Gia tăng ca mắc COVID-19 trên thế giới, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống dịch

Quỳnh Giang
10:42 - 02/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19. Ngày 1/8, Việt Nam ghi nhận gần 1.400 ca Covid-19 mới. Bộ Y tế đã có văn bản gửi đến các cơ sở y tế về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch.

Gia tăng ca mắc COVID-19

Số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại do biến thể phụ của Omicron lây lan nhanh. Nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19.

Tính đến sáng 2/8, thế giới lần lượt ghi nhận tổng số 582.641.827 ca nhiễm và 6.421.035 trường hợp tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 480.004 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó châu Á đứng đầu với 323.240 trường hợp.

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 2/8 cho thấy, hiện toàn thế giới có 553.083.433 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 99% tổng số ca mắc). Trong số 23.137.359 ca bệnh đang điều trị thì có 23.095.243 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 42.116 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Gia tăng ca mắc COVID-19 trên thế giới, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống dịch - Ảnh 1.

Nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19. Ảnh: br.usembassy.gov

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 215.684.754 trường hợp, trong đó có 1.877.696 ca tử vong và 205.992.353 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu Âu đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm mới COVID-19, với 67.874 trường hợp.

Giới khoa học cảnh báo nhiều nước châu Âu sẽ ghi nhận hàng loạt đợt bùng phát mới COVID-19 do mọi người ở trong nhà nhiều hơn vào những tháng mùa Đông sắp tới trong khi không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang.

Trong khi đó, tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 2/8 là 110.506.552 trường hợp, trong đó có 1.504.936 ca tử vong. Hiện Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 93.120.885 ca nhiễm và 1.055.129 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.

Tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 30.500 ca nhiễm COVID-19. Tính cho đến nay, khu vực này có tổng số 62.298.715 ca nhiễm và 1.316.172 ca tử vong vì COVID-19.Tại châu Phi, tính đến sáng 2/8, tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại đây lần lượt là 12.526.797 và 256.889 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 4.004.555 ca nhiễm COVID-19 và 101.982 ca tử vong vì dịch bệnh.

Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua đã có thêm 38.670 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 33.042 ca. Hiện khu vực này có tổng số 11.405.777 trường hợp ca mắc COVID-19, với 16.846 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 9.440.677 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 1.621.916 ca.

Châu Á đứng đầu thế giới

Giảm tử vong COVID-19 nhờ vaccine

Các chuyên gia chỉ ra rằng, số ca tử vong và nhập viện do COVID-19 rất có thể sẽ không tăng với mức độ tương tự nhờ chiến dịch tiêm vaccine được triển khai rộng rãi, các đợt mắc bệnh trước đây, biến thể mới gây bệnh nhẹ hơn và phương pháp điều trị bệnh đem lại hiệu quả cao.

Cũng theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 170.218.51 trường hợp, với 1.448.481 ca tử vong và 161.814.212 ca điều trị khỏi.

Trong 24 giờ qua, châu Á đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới, với 323.240  trường hợp.

Trước nguy cơ làn sóng COVID-19 mới đang lan nhanh ở châu Á, chính phủ nhiều nước trong khu vực đã lên tiếng khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng dịch, tránh nguy cơ quá tải hệ thống y tế.

Hàn Quốc ghi nhận số bệnh nhân chuyển nặng cao nhất trong 2 tuần

Ngày 1/8, cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này tăng lên 19.820.739 ca, trong đó có 44.689 ca mắc mới, gồm 436 ca nhập cảnh.

Theo cơ quan này, số ca mắc mới ngày 1/8 tại Hàn Quốc giảm đáng kể so với mức 73.589 ca ghi nhận trước đó 1 ngày là do lượng xét nghiệm sàng lọc COVID-19 thấp hơn vào dịp cuối tuần. Tuy vậy con số này vẫn cao hơn mức 35.860 ca ghi nhận trước đó 1 tuần. Hàn Quốc cũng đang đối mặt với là sóng dịch bùng phát mạnh trở lại do dòng phụ BA.5 Omicron có khả năng lây nhiễm cao.

Điều đáng quan ngại là số ca mắc mới COVID-19 tăng cao cũng là nguyên nhân khiến tình trạng bệnh nhân chuyển nặng tăng. Ngày 1/8, Hàn Quốc ghi nhận 287 ca mắc COVID-19 trong tình trạng nguy kịch - cao nhất kể từ ngày 18/5/2022 với 313 ca.

Nước này cũng ghi nhận thêm 21 ca tử vong liên quan đến COVID-19. Như vậy, số ca vong vì COVID-19 tại Hàn Quốc hiện là 25.068 ca. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này là 0,13%, trong đó tỷ lệ này cao hơn ở những người chưa tiêm vaccine hoặc mới tiêm 1 mũi.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cũng cho biết làn sóng dịch có thể đạt mức đỉnh điểm lên đến  200.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày –Tuy nhiên, con số này được coi là vẫn trong mức kiểm soát được. Chính phủ Hàn Quốc không cân nhắc việc tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch.

Singapore có thể tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 hằng năm

Ngày 1/8, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết nước này có thể triển khai tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 hằng năm để bảo vệ người dân trước nguy cơ bị tái nhiễm với biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Chu kỳ tiêm mũi nhắc lại sẽ được Bộ Y tế Singapore xem xét trong những tháng tới. Các phương án đang được cân nhắc là tiêm nhắc lại sau mỗi 9 tháng hay một năm khi COVID-19 đã trở thành bệnh lưu hành.

Mặc dù vậy, Bộ Y tế Singapore chưa điều chỉnh hướng dẫn và khuyến nghị phòng chống dịch COVID-19. Chính quyền nước này khuyến cáo người dân cần phải cảnh giác với mối đe dọa từ một biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn, dẫn đến các bệnh nặng hơn hoặc phá vỡ khả năng bảo vệ của các loại vaccine phòng COVID-19 hiện tại.

Gia tăng ca mắc COVID-19 trên thế giới, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống dịch - Ảnh 4.

Singapore có thể triển khai tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 hằng năm để bảo vệ người dân trước nguy cơ bị tái nhiễm với biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ảnh: Reuters

Ngày 1/8, Việt Nam ghi nhận gần 1.400 ca Covid-19 mới

Theo bản tin phòng, chống dịch của Bộ Y tế ngày 1/8, cả nước có 1.377 ca COVID-19 mới được ghi nhận; trong ngày có 9.648 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 9.923.044 ca, gấp 7 lần số ca nhiễm mới.

Số bệnh nhân đang thở ô-xy là 50 ca, trong đó: Thở ô-xy qua mặt nạ: 44 ca; Thở ô-xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 2 ca; Không có ca ECMO nào.

Từ 17 giờ 30 phút ngày 31/7 đến 17 giờ 30 phút ngày 1/8 không ghi nhận ca F0 tử vong.

Kể từ đầu dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam có 10.781.009 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.728 ca nhiễm). Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.093 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Việt Nam xếp thứ 24/227 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Cần tăng cường phòng chống dịch

Ngày 1/8, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã gửi văn bản đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Cục Y tế dự phòng , Tổ chức Y tế thế giới hiện vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch COVID-19 trên toàn cầu; virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vaccine và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong.

Trong nước, mặc dù tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc nhưng đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc bệnh, các ca nhập viện và các ca chuyển nặng trong thời gian gần đây cùng với sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước đây.

Để tiếp tục chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khẩn trương chỉ đạo, triển khai các nội dung như:

Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động, ngay cả khi dịch bùng phát trở lại.

Chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong;

Chủ động có các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại các cửa khẩu và các dịch bệnh lưu hành có nguy cơ bùng phát tại địa bàn; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu, giải trình tự gen để xác định, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Đồng thời tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đã đề ra; nhất là việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế và không để tình trạng vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; chỉ đạo thực hiện rà soát kế hoạch tiêm 6 tháng cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch tiêm vaccine 2023.

Về phía các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Cục Y tế dự phòng đề nghị tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị, địa phương trong giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bảo đảm chất lượng và an toàn sinh học để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong;

Tiếp tục tăng cường giám sát, hỗ trợ các địa phương triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và hoàn thành sớm nhất các mục tiêu, tiến độ đề ra.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur phối hợp với các đơn vị để thu thập mẫu bệnh phẩm, thực hiện giải trình tự gen, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2; thường xuyên thực hiện đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu cho Bộ Y tế các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả với từng địa phương trong khu vực phụ trách.

Nguồn: Tổng hợp