Vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại nhiều địa phương ở Đông Nam Bộ

Thiên Ân
12:26 - 18/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố báo cáo Tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại nhiều địa phương ở Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Một tiết học tại Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo báo cáo, năm học 2020-2021, toàn vùng Đông Nam Bộ có 169.808 giáo viên các cấp học Mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 39.902 giáo viên so với năm học 2010-2011).

Cụ thể: Cấp Mầm non có 50.048 giáo viên (công lập 25.291 giáo viên,ngoài công lập 26.757 giáo viên), tăng 25.134 giáo viên so với năm học 2010-2011; cấp Tiểu học có 52.648 giáo viên (công lập 49.689 giáo viên, ngoài cônglập 2.959 giáo viên), tăng 11.323 giáo viên so với năm học 2010-2011;

Cấp Trung học cơ sở có 39.889 giáo viên (công lập 38.467 giáo viên, ngoài công lập 1.422 giáo viên), tăng 4.509 giáo viên so với năm học 2010-2011; cấp Trung học phổ thông có 23.311 giáo viên (công lập 19.066 giáo viên, ngoài công lập 4.245 giáo viên), tăng 2.935 giáo viên so với năm học 2010-2011; giáo dục thường xuyên có 1.912 giáo viên.

Tỉ lệ giáo viên/lớp các cấp học đều thấp hơn định mức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Năm học 2021-2022, tỉ lệ giáo viên/lớp các cấp học (chỉ tính giáo viên biên chế) đều thấp hơn định mức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đây là tình trạng chung của tất cả các vùng trong cả nước. Cụ thể đối với từng cấp học như sau:

Vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại nhiều địa phương ở Đông Nam Bộ - Ảnh 2.

Tỉ lệ giáo viên/lớp các cấp học theo các vùng kinh tế - xã hội. Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và cơ sở dữ liệu ngành

Tỉ lệ giáo viên/lớp cấp học Mầm non vùng Đông Nam Bộ đứng đầu trong 6 vùng kinh tế - xã hội với tỉ lệ 2,0 (thấp hơn định mức theo quy định là 0,2; và cao hơn bình quân cả nước 0,24).

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có tỉ lệ giáo viên/lớp cấp học mầm non đứng thứ 3 cả nước (2,11), sau Hà Nội (2,26) và Hòa Bình (2,14).

Tỉ lệ giáo viên/lớp cấp học Tiểu học của vùng là 1,28, thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội (thấp hơn định mức theo quy định là 0,22 để thực hiện dạy 2 buổi/ngày đối với cấp Tiểu học; thấp hơn bình quân cả nước là 0,4).

Ngoài ra, hiện nay một số cơ sở giáo dục tiểu học trong vùng mặc dù đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhưng số buổi/tuần chưa đủ theo quy định (9 buổi/tuần) nên chỉ được giao biên chế theo quy định đối với lớp dạy 1 buổi/ngày là 1,2 giáo viên/lớp.

Tỉ lệ giáo viên/lớp cấp Trung học cơ sở của vùng là 1,68, thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội (thấp hơn so với định mức quy định là 0,22; và hơn bình quân cả nước là 0,13).

Trong đó, Bình Phước là địa phương có tỉ lệ giáo viên/lớp cấpTrung học cơ sở cơ bản đáp ứng được yêu cầu so với định mực quy định (1,9).

Tỉ lệ giáo viên/lớp cấp Trung học phổ thông của vùng là 2,08, đứng thứ 5 trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chỉ cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng (1,98) (thấp hơn so với định mức quy định là 0,17).

Một số địa phương trong vùng có tỉ lệ giáo viên/lớp cấp trung học phổ thông cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu so với định mức quy định.

Số lượng giáo viên thừa cục bộ và thiếu theo môn học

Đối với cấp Tiểu học, các môn học chủ yếu do giáo viên đảm nhiệm chung, chỉ có môn Tin học và Ngoại ngữ (là các môn học mới bắt buộc học từ lớp 3) có giáo viên bộ môn.

Đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, giáo viên được phân công giảng dạy theo từng môn, số lượng thừa thiếu giáo viên theo định mức giờ dạy của các môn học cụ thể như sau:

Vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại nhiều địa phương ở Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

Số lượng giáo viên thừa thiếu theo môn cấp Trung học cơ sở. Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và cơ sở dữ liệu ngành

Vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại nhiều địa phương ở Đông Nam Bộ - Ảnh 4.

Số lượng giáo viên thừa thiếu theo môn cấp Trung học phổ thông. Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và cơ sở dữ liệu ngành

Theo cơ cấu các môn học cấp trung học cơ sở, các môn: Khoa học tự nhiên, Công nghệ thừa giáo viên. Các môn: Nghệ thuật, Lịch sử, Địa lí, Thể chất, Ngữ Văn…thiếu nhiều giáo viên.

Đối với các môn thừa giáo viên, các trường thường bố trí giáo viên Ngữ văn dạy thêm Giáo dục công dân, giáo viên nhóm Khoa học tự nhiên dạy thêm môn Công nghệ.

Đối với cấp Trung học phổ thông, nhóm các môn bắt buộc đều còn thiếu giáo viên (chỉ có nhóm các môn lựa chọn hiện nay số thừa cục bộ tương đối lớn).