nhiều trường đại học đã đưa ra thông báo sử dụng Chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (gọi tắt là chứng chỉ VSTEP) trong tuyển sinh năm tới.
Theo thầy Đinh Đức Hiền, IELTS, VSTEP hay bất cứ kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ nào cũng chỉ đánh giá được một phần năng lực của thí sinh, không nên thần thánh hóa, cũng đừng tuyệt đối hóa.
"Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chỉ nên quy đổi điểm của chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học tương ứng.
Nếu dùng chứng chỉ ngoại ngữ để tuyển thẳng kết hợp với học bạ thì cần hạn chế tỉ lệ tuyển sinh bằng phương thức này và phải tính toán sao cho ngang bằng với số chỉ tiêu tuyển thẳng từ học sinh giỏi quốc gia, nhưng không nên vượt quá 5%. Tỉ lệ này có thể lớn hơn đối với những ngành liên quan trực tiếp như các ngành về ngôn ngữ.
Điều quan trọng là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải giám sát và có khuyến cáo, chỉ đạo kịp thời về việc lạm dụng các chứng chỉ ngoại ngữ ở chính các đơn vị Bộ quản lý", thầy Đinh Đức Hiền nêu quan điểm.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, hiện nay, một số trường đại học được tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP nhưng không dùng VSTEP để xét tuyển sinh, làm chuẩn đầu ra mà lại dùng IELTS, TOEFL vì rất nhiều lý do.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, IELTS, TOEFL hay VSTEP đều là công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh. Để lựa chọn được công cụ đánh giá phù hợp, đảm bảo độ tin cậy, chính xác thì cần dựa trên một số yếu tố sau:
Thứ nhất, đội ngũ ra đề thi có kinh nghiệm dày dặn, chuyên nghiệp. Cấu trúc đề thi đã được thử nghiệm, điều chỉnh để xây dựng thành đề thi chuẩn.
Thứ hai, khâu tổ chức thi, chấm thi chặt chẽ, nghiêm túc.
Thứ ba, các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ cam kết tuân thủ theo quy trình về đảm bảo chất lượng.
Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, qua sự việc hoãn thi IELTS, một số đơn vị tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh cũng cần rút kinh nghiệm về việc tuân thủ luật pháp nước sở tại. Về phía người học, phải tìm hiểu thật kỹ những quy định, thủ tục pháp lý trước khi bỏ tiền ra học và thi lấy chứng chỉ.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên có sự phối hợp tốt hơn với Cục Quản lý chất lượng, Vụ Giáo dục trung học và Cục Hợp tác quốc tế. Một khi Bộ cho phép sử dụng chứng chỉ IELTS, rất cần có việc kiểm soát bảo đảm chất lượng của bất kỳ trung tâm nào", nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google