Gia đình học hiệu - giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trường tồn trong giáo dục

GS.TS Phạm Tất Dong
17:00 - 29/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn tạo dựng lên những phong trào học tập không tốn phí, trong đó có mô hình Gia đình học hiệu - mỗi gia đình là một trường học. Tuy nhiên, ngày nay, xã hội có xu hướng càng trở nên sùng bái các mô hình học tập đắt đỏ.

Ngày 20/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa. Có thể nói từ đây khai niệm Gia đình học hiệu ra đời. Người có ý kiến chỉ đạo Thanh Hóa xây dựng tỉnh kiểu mẫu, đặc biệt chú trọng giáo dục. 

Sau đó, nói về phát triển giáo dục, Người viết: "Đồng bào Hạ du còn hơn 50% mù chữ. Đồng bào Thượng du 90% mù chữ! 

Chính phủ giao cụ Lê Thước và anh Đặng Thai Mai tổ chức một Ban Văn hóa (mời thêm những nhà trí thức danh vọng). Trách nhiệm của Ban Văn hóa: Làm sao cho đến tháng 6 năm 1947, số người mù chữ phải bớt 50%. Chính phủ phụ cấp một khoản tiền 100.000 đồng làm kinh phí do cụ Lê Thước giữ.

Ban Văn hóa phải tìm những cách không cần tốn tiền mà học được, như "Gia đình học hiệu", "Tiểu giáo viên", cả làng chung gạo nuôi một thầy giáo v.v...

Không có giấy thì viết vào cát, không có bút thì dùng thẻ tre v.v..., không thiếu gì cách học mà không tốn tiền".

Gia đình học hiệu - giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trường tồn trong giáo dục  - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hoá ngày 20/2/1947. Ảnh: Tư liệu

Đưa học tập vào từng gia đình, xây dựng gia đình học tập

Tôi được biết khái niệm "Gia đình học hiệu" và "Tiểu giáo viên" từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi còn đang là sinh viên khoa Tâm lý – giáo dục trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong quá trình tìm hiểu sâu nội hàm của 2 khái niệm này, tôi hiểu rằng, muốn có một phong trào học tập rộng rãi trong nhân dân, thì một vấn đề rất cơ bản cần có để tạo dựng phong trào là có được cách học sáng tạo mà không tốn kém.

Điều làm tôi ngạc nhiên là, không hiểu sao, giáo dục ở nước ta ngày càng "đắt đỏ". Sau hơn 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự mong muốn tìm mọi cách học rẻ tiền thì chúng ta lại phát triển giáo dục theo hướng đắt tiền. 

GS.TS Phạm Tất Dong
Giáo dục đắt đỏ là một trong những nguyên nhân gây nên bất bình đẳng trong giáo dục. Học phí cao sẽ loại người có thu nhập thấp ra khỏi những cấp học sau trung học.

Điều này, UNESCO đã nhiều lần khuyến cáo các quốc gia, nhưng hình như chúng ta đã không quan tâm nghe họ nói hoặc cố tình phớt lờ.

Nhưng điều ngạc nhiên là, sau năm 2010, hàng loạt Hội thảo về tầm nhìn xã hội học tập do UNESCO tổ chức ở Việt Nam đã đưa ra những tài liệu nói về việc đưa học tập về từng gia đình, kêu gọi tổ chức giáo dục tại gia. Như vậy, tư tưởng "Gia đình học hiệu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra từ năm 1947 thì 2/3 thế kỷ sau đó, cộng đồng thế giới coi việc học tập tại nhà là một yêu cầu trong cuộc vận động nhân dân học tập suốt đời.

gia đình học hiệu

Việc học tập trong gia đình, nơi các thành viên trong gia đình có thể giúp nhau học tập đã trở thành mối quan tâm của đông đảo các quốc gia trên thế giới. Ảnh: IT/image

Đầu năm 2014, tổ chức UNESCO Hà Nội gửi cho tôi một tài liệu của Hội thảo Quốc tế về thành phố học tập, được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) từ ngày 21 đến ngày 25/10/2013. Tới dự Hội thảo có 102 quốc gia với hàng nghìn đại biểu.

Bản Tuyên bố chung của Hội thảo có ghi rõ: "Chúng tôi thừa nhận rằng, mỗi thành phố đều có những đặc điểm riêng biệt về cơ cấu dân tộc và văn hóa, cấu trúc xã hội và di sản. Tuy nhiên, giữa các thành phố cũng có rất nhiều điểm chung. Thành phố học tập huy động nguồn lực con người và các nguồn lực khác nhằm mở rộng các cơ hội học tập cho mọi người từ giáo dục cơ bản tới giáo dục chuyên sâu; thúc đẩy học tập trong gia đình và trong các cộng đồng; tạo điều kiện học vì công việc và tại nơi làm việc; tạo điều kiện sử dụng các công nghệ học tập hiện đại; thúc đẩy chất lượng học; nuôi dưỡng văn hóa học suốt đời".

Như vậy, việc học tập trong gia đình đã trở thành mối quan tâm của đông đảo các quốc gia trên thế giới.

Xu thế gia đình học tập được thúc đẩy trên thế giới

Năm 2015, tại một Hội nghị bàn về xây dựng xã hội học tập và xây dựng các thành phố học tập ở Việt Nam, một vị đại diện của UNESCO Hà Nội đã đưa cho tôi một bản vẽ về cấu trúc tổng quát của thành phố học tập. Tiêu đề của bản vẽ này là "Những đặc trưng mong muốn về thành phố học tập" do UNESCO xuất bản.

Một lần nữa, tôi lại bắt gặp ý tưởng đưa việc học tập vào gia đình. Đến đây tôi đã hiểu ra rằng, thế giới hiện đại đã muốn thúc đẩy việc học tập tại nhà thành một xu thế cần thiết, và có lẽ, họ rất muốn tạo ra một văn hóa học tập tại từng gia đình. Một khi, gia đình có văn hóa học tập thì việc học tập của cộng đồng sẽ trở nên bền vững.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần suy ngẫm về sự khác biệt giữa quan niệm "Gia đình học hiệu" với việc "học tập tại nhà" mà UNESCO đưa ra.

Trong điều kiện phát triển các công nghệ học tập, UNESCO muốn khẳng định việc học tập ngày nay không còn đóng khung trong 4 bức tường lớp học, trong khuôn viên nhà trường. Việc học tập ở mọi cấp học đã vượt ra khỏi ranh giới nhà trường. Các dịch vụ giáo dục, nhất là giáo dục đại học không còn trong phạm vi độc tôn của trường học.

Nhờ vào các thiết bị thông minh, việc học trực tuyến đã phát triển. Người ta có thể học mọi lúc, mọi nơi (Learning Ubiquitous), và học ở nhà hay học tại nơi làm việc là học ở những địa điểm thuận lợi nếu như có thiết bị di động trong tay, kết nối với máy chủ lưu giữ nguồn học liệu mà ta cần đến.

Nội hàm rộng của khái niệm Gia đình học hiệu 

Trước hết, gia đình được coi như một nhà trường nhỏ, mà theo tôi, có thể dịch sang tiếng Anh là "Schooling Family" (gia đình trường học). Ngày nay, gia đình trường học được chuyển sang thành gia đình học tập (Learning Family), có tiêu chí đánh giá công nhận theo quy định của nhà nước. Như vậy, gia đình học hiệu hay gia đình học tập là một đơn vị (một tổ chức), trong đó những thành viên có trách nhiệm thúc đẩy, động viên việc học tập lẫn nhau.

Hai là, khi đề xuất xây dựng gia đình học hiệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương những người trong gia đình giúp đỡ nhau, chia sẻ với nhau trong học tập (mà lúc bấy giờ là đưa cuộc vận động xóa mù chữ cơ bản vào gia đình): Người biết chữ dạy người chưa biết, chồng biết thì bảo vợ, anh biết thì bảo em, cha mẹ biết thì bảo con, chủ nhà biết thì bảo người giúp việc... Người trong gia đình bảo ban lẫn nhau để làm giảm áp lực tìm kiếm giáo viên xóa mù chữ từ bên ngoài gia đình. Người biết hơn người khác, dù là trình độ chỉ nhỉnh hơn một chút, được coi là tiểu giáo viên. Ngày ấy, có tiểu giáo viên chỉ là người qua lớp xóa mù chữ phải kèm cặp người chưa biết chữ.

Ngày nay, trong gia đình học tập, cũng vẫn có tiểu giáo viên: Cháu dạy ông bà dùng điện thoại di động, anh chỉ cho em cài đặt các ứng dụng để học tập, giao tiếp, mua bán v.v... Nội dung học tập trong gia đình học tập ngày nay không còn là xóa mù chữ cơ bản, mà là xóa mù ngoại ngữ, mù máy tính và những tri thức công nghệ thông tin, xóa mù các kỹ năng lao động hoặc mù chữ hành dụng (có tri thức mà không áp dụng vào công việc hàng ngày).

Phân biệt gia đình học hiệu và mô hình học ở nhà

Chủ trương học tại nhà, tại nơi làm việc của UNESCO cũng như chủ trương xây dựng gia đình học tập của Việt Nam khác với khái niệm học tập tại gia (homeschooling) hay giáo dục tại gia (home education).

Homeschooling là một thuật ngữ thường được dùng ở Mỹ và một số quốc gia ở Bắc Mỹ. Phong trào homeschooling bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ XX. Theo trào lưu này, cha mẹ giáo dục, giảng dạy cho con cái tại nhà thay vì gửi chúng đến trường học (trường công hoặc trường tư). Các gia đình này có nhiều lý do cho con học ở nhà như họ không hài lòng với cách dạy học của nhà trường với triết lý giáo dục mà họ không chấp nhận, hoặc do vấn đề tôn giáo, cũng có khi do họ cảm thấy con họ không phát triển theo ý muốn khi học trong khuôn khổ của nhà trường truyền thống.

Những nhà nghiên cứu nổi tiếng như John Holt, Dorothy, Raymond Moore đã đề xuất homeschooling như một lựa chọn giáo dục thay thế.

Homeschooling hay Home education ở Mỹ được coi là hợp pháp. Theo Viện Nghiên cứu giáo dục gia đình quốc gia, 50 bang của nước Mỹ có tổ chức Homeschooling, mỗi năm có tới hơn 2 triệu trẻ em học tại nhà.

Rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, không lựa chọn Homeschooling bởi nhà nước không chấp nhận kết quả của hình thức học này.