Bất bình đẳng trong giáo dục đại học công lập tại Việt Nam

Đào Thị Thu Hiền
06:00 - 27/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

LTS: Bài viết trích đăng nghiên cứu "Sự bất bình đẳng trong giáo dục tại các trường đại học công lập Việt Nam" của tác giả Đào Thị Thu Hiền (Trường Đại học Lao động - Xã hội).

Bất bình đẳng trong giáo dục thường được hiểu là sự phân phối không công bằng các nguồn lực cho việc học tập (ngân sách, giáo viên, công nghệ hay phương tiện, v.v) giữa các nhóm khác nhau trong xã hội, khiến những nhóm "bên lề" không có hay có ít cơ hội được thụ hưởng giáo dục và đạt tới những thành tựu đáng lẽ họ có thể đạt được.

Bất bình đẳng trong giáo dục thường được quy cho cội nguồn của nó là bất bình đẳng về mặt kinh tế. Tất nhiên nó còn có thể liên quan tới bất bình đẳng xã hội (giới, vùng miền, màu da, ngôn ngữ, v.v..).

Nhưng trong bối cảnh thực tế ở Việt Nam thì quan trọng nhất vẫn là sự khác biệt về giàu nghèo. Thực tế cho thấy đó là hai thứ không thể tách rời. Trên thế giới người ta rất quan tâm tới vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục, vì nó liên quan trực tiếp tới sự chuyển dịch xã hội, những động lực tạo ra thay đổi trong xã hội bắt nguồn từ mong muốn "đổi đời" của những người xuất thân trong hoàn cảnh không thuận lợi muốn cải thiện vị trí của mình trên thang bậc xã hội.

bất bình đẳng trong giáo dục

Bất bình đẳng kinh tế kéo theo bất bình đẳng giáo dục thể hiện trên nhiều khía cạnh. Minh họa: IT/image.

Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong giáo dục là tạo ra cơ hội cho bất cứ ai, không kể nguồn gốc xuất thân, hoàn cảnh gia đình như thế nào, cũng có thể phát triển được tiềm năng của họ nhờ vào giáo dục. Nhu cầu được sống một cuộc sống tốt hơn, được tôn trọng là nhu cầu tự nhiên của tất cả mọi người.

Niềm tin vào cơ hội bình đẳng chính là một động lực quan trọng để con người tìm kiếm những cách thức vươn lên. Không có niềm tin đó, người ta rất dễ rơi vào tuyệt vọng, dẫn tới thái độ sống tiêu cực và những hành động phá hủy, tạo ra bất ổn xã hội.

2 góc độ chủ yếu ảnh hưởng tới bất bình đẳng giáo dục

Bất bình đẳng về giáo dục được xét theo hai góc độ.

Thứ nhất, bất bình đẳng trong giáo dục là sự phân phối (phân chia) những thành tựu giáo dục đạt được cho các thành viên một cách ngẫu nhiên trong xã hội, theo góc độ này, bất bình đẳng về giáo dục được so sánh tương tự như bất bình đẳng về thu nhập (hoặc chi tiêu).

Thứ hai, bất bình đẳng trong giáo dục là sự phân phối những thành tựu giáo dục đạt được cho các thành viên theo những cơ sở xã hội khác nhau, có nghĩa là những người có cơ sở xã hội khác nhau sẽ nhận được những mức độ giáo dục khác nhau.

Ta có thể đo lường sự bất bình đẳng trong giáo dục theo góc độ này thông qua chỉ số phân hóa (chỉ số chênh lệch) giữa các nhóm cơ sở khác nhau. Theo góc độ này, bất bình đẳng về giáo dục được gọi là bất bình đẳng về cơ hội giáo dục. Vì thế, cả hai góc độ này đều được gọi chung là bất bình đẳng giáo dục.

Tốt nghiệp đại học vẫn là một trong những cách tốt nhất để thoát nghèo. Nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Harry Patrinos (Ngân hàng Thế giới) cho thấy hiện nay ở hầu hết các quốc gia, đầu tư để theo học đại học đem lại nhiều lợi ích hơn so với theo học những trình độ thấp hơn.

Phụ nữ có xu hướng thu được nhiều lợi ích hơn nam giới và thậm chí có một số bằng chứng (từ Hoa Kỳ) cho thấy con em những gia đình nghèo được hưởng lợi nhiều nhất từ giáo dục đại học. Vì vậy, câu hỏi cho các nhà hoạch định chính sách không phải là nhu cầu, mà là làm thế nào để giúp học sinh xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn được học lên cao và làm thế nào để giúp họ tốt nghiệp.

Tin xấu là ở hầu hết các quốc gia hiện nay, nhiều nhóm lớn những học sinh có hoàn cảnh khó khăn (ví dụ như thu nhập thấp, thế hệ ngoại kiều đầu tiên, thuộc chủng tộc hoặc dân tộc thiểu số, cũng như đồng thời thuộc các nhóm này) không thể tiếp cận giáo dục đại học, ngay cả khi họ đủ năng lực theo học. Một tin xấu khác đó là các chính phủ trên thế giới dường như không có chính sách thật sự hiệu quả dành cho những nhóm như vậy.

Nhưng cũng có tin tốt là hiện nay đã có một khối lượng lớn tài liệu với chất lượng cao phân tích những chính sách can thiệp và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong giáo dục đại học. Trong văn kiện mới (văn kiện làm việc số 8802 của Ngân hàng Thế giới), chúng tôi đã nghiêm túc lựa chọn, tập hợp và so sánh hơn 200 trường hợp từ 75 nghiên cứu bán thử nghiệm, về ảnh hưởng của những can thiệp đó trên khắp thế giới. Bốn bài học chính rút ra từ đánh giá này có thể được các nhà hoạch định chính sách trên toàn thể giới áp dụng.

Mối quan hệ giữa mở rộng giáo dục đại học và công bằng hoặc bình đẳng là một lĩnh vực mời gọi các quan điểm gây tranh cãi từ các học giả trên khắp thế giới. Một số nghiên cứu tiết lộ rằng mối quan hệ này không chắc chắn và phức tạp về bản chất. Một giả thuyết đáng chú ý đối với tóm tắt mối quan hệ là mô hình bất bình đẳng được duy trì ở mức tối đa (MMI). Mô hình này thừa nhận rằng sự khác biệt về nguồn gốc xã hội sẽ tồn tại trừ khi tỷ lệ tham gia của các tầng lớp trên của các nhóm xã hội được duy trì ở mức tối đa hoặc, nói lại nó, đạt đến mức bão hòa điểm (Raftery & Hout, 1993).

Lucas (2001) đã sửa đổi mô hình và đặt ra thuật ngữ "bất bình đẳng được duy trì một cách hiệu quả". EMI gợi ý rằng nếu sự khác biệt về số lượng trong giáo dục đại học là phổ biến, các nhóm xã hội thượng lưu sẽ có được lợi thế về số lượng. Nếu định tính sự khác biệt là phổ biến, sau đó họ chuyển lợi thế của mình sang trình độ tốt hơn về chất lượng.

Cận cảnh sự bất bình đẳng trong giáo dục đại học tại Việt Nam

Việc các trường đại học tăng học phí, và sẽ còn tăng trong tương lai được biện minh bởi hai lý do. Lý do thứ nhất là vì các trường chuyển sang cơ chế tự chủ, mà trong đó tự chủ về tài chính được xem là yếu tố quan trọng nhất. Lý do thứ hai cũng thường được nói nhiều lần đó là tăng học phí để tăng chất lượng đào tạo, dù trên thực tế, những số liệu thống kê mới nhất chỉ cho thấy nhiều trường tăng học phí chỉ giúp tăng thu nhập của giảng viên mà thôi.

Nhiều trường cũng xoa dịu việc tăng học phí bằng cách tuyên bố là có học bổng dành cho sinh viên nghèo học giỏi. Nhưng cần nhớ rằng, việc xếp loại sinh viên chỉ được thực hiện sau năm học đầu tiên chứ không phải bắt đầu ngay từ khi mới nhập học. Vậy những em học sinh nghèo làm sao có kinh phí để đóng cho trường vào năm học đầu tiên?

Theo số liệu thống kê của UNESCO vào năm 2014, khi chia dân số Việt Nam ra thành năm nhóm thu nhập từ nghèo nhất đến giàu nhất thì thấy rằng tỉ lệ người trong độ tuổi từ 18 - 22 vào học cao đẳng - đại học có sự khác biệt lớn giữa các nhóm. Cụ thể là với nhóm nghèo nhất, tỉ lệ nhập học chỉ có 5%, nhóm nghèo là 13%, nhóm trung bình là 26%, nhóm giàu 31% và nhóm giàu nhất là 55%.

Cần lưu ý rằng số liệu trên là vào năm 2014, tức vào thời điểm mà mức tăng học phí đại học chưa cao như hiện nay, nhưng vẫn cho thấy nhóm nghèo vào bậc sau trung học là rất thấp. Nói cách khác, số liệu thống kê cho thấy giáo dục đại học gần như chỉ dành cho nhóm có mức sống khá trở lên và tình hình tăng học phí như hiện nay sẽ làm cho khoảng cách giàu nghèo trong giáo dục đại học sẽ ngày càng giãn ra. Chúng ta luôn nói rằng giáo dục là một trong những công cụ hữu hiệu và quan trọng nhất để thoát nghèo, nhưng nền giáo dục đại học hiện nay đang gây khó khăn cho học sinh nghèo vào học.

Theo Thông tư số 86/2015/ND-CP của Chính phủ, học phí để một trẻ đi học từ mẫu giáo đến đại học trong hệ thống trường công rơi vào khoảng 112.550.000 đồng (USD4,826.33), tương đương 75.000 đồng đến 155.000 đồng mỗi tháng (USD3.22 ~ USD6.65) cho giáo dục phổ thông và 2.200.000 đồng mỗi tháng (USD94.34) cho bậc đại học. Đây không phải một con số quá lớn nhưng ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, số tiền này có thể là cả gia tài đối với nhiều gia đình.

Vài năm trở lại đây, trung bình GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 2.566 USD. Như vậy, với một gia đình hạt nhân có hai con, chỉ riêng tiền học phí có thể chiếm tới 25-45% tổng thu nhập hộ gia đình. Ngoài học phí, những chi phí khác như tiền đồng phục, giày dép, sách vở, chi phí đi lại và học thêm đều là những trở ngại trong việc phổ cập giáo dục cho người học.

Bất bình đẳng kinh tế kéo theo bất bình đẳng giáo dục

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bất bình đẳng kinh tế đang ngày càng trầm trọng hơn ở Việt Nam.

Năm 2010, nhóm 20% dân số giàu nhất có thu nhập cao gấp 9,2 lần nhóm 20% dân số nghèo nhất. Đến năm 2019, sự chênh lệch này đã tăng gấp 10,2 lần. Việc bất bình đẳng kinh tế ngày càng sâu sắc đồng nghĩa với gia tăng khoảng cách về cơ hội học tập giữa "con nhà giàu"và "con nhà nghèo". Điều này đồng nghĩa với việc càng ở cấp học cao hơn thì sẽ càng có nhiều trẻ bị tước đoạt đi cơ hội học tập. Có thể thấy học phí càng tăng thì số sinh viên đỗ đại học nhưng không thể nhập học tăng lên đáng kể.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ toàn bộ sinh viên đang học đại học so với người trong tuổi học đại học (thường được tính từ 18 - 23 tuổi) ở Việt Nam rất thấp so với thế giới. Nếu tính quy mô trung bình 6.000 - 7.000 sinh viên/trường thì khá thấp, mặc dù số cơ sở giáo dục đại học nhiều - và một trong các nguyên nhân đó là các bạn trẻ không có đủ tiền để trả khoản phí ban đầu nhập học.

Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế nhiều quốc gia chưa thể phục hồi. Một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, người lao động mất việc làm, hoặc bị cắt giảm lương. Vật giá leo thang, giá xăng dầu tăng mạnh khiến cuộc sống của phần lớn người dân đều lâm vào tình cảnh khó khăn. Chi tiêu của các cá nhân trong nền kinh tế cũng được coi là hạn chế hơn, tiết kiệm được đề cao, tăng thu và giảm chi là suy nghĩ chung của nhiều người.

Các trường đại học lúc này để tồn tại bắt buộc phải tăng học phí, các khoản lệ phí để duy trì hoạt động. Trong khi đó các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc không nhận được đủ chu cấp từ phía gia đình đành phải chấp nhận đi làm thêm nhiều hơn để trang trải các khoản thu từ nhà trường, tiền trọ, tiền ăn uống, đi lại… Khi việc làm thêm quá nhiều, các sinh viên sẽ tỏ ra mệt mỏi, không lên lớp đúng tiến độ và không theo kịp bài giảng và kết quả là thành tích học tập của họ khá thấp. Chu trình này lại tiếp tục với việc họ bị nợ môn, đóng tiền học lại, học cải thiện,…và việc kéo dài thời gian tốt nghiệp ra trường trở thành điều đương nhiên.

Thu nhập sụt giảm khiến người học thiếu thốn dụng cụ học tập

Với sự bùng nổ khoa học công nghệ trên toàn cầu, ứng dụng công nghệ thông tin trở thành tiêu chí bắt buộc đối với giáo dục đại học. Các giáo viên lúc này thực hiện việc trình chiếu bài giảng, giao bài tập trên các phần mềm, yêu cầu sinh viên có các thiết bị có thể truy cập vào mạng. Một số môn học đòi hỏi các sinh viên phải có máy tính xách tay để thực hiện các bài tập thực hành số liệu hoặc tham gia vào các khóa học trực tuyến hoàn toàn. Với các nước phát triển việc này có vẻ là đơn giản nhưng với Việt Nam thì không phải sinh viên nào cũng đủ điều kiện để sắm cho mình một chiếc máy tính xách tay.

Chưa kể do yêu cầu chung việc duy trì các nhóm hoạt động trên mạng để cập nhật thông tin nhanh chóng, các sinh viên cần có điện thoại smartphone và được kết nối mạng wifi. Điều này cũng đã làm khó một bộ phận sinh viên nghèo khi mà thu nhập của họ và gia đình họ không đủ để thực hiện và sự hỗ trợ của nhà trường gần như là bằng không. Các giáo viên cũng cảm thấy lúng túng và khó xử khi vừa muốn thông cảm cho hoàn cảnh của sinh viên vừa phải đảm bảo yêu cầu số hóa công tác giảng dạy của nhà trường.

Các tư liệu học tập như giáo trình, sách bài tập, học liệu bản cứng có bản quyền trở nên đắt đỏ hơn trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Nhiều sinh viên do không có nhiều tiền nên lựa chọn việc sử dụng tài liệu in lậu hoặc thậm chí không dùng tài liệu học tập, họ chỉ tập trung vào phần kiến thức ghi chép trên lớp hoặc các tài liệu dưới dạng bản mềm miễn phí hoặc phí thấp. Điều này rõ ràng đã cản trở việc tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ của sinh viên, hạn chế cái nhìn tổng quan của họ trong các môn học.

Kết quả các cuộc điều tra về tác động của việc tăng học phí với với người học cho thấy có tới 28% sinh viên có nguy cơ phải bỏ học khi tăng học phí, khiến bất bình đẳng trong giáo dục càng trầm trọng. 

Trên một nửa số hộ gia đình được hỏi cho biết họ phải cho con đi làm thêm do học phí cao. Nhóm nghèo nhất phải đi làm thêm nhiều nhất (79%). Điều tra thực tế sinh viên đang học cũng cho thấy kết quả tương đồng với các phụ huynh: Hiện có 51% sinh viên đang phải đi làm thêm chỉ vì học phí cao (không tính số người làm thêm vì muốn có thêm kinh nghiệm).

Cuộc điều tra còn lấy ý kiến, phản ứng của phụ huynh có con đang học hoặc chuẩn bị thi đại học về mức học phí hiện hành. Khi được hỏi về mức học phí mới (13-17 triệu đồng/năm) thì có tới 85% nhóm nghèo nhất cho rằng đây là mức cao và rất cao. Cũng với mức học phí này, gần 40% số người nhóm nghèo nhất và trên một nửa số người nhóm cao hơn không thể đảm bảo kinh phí cho con theo học.

Nếu tính tổng tất cả các nhóm, có tới 37% số hộ gia đình sẽ không thể đảm bảo kinh phí cho con đi học đại học. Giải pháp với các gia đình này là chọn trường có mức học phí thấp hơn hoặc đi vay tiền cho con học, cho con đi làm thêm khi đi học. Như vậy tình huống một sinh viên dù học rất giỏi và có thể đỗ các trường đại học mà mình mong muốn nhưng lại quyết định nhập học một trường có mức phí thấp là điều xảy ra ngày càng nhiều.

Sự bất bình đẳng trong giáo dục đã và đang xảy ra với mức độ ngày càng gia tăng

Sự bất bình đẳng trong giáo dục đại học đã cướp đi ước mơ của nhiều sinh viên và làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của xã hội. Chỉ khi con người ta được học đúng chuyên ngành mà mình mong muốn, được hưởng đầy đủ các điều kiện và cơ hội để tiếp thu đầy đủ kiến thức thì chất lượng chuyên môn của cá nhân mới được nâng cao.

Sự bất bình đẳng trong giáo dục đại học thể hiện rõ rệt hơn khi mà học phí đào tạo tăng lên, các khoản phí như xây dựng cơ sở hạ tầng, phí duy trì nhiều hơn, đặc biệt chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt do vật giá leo thang. Các cơ sở giáo dục đại học cần có những phân tích đánh giá về sự bất bình đẳng tại trường mình để có những biện pháp hỗ trợ cần thiết cho sinh viên.

Vẫn biết xóa bỏ bất bình đẳng nói chung và bất bình đẳng trong giáo dục nói riêng là điều không thể nhưng hạn chế nó là điều mà bất kỳ một trường đại học nào cũng cần làm.